Chuyên gia marketing nói về quảng cáo “kỳ quặc” gây tranh cãi của Trung Nguyên

(PLO) - "Để để có thể giữ vị thế thương hiệu và thành công khi ra mắt các sản phẩm mới, Trung Nguyên cần thay đổi cách làm truyền thông và marketing" - Giám đốc PRWeb Việt Nam nhận định.
Chuyên gia marketing nói về quảng cáo “kỳ quặc” gây tranh cãi của Trung Nguyên
Trong những ngày qua, khi hình ảnh mẫu quảng cáo của Trung Nguyên lan truyền trên các diễn đàn, mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận. Đặc biệt, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, marketing cũng có những phân tích, đánh giá,.. khác nhau về thông điệp, hình ảnh quảng cáo này của Trung Nguyên.
Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và marketing, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Mạng truyền thông Việt Nam (PRWeb Việt Nam) đã đưa ra phân tích, đánh giá của riêng mình.
“Trung Nguyên chưa hết sáng tạo?”
Đánh giá về hình ảnh quảng cáo của Trung Nguyên như báo chí đã đưa tin, ông Nguyễn Trung Thành cho rằng cần nhìn nhận ở hai điểm chính:
“Thứ nhất, khi truyền tải bất cứ thông điệp gì thì cũng phải có điểm nhấn mà trong quảng cáo của Trung Nguyên thì tôi thấy không có gì nổi trội và chưa thực sự liên kết với nhau. Từ hình tượng Thánh Gióng hay hạt cà phê đều quá mờ nhạt, không toát lên thông điệp hoặc ý nghĩa rõ ràng khiến cho nhiều người chỉ xem qua một lần là quên ngay, không đọng lại một chút ấn tượng gì cả. 
Thứ hai, những slogan như "Năng lượng cho não sáng tạo", "Sức mạnh tinh thần Phù Đổng", "Cùng xây dựng thế hệ Rồng - Tiên" trong quảng cáo này cũng không thực sự "đắt" và hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm cũng như thương hiệu của Trung Nguyên vì cứ đều đều nhau như thế thì người xem sẽ chẳng biết slogan đấy gắn với sản phẩm nào hay tất cả slogan đấy gắn lên thương hiệu của Trung Nguyên?”, ông Nguyễn Trung Thành phân tích.
Ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc mạng Truyền thông Việt Nam (PRWeb Việt Nam).
 Ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc mạng Truyền thông Việt Nam (PRWeb Việt Nam).
Theo ông Thành, để làm nổi bật ý nghĩa thông điệp cũng như hình ảnh sản phẩm của mình, Trung Nguyên cần có sự đánh giá lại cách làm, cách truyền tải thông điệp, hình ảnh của mình đã phù hợp trong thời điểm hiện tại hay chưa, có gì khác biệt hoặc nổi trội so với các đối thủ khác hay không bởi đây là điểm mấu chốt để dẫn đến thành công cho sản phẩm. 
“Tôi có thể lấy một ví dụ cụ thể một việc là tháng 2/2013, Starbucks chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, mặc dù theo đánh giá của nhiều người thì chưa hẳn là ngon, là đặc trưng của cà phê nhưng hiện nay người ta thưởng thức cà phê về mặt phong cách nhiều hơn là về mặt ẩm thực như chính cách làm cho mình khác biệt và đơn giản đã tạo nên thành công đó của Starbucks. Một sản phẩm hay một thương hiệu muốn thành công thì khi tiến hành làm truyền thông, làm marketing thì phải tạo cho mình môt điểm nhấn, một sự khác biệt, dù là đơn giản nhất”, ông Nguyễn Trung Thành lý giải.
Về ý kiến cho rằng liệu Trung Nguyên đã hết sự sáng tạo khi cho ra những quảng cáo ngày càng khô khan, khó hiểu thì ông Nguyễn Trung Thành nhận định: "Không thể chỉ với một mẫu quảng cáo như vậy mà có thể kết luận rằng Trung Nguyên đã hết sự sáng tạo vì với con người thì sự sáng tạo là vô hạn và sự sáng tạo cần được nuôi dưỡng bởi việc tích cực tiếp nhận những cái hay, cái mới. Sự sáng tạo của Trung Nguyên chắc chắn là vẫn có, vẫn còn bởi đội ngũ chuyên gia đang quảng bá cho thương hiệu của Trung Nguyên vẫn có thể vạch ra những chiến lược mới nhưng có thể khi triển khai một chiến dịch truyền thông, marketing họ lại quá bị gò bó trong một khuôn khổ, tiêu chí nào đó nên dẫn đến không hiệu quả, thiếu tính sáng tạo trong chiến dịch đó".
Cần thay đổi
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm chưa phù hợp trong quảng cáo của Trung Nguyên, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Mạng truyền thông Việt Nam (PRWeb Việt Nam) cho rằng để có thể giữ vị thế thương hiệu và thành công trong việc ra mắt các sản phẩm mới thì Trung Nguyên nên thay đổi trong cách làm truyền thông và marketing vì với cách làm cũ sẽ nhanh chóng lỗi thời và không phù hợp khi cần phải đáp ứng bốn yếu tố cơ bản là “đồng sáng tạo”; “giá trị”; “xã hội hóa”; “đối thoại”.
Trung Nguyên cần thay đổi trong cách quảng cáo, marketing để tránh sự nhàm chán, khô khan?
Trung Nguyên cần thay đổi trong cách quảng cáo, marketing để tránh sự nhàm chán, khô khan? 
Ông Thành phân tích: “Đồng sáng tạo” ở đây chính là sự sáng tạo của nhà sản xuất trong việc sáng tạo ra các sản phẩm mới chất lượng còn khách hàng thì sáng tạo trong cách sử dụng, thưởng thức sản phẩm đó. 
“Giá trị” ở đây được thể hiện hai khía cạnh là vật chất (giá trị của sản phẩm) và tinh thần (giá trị đem lại cho người sử dụng). Chẳng hạn  người đi uống cà phê không chỉ là đồ uống ngon mà giá trị đem lại là cách thưởng thức, không gian thưởng thức, phong cách thưởng thức,...
"Xã  hội hóa": Đây chính là cách nói việc truyền thông, marketing làm sao cho việc sử dụng, thưởng thức sản phẩm mới sẽ trở thành một trào lưu, ai ai cũng thích và muốn sử dụng. Riêng ở vấn đề này thì việc truyền tải thông điệp và ý nghĩa của sán phẩm rõ ràng và đơn giản để cho khách hàng, công chúng dễ hiểu nhất.
"Đối thoại": Nhà sản xuất hoặc người cung cấp sản phẩm và dịch vụ luôn cần có phương pháp đối thoại và tương tác trực tiếp với khách hàng, người sử dụng để tiếp thu ý kiến phản hồi nhằm hoàn thiện sản phẩm của mình. Đây là yếu tố cuối cùng quyết định xem sản phẩm có tạo được niềm tin của khách hàng và thành công hay không.
“Nếu đảm bảo đáp ứng được các yếu tố này đối với mỗi sản phẩm mới thì chắc chắn thương hiệu của cà phê Trung Nguyên mới tồn tại và phát triển...”, ông Nguyễn Trung Thành khẳng định.

Đọc thêm