Hoảng loạn khi con bị bắt cóc
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra những vụ bắt cóc trẻ em (BCTE) nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có vụ thủ phạm đã xuống tay tàn độc, giết chết con tin. Điển hình như vụ án xảy ra chiều 4/4/2016 tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận. Tên Nguyễn Bảo Vũ (24 tuổi) đã bắt cóc rồi sát hại cháu P.K.U.N, 11 tuổi, học sinh lớp 5, sau đó nhắn tin cho bố nạn nhân đòi số tiền chuộc 200 triệu đồng.
Vào đầu tháng 9 năm 2014, Bùi Thị Yến Linh (Hàm Tân, Bình Thuận) đến nhà chị Trần Thị Thu Hoa xin nghỉ nhờ rồi lẻn vào phòng ngủ bế con mới 2 tháng tuổi của chị Hoa bỏ trốn. Sau đó, sợ bị phát hiện, người phụ nữ này bỏ cháu bé trong phòng trọ rồi biến mất. Cháu bé được người dân báo lên cơ quan công an và giao lại cho gia đình chị Hoa.
Cũng trong năm 2014 là trường hợp Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi) bắt cóc bé sơ sinh trong Bệnh viện Quận 7, TP HCM. Chiều 8/1/2014, đóng vai là người nhà bệnh nhân, Trâm lê la vào một phòng hậu sinh và phát hiện sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm vừa hạ sinh bé trai. Sáng 9/1/2014, lợi dụng lúc chị Tâm vào phòng vệ sinh rửa bình sữa cho con, Trâm nhanh tay bế bé trai ra bắt xe ôm tẩu thoát. Khi bị bắt, Trâm khai mục đích bắt cóc bé trai nói trên không phải vì sẩy thai mà để... bán.
Trong chuyên án đặc biệt mang tên “8.6.2011”, lực lượng Công an Trung Quốc đã giải cứu 10 bé trai Việt Nam, bắt giữ 43 đối tượng buôn người. Trong số những em được cứu, em nhỏ nhất dưới 10 ngày tuổi, em lớn nhất chỉ hơn 7 tháng tuổi, nhiều em trong số này đang bị mắc một số bệnh như viêm phổi, thậm chí một em chưa được cắt cuống rốn. Đến đầu tháng 5/2013, 10 bé trai được phía Bộ Công an Trung Quốc phối hợp với Bộ Công an Việt Nam giải cứu và đưa về nước. Sau đó cả 10 bé trai này đều được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.
Gần 50 vụ bắt cóc trẻ em mỗi năm với rất nhiều thủ đoạn
Trong đời sống, không gì kích hoạt nỗi sợ hãi lây lan nhanh hơn một vụ trẻ em bị bắt cóc. Bởi nó “đánh gục” trái tim những người làm cha, làm mẹ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thượng tá Trần Thế Hưởng - Phó Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, số vụ BCTE nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ trong một năm. Mặc dù số vụ bắt cóc trẻ em không nhiều, tuy nhiên, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn với số lượng tiền chuộc được yêu cầu lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra, nguy cơ tiềm ẩn của những tội phạm BCTE có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Thủ đoạn BCTE hiện nay rất đa dạng. Bọn tội phạm có thể sử dụng những “chiêu thức” như: giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón tại cổng trường. Ở nơi công cộng, chúng còn tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng.
Đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Lợi dụng quan hệ quen biết hoặc lòng tốt của người dân, đối tượng tạo hoàn cảnh khó khăn để xin ngủ nhờ, rồi nhân lúc người nhà đang say giấc, chúng ra tay bắt cóc hoặc cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát. Tấn công vào các gia đình, giết bố mẹ, người lớn… để BCTE (ở các khu vực biên giới). Nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo, đánh giày…) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực BCTE…
Qua những vụ án BCTE đã xảy ra, có thể thấy những đặc điểm phổ biến của loại tội phạm này là hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân.
Để hạn chế nạn BCTE này, theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các gia đình cần giải thích cho trẻ thế nào là bị bắt cóc và hậu quả của nó thế nào. Dạy cho trẻ sự cảnh giác cần thiết đối với những gì bất thường xung quanh.Chỉ cho chúng biết những người lạ nào có thể tin tưởng như chú công an, chú bộ đội, thầy cô giáo ở trường lớp.
Dạy cho bé nhớ tên, số điện thoại của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này với những người lạ, người không tin tưởng. Dạy trẻ không ăn bất cứ đồ gì do người lạ đưa cho; dạy con các kỹ năng ứng xử khi bị người lạ lôi kéo, dắt đi. Cần chỉ bảo cho trẻ biết kêu gào, khóc thật to khi gặp nguy hiểm...