Chuyện hiếm có trên thế giới tại Việt Nam: 'Thung lũng sư phạm'

(PLO) -Làng văn hóa Quảng Đức (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) từ lâu đã được mệnh danh là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm”, “làng dạy học” vì nơi đây có khoảng 470 hộ dân nhưng có trên 200 người là giáo viên.
 

 

Một lớp học ở Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam
Một lớp học ở Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam

“Làng giáo viên”

Theo ông Trần Minh Tể - Trưởng thôn Quảng Đức, vào năm 1973 - 1974, có khoảng 300 hộ dân ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) tìm vào vùng đất này định cư. Trong đó có 17 người từng là giáo viên khi còn ở quê nhà. 

Vào vùng đất mới với nhiều khó khăn nhưng các hộ dân quyết không để  con em mình thất học. Mọi người đã cùng nhau lập nên ngôi trường đầu tiên mà ngày nay là Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam.

Có trường, có lớp, các thầy cô bắt đầu gây dựng sự nghiệp trồng người. 17 giáo viên năm nào nay lại tiếp tục đứng lớp. Để rồi, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau theo nghề.

Ở Quảng Đức, rất nhiều gia đình có cả con, cháu, dâu, rể đều là giáo viên. Thầy Trần Minh Hải có 7 người con thì tất cả đều tiếp nối nghề. Nhiều gia đình có truyền thống dạy học như thầy Đỗ Hoằng, thầy Nguyễn Đức Thương. Gia đình cô Trịnh Thị Kim Lâu có 5 chị em thì 3 người dạy học. Gia đình thầy Nguyễn Văn Bái, Phạm Văn Mỹ, Trần Văn Đắc cũng có con cháu, dâu, rể theo nghề.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, năm 1992, cô giáo Trịnh Thị Kim Lâu về nhận công tác tại Trường Tiểu học Tân Sinh (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm). 

Năm 2000, cô về dạy tại Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ cô nuôi 5 chị em ăn học nên người, trong đó có 3 người theo nghề giáo. Qua bao gian khó, cũng có những lúc nản chí, nhưng với tình yêu nghề, yêu trò, ngọn lửa đam mê vẫn cháy mãi trong cô. 

Cô Lâu bộc bạch: “Học trò vốn hồn nhiên, tinh nghịch nên mỗi ngày qua đi trong cuộc đời dạy học của tôi là một trải nghiệm mới mẻ, đầy ắp những kỷ niệm. Mình vừa phải là người thầy, người mẹ, người bạn. Tôi yêu mảnh đất và con người nơi đây. Điểm trường này sẽ là nơi tôi gắn bó cho đến lúc kết thúc sự nghiệp”.

Với cô giáo Đỗ Ái Hằng (con gái thầy Hoằng) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Hiệp Bắc, giây phút được đứng trên bục giảng mang đến nhiều niềm vui. “Tôi luôn tâm niệm dạy học không chỉ truyền đạt cho các em kiến thức, để sau này có nghề nghiệp vững vàng mà còn giúp các em trở thành những người sống nhân nghĩa”, cô Hằng nói.

Đáng chú ý, những giai đoạn khó khăn, ở nhiều nơi xảy ra tình trạng giáo viên bỏ nghề nhưng ở Quảng Đức thì khác. Dù còn vất vả, các nhà giáo ở đây vẫn giữ vững phong thái người thầy, kiên trì bám trường, bám lớp. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam, trường có 25 giáo viên, trong đó có 15 giáo viên người thôn Quảng Đức. Người ở lâu đã có hơn 25 năm, người ít cũng vài năm, nhưng chưa một ai xin chuyển đi vùng khác. 

Thôn Quảng Đức nhiều năm liền được công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh
Thôn Quảng Đức nhiều năm liền được công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh

Mỗi ngày hai lần đánh kẻng học bài

Kể về chuyện học của làng Quảng Đức, ông Tể cho biết: “Mỗi ngày ở làng có hai lần đánh kẻng để thúc giục các cháu học bài. Buổi sáng sớm là vào lúc 4h30, lúc này các cháu vừa dậy học bài, các cụ cao tuổi cũng dậy tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Còn buổi tối là vào lúc 7h. Đến giờ học là tất cả các cháu đều tự giác về nhà học bài, không được lang thang ngoài đường”.

Nhằm khuyến khích phong trào học tập của con em, trong làng còn thành lập Tổ Khuyến học Lê Đình để hàng năm khen thưởng, động viên các học sinh có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, còn có quỹ cho mượn không lấy lãi để giúp đỡ những em thuộc gia đình nghèo khó theo học đến cùng.

Chính vì đẩy mạnh công tác chăm lo, quan tâm đến việc học của con em mà năm nào làng Quảng Đức cũng có học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đằng trên cả nước. Như chị Phan Thị Lộc một mình nuôi 7 người con ăn học thành tài. Hiện có 4 người con theo nghề giáo viên, 2 người là cử nhân luật và 1 là kỹ sư đang làm việc trong TP.HCM.

Bà Trần Minh Nguyệt (ngụ thôn Quảng Đức) cho biết, cả nhà đều làm nông, chồng đi làm thợ hồ nhưng bà rất hạnh phúc vì các con đều được đi học. Bây giờ, 2 con của bà đã là thầy, cô giáo. Có được điều này cũng nhờ các thầy cô tận tâm động viên, giúp đỡ. 

“Không chỉ vậy, trong họ hàng cũng có phong trào dòng họ khuyến học, nhà trường có phong trào học sinh vượt khó học giỏi, hội khuyến học của thôn năm nào cũng trao học bổng cho các con em đậu đại học, cao đẳng”, bà Nguyệt tâm sự.

Những nhà giáo của làng không chỉ vun đắp sự nghiệp trồng người mà còn có ý thức bảo vệ môi trường. Đi khắp các đường trong làng, hầu như không thấy rác xả ra đường như những làng quê khác. Người đi ngoài đường thấy rác thì nhặt ngay cho vào giỏ rác. Các em nhỏ ăn kẹo xong bỏ giấy gói kẹo vào túi áo mang về nhà. 

Đặc biệt, làng còn có tục nhặt rác đầu năm. Theo đó, thanh thiếu niên trong làng tổ chức đi lượm rác trên đoạn đường sắt chạy qua xã. Tuy làng là nơi cư ngụ của những người dân nhập cư, nhưng họ vẫn sống gắn bó, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam, cho biết: “Người dân thôn Quảng Đức tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đều ý thức được và không ngừng vun đắp truyền thống hiếu học. Đó vừa là nét đẹp, vừa là sức mạnh của thôn. Để duy trì và phát huy truyền thống này, những năm qua, chính quyền và các đoàn thể địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho con em thôn Quảng Đức nói riêng và toàn xã nói chung”.

Đọc thêm