Chuyên gia Lâm Minh Chánh quảng bá cho Finhay huy động vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được chuyên gia Lâm Minh Chánh quảng bá rộng rãi, Finhay nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng. Tuy nhiên, tính pháp lý của ứng dụng này vẫn là câu hỏi lớn.
Chuyên gia Lâm Minh Chánh quảng bá cho Finhay huy động vốn?

Finhay do Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam phát triển được giới thiệu là nền tảng công nghệ tài chính kết nối giới trẻ với các quỹ tài chính uy tín. Theo đó, người dùng gửi tiền vào ứng dụng (tạm gọi là app), tài sản đó sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.

Hiểu nôm na là Finhay nhận tiền từ người dùng rồi chuyển số tiền đó sang bên thứ ba để bên thứ ba đầu tư và trả lại lợi nhuận cho người dùng.

Được nhiều người nổi tiếng quảng bá

Không lâu sau khi ra đời, Finhay nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Một trong những nguyên nhân khiến app này phổ biến chính là được chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh và ông Phạm Thanh Hưng (CEO Cen Group) quảng bá.

Shark Hưng gây chú ý khi nhận xét về Finhay: “Hãy biến smartphone của mình trở thành công cụ để kiếm tiền, chứ đừng dùng để giải trí”.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh nhiều lần đăng đàn chia sẻ về tài chính. Trong đó, ông dành nhiều lời khen cho Finhay sau khi nhấn mạnh vào sự khó khăn về đầu tư của những người vốn ít.

Cụ thể, ông Lâm Minh Chánh đánh giá nhiều người không biết làm sao để tiền sinh sôi nảy nở, không biết hiệu quả của lãi suất kép vì số tiền mà họ có nhỏ quá, đầu tư không bõ vào đâu nên đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Ông Chánh liệt kê ra danh sách đầu tư hiệu quả và an toàn như ngân hàng, vàng, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản... Theo ông Chánh đây là những kênh nên đầu tư nhưng cần vốn lớn.

Sau đó, ông Chánh đưa ra giải pháp cho những người muốn đầu tư nhưng vốn thấp. Đó là Finhay. Ông Chánh giới thiệu Finhay có đăng ký kinh doanh, là Fintech ứng dụng công nghệ trong tài chính. Finhay nhận được đầu tư của vài quỹ, trong đó chứng khoán Thiên Việt khá lớn của Việt Nam với vốn ngàn tỷ. Ngoài ra, việc kinh doanh của Finhay có kiểm toán.

Ông Chánh cũng khẳng định sau khi tìm hiểu ông thấy Finhay hướng tới làm ăn đàng hoàng, kinh doanh bền vững, có pháp lý, giao dịch qua tài khoản công ty, cơ chế quản lý càng ngày càng tiến bộ, có quỹ nước ngoài, công ty chứng khoán đầu tư vốn.

Theo cách đầu tư thông thường, với số tiền nhỏ, nhà đầu tư không thể mua được cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Ngoài ra, đầu tư là phải theo dõi, điều mà những người không chuyên nghiệp khó thực hiện được.

Vì vậy, ông Chánh đánh giá nhờ công nghệ, Finhay giúp cho nhà đầu tư có thể đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ với số tiền nhỏ. Finhay đưa tiền của người dùng vào Thiên Việt. Thiên Việt hỗ trợ đầu tư rồi báo cáo cho khách, giúp cho khách có thể đầu tư được lãi suất cao hơn ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Chánh cũng nhắc nhở rằng không có gì là chắc chắn, ngay cả với một ngân hàng. Dù vậy, với 3 tiêu chí kể trên, ông đánh giá Finhay có thể tin cậy được.

Có vi phạm hay không?

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên thị trường có hình thức ủy thác đầu tư và huy động vốn. Xét về huy động vốn, ngân hàng là đơn vị duy nhất được làm điều này. Còn về ủy thác đầu tư thì chỉ hợp pháp khi hai bên phải ký kết hợp đồng với nhau.

Chia sẻ với phóng viên, chị Vân (một người dùng Finhay) cho biết chị đã chuyển tiền vào tài khoản Finhay nhưng chưa nhận được yêu cầu ký hợp đồng nào.

Tính pháp lý của Finhay càng bị nghi ngờ nhiều hơn khi mới đây, vào ngày 6/9/2021, Chính phủ mới thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV/2021.

Trước đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) đã bị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước “tuýt còi” vì bị nghi huy động vốn trá hình.

Cụ thể, đầu năm nay, báo chí phản ánh tình trạng MBS và VND biến tướng huy động vốn, dưới các hình thức hợp tác kinh doanh, đầu tư, tiết kiệm tiền gửi... Bộ Tài chính cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu MBS và VND báo cáo, giải trình về nội dung này.

Đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu MBS dừng thực hiện dịch vụ. Với VND, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình và tổ chức kiểm tra hoạt động.

(Còn nữa)

Đọc thêm