Hà Nội khoanh vùng khu vực có ổ dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.
Đã có sự chủ quan
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan”.
Đặc biệt vừa qua, hình ảnh hàng nghìn người chen chúc tại ga Cát Linh để đi trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông trong bối cảnh dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến nhiều người lo ngại dễ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là điều đáng lo ngại, vì dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, dễ lây lan mạnh nếu không đề phòng. Việc những nơi công cộng không đảm bảo giãn cách tiềm ẩn nguy lây lan dịch bệnh cao. Vì hiện nay, đã có nhiều người được tiêm vaccine phòng COVID-19, nên có thể sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ không biết và đi lại trong cộng đồng, dễ lây nhiễm cho người khác.
Đặc biệt, mặc dù đã đề cao các biện pháp phòng dịch, tiêm chủng cho người dân đạt tỷ lệ cao, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi số lượng người nhiễm trong cộng đồng lớn sẽ ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm, những người không thể tiêm chủng, người già… những đối tượng dễ bị nặng, tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cảnh báo: “Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2". Như vừa qua, TP HCM đã thống kê khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) mới đây, tỷ lệ này cũng chiếm gần 50%”.
Triển khai cách ly F1, F0 tại nhà hợp lý
Thực tế, tỷ lệ dân số của Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 lớn, nhiều người sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, các chuyên gia đề xuất Hà Nội nên tính đến phương án cách ly tại nhà.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cùng với việc siết chặt phòng dịch, quản lý người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội nên cho những ca F0 không có triệu chứng tự điều trị tại nhà, để giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế. Có thể để người dân tự khai báo và cách ly tại nhà; tránh việc nhiều trường hợp trở thành F0, nhưng không có triệu chứng, không khai báo y tế, vì họ sợ phải đi cách ly.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng: dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, việc xuất hiện nhiều F0 thì cùng với đó cũng sẽ có nhiều F1. Vì vậy, chúng ta cần phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời giảm lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Theo đó, việc cách ly cũng phải hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh. Khi người dân được lựa chọn việc cách ly tại nhà thì phải đảm bảo được đúng theo yêu cầu về điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cho cách ly tại nhà. Nếu trường hợp không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà như: Phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng... thì vẫn cần cách ly tập trung.
Về vấn đề kiểm soát dịch của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện mục tiêu kép. Cùng với đó là xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, nhằm đánh giá nguy cơ đúng và có giải pháp phù hợp.
Đồng thời, Hà Nội cũng nhanh chóng bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho người dân, nhất là người già, người có bệnh nền; đặc biệt cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để ngăn dịch lan rộng trong cộng đồng, Hà Nội phải tăng cường tuyên truyền, giám sát chặt những người đi từ các địa phương về các tỉnh thực hiện tốt việc cách ly tại nhà, giám sát chặt trong thời gian đầu với người từ địa phương khác về. Các trường hợp này có thể xét nghiệm ngay, xét nghiệm trong vòng 7 ngày đầu; đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly, không đi ra ngoài, tiếp xúc với người khác.
“Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người dân rất quan trọng. Khi dịch len lỏi trong cộng đồng, thì chỉ có người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, mới có hiệu quả ngăn chặn lây lan. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” mới có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.