Nguyên nhân nhỏ nhặt, hậu quả nặng nề
“Theo thống kê của Bộ Công an, một năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội. Số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18-20%.
Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều khía cạnh: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục… Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình đang diễn biến phức tạp và phản ánh vấn đề bất thường của xã hội, phản ánh xu hướng bạo lực trong cách hành xử trong cộng đồng đang gia tăng. Có thể đánh giá thông qua các vụ bạo hành gia đình, một số vụ thảm án vừa diễn ra gần đây đã báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Người ta thường trăn trở “Sao lại có thể như vậy được?” trong vụ án đối tượng Nguyễn Văn Đông (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vung dao sát hại gần như cả gia đình người em trai”.
Ông có thể phân tích kỹ hơn về tâm lý của những người có hành vi bạo lực, bạo hành vi phạm pháp luật qua những vụ việc đã xảy ra?
- Bạo lực gia đình thường xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt trong đời sống chung như va chạm, xích mích, ghen tuông, tranh chấp thừa kế, đất đai…
Tôi cho rằng khi bị mắc vào xung đột gia đình dẫn đến bạo lực thì phản ứng tâm lý chung của các đối tượng phạm tội trước hết là trong trạng thái nóng giận, hành vi phạm tội đôi khi mang tính nhất thời, manh động, bột phát, chứ ít người dự mưu từ trước để gây hại cho người thân. Nhưng trong quá trình xung đột, do thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân, thiếu khả năng kiềm chế, bản thân những người trong cuộc có tác động vào làm cho đối tượng bùng phát cơn nóng giận và gây tội ác. Sau đó, thường là các đối tượng ân hận.
|
Ông Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an |
Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, ông nhận định thế nào về tính chất, phương thức một số vụ việc xảy ra thời gian qua?
- Khi thực hiện hành vi phạm tội, trong sâu thẳm nội tâm đối tượng là sự ích kỷ cao độ, cái tôi cao độ; coi trọng giá trị vật chất, tuyệt đối hóa giá trị cá nhân và coi nhẹ giá trị đạo đức, giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.
Ở một người có văn hóa, giáo dục tốt thì không thể vì nửa mét đất mà chém cả nhà người em. Đây phải là sự ích kỷ cao độ của đối tượng có khí chất nóng nảy, hung hãn.
Có vụ như đối tượng Bùi Xuân Hồng (Thái Nguyên) đã lớn tuổi nhưng vẫn sát hại hai người trong gia đình em gái vì mâu thuẫn nợ nần. Tôi cho rằng những người đã có độ tuổi nhất định nhưng sự tác động tiêu cực trong môi trường sống vẫn có thể làm cho họ thay đổi nhận thức, thay đổi định hướng giá trị. Có thể ban đầu con người coi trọng các giá trị gia đình nhưng dần dần cuộc sống va đập khiến người ta thấy rằng đồng tiền mới có giá trị, người ta đi theo tiếng gọi vật chất.
Khi con người cảm thấy không được tôn trọng, cái tôi vị kỷ quá lớn thì con người sẵn sàng dùng sức mạnh thể chất, dùng bạo lực để bảo vệ cái tôi của mình bằng cách thực hiện hành vi nguy hiểm.
Cần hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn có dấu hiệu “lâm sàng”
Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những vụ việc bạo lực, bạo hành, gây ra những vụ việc đáng tiếc thời gian qua là gì?
- Để đi đến quyết định vung dao vào người thân của mình thì đó là kết quả của suy thoái nhân cách. Sự suy thoái tồn tại lặng lẽ qua ngày, tháng. Sự tác động từ môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách lệch lạc. Từ nhân cách lệch lạc, khi tương tác trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể thì hình thành tội phạm.
Hành vi tội ác là kết quả của sự suy thoái chứ không phải do tranh chấp đất đai, do ghen tuông tình ái hay do những bực tức trong đời sống. Sự suy thoái văn hóa, suy thoái đạo đức là nguồn cơn của tội ác.
Vì sao trong một số vụ việc, yếu tố bạo lực luôn được dùng để giải quyết mâu thuẫn, thưa ông?
- Tôi cảm giác hiện ngay người Việt ngày càng trở nên khó kiềm chế. Khi va chạm giao thông là có thể xảy ra xô xát, khi cãi cọ cũng vậy. Trong những năm vừa qua, bên cạnh thành tựu kinh tế thị trường đem lại cho đời sống xã hội, còn tồn tại những những tiêu cực.
Theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm trong thời gian tới để ngăn ngừa, hạn chế các sự việc như vậy, đồng thời nâng cao đạo đức và hoàn thiện nhân cách mỗi người?
- Chúng ta có những khung pháp lý để điều chỉnh, xây dựng một gia đình văn hóa, chính sách đã có, việc tổ chức thực hiện sao cho nghiêm túc. Tăng cường việc xây dựng văn hóa, tăng cường sự yêu thương đoàn kết gắn bó. Người lớn thì nêu gương, nêu cao gia phong gia đạo, duy trì nền nếp gia đình Việt Nam, xây dựng các tổ chức tự quản dòng họ. Nhiều vùng quê đã tổ chức rất hiệu quả tự quản dòng họ, có tác dụng tốt trong việc điều tiết xung đột mâu thuẫn trong từng gia đình thông qua cơ chế dòng họ.
Xây dựng các cộng đồng dân cư an toàn. Câu chuyện về hương ước, lệ làng, phục dựng những quy định tiến bộ, phù hợp đời sống mới, rất có tác dụng trong việc xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, với các hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.
Kiện toàn các tổ chức hòa giải ở cơ sở là một việc hết sức quan trọng trong việc tháo ngòi nổ các xung đột. Các vụ bạo lực đều có các dấu hiệu “lâm sàng” trước đó, biểu hiện ra ngoài bằng các vụ cãi vã, đánh chửi nhau nho nhỏ. Nếu những người xung quanh, tổ chức hòa giải phát hiện sớm, sẽ kịp thời khuyên can, tư vấn, tìm giải pháp, dàn xếp giúp các thành viên trong gia đình bình tĩnh trở lại, tìm ra các giải pháp hòa giải đúng pháp luật.
Tiếp theo là công tác giáo dục ở nhà trường, chúng ta phải tăng cường vấn đề dạy người. Một thời gian dài, chúng ta quan tâm nhồi nhét kiến thức, dạy chữ, bỏ bẵng câu chuyện dạy người. Đây là bồi dưỡng kỹ năng sống trên ghế nhà trường, từng cấp học, tăng cường dạy cách ứng xử và kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống, cách điều tiết, kiểm soát cảm xúc, tìm đến các công cụ để giải quyết câu chuyện của mình. Đây là điều mà các em học sinh rất cần để khi vào cuộc sống, các em cần có sẵn kỹ năng đó.
Cũng cần tăng cường công tác của các ngành chức năng, đặc biệt là ngành công an, trong việc răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung những đối tượng gây rối, bạo lực.
Xin cảm ơn ông!
“Nếu trong một xã hội mà đạo đức xã hội được tôn trọng, một nền văn hóa duy trì được giá trị nhân văn thì bản thân nền đạo đức xã hội đó sẽ có khả năng, có sức mạnh điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng tuân theo chuẩn mực chung của đời sống. Bất cứ ai có hành xử ngược lại với chuẩn mực này đều bị cộng đồng lên án, tẩy chay, buộc thành viên đó tự điều chỉnh hành vi của mình” - ông Đào Trung Hiếu