“Châu về Hợp Phố”
Để có phương tiện cho mẹ mình là Hoàng Thái hậu Từ Minh dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, vua Thành Thái đã cho chế tạo một chiếc xe kéo tay làm quà biếu thân mẫu. Chiếc xe kéo tay này do các nghệ nhân hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội chế tạo.
Năm 1907, sau khi bị phế truất, vua Thành Thái đã bán chiếc xe kéo lại cho Prosper Jourdan, thanh tra phụ trách đội bảo vệ nhà vua với giá 400 đồng. Sau khi về nước Prosper Jourdan đã mang theo chiếc xe kéo này sang Pháp và lưu giữ tại nhà riêng của mình.
Khi nghe tin phía Pháp tiến hành bán đấu giá chiếc xe kéo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia đấu giá và đã thành công với giá 55.800 euro. Việc đấu giá chiếc xe kéo này là sự kiện đầu tiên ghi nhận Việt Nam đấu giá thành công và đưa cổ vật từng là của đất nước quay trở về sau khi lưu lạc tại nước ngoài.
Sau khi phiên đấu giá kết thúc, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (Paris, Pháp) đã yêu cầu quyền ưu tiên để nước sở tại mua lại cổ vật với giá ngang bằng. Trước nguy cơ cổ vật bị “tuột” khỏi tầm tay, phía Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã nhanh chóng “can thiệp” để Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua chiếc xe kéo này nữa. Chính vì vậy, cuộc đấu giá xe kéo về phía Việt Nam thành công.
Sau khi các thủ tục tiến hành xong xuôi, chiếc xe kéo đã được vận chuyển bằng đường máy bay từ Pháp về quê hương. Sáng sớm 17/4/2007, chiếc xe kéo đã chính thức có mặt tại sân bay Nội Bài - Hà Nội sau hơn 100 năm lưu lạc ở nước ngoài. Sau khi hạ cánh, cổ vật này sẽ tiếp tục di chuyển bằng xe ô tô về Huế và được trưng bày tại cung Diên Thọ là nơi mà ngày xưa nó thuộc về.
Theo hồ sơ, chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim, trong đó phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược - Hà Nội đảm nhận. Đặc biệt, các hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy sự khéo léo của các nghệ nhân thuở ấy. Trên xe kéo còn ghi xuất xứ của nơi chế tác, hiệu Quảng Hưng.
TS.Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế), người có công lớn trong sự kiện này từ ngày đầu đến nay cho hay: “Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tài sản đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương.
Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước; thành công ấy còn là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”.
Có ý kiến cho rằng, tất cả chi phí cho chiếc xe kéo này là 1,7 tỷ đồng là giá khá cao đối với một cổ vật. Về vấn đề này, TS.Phan Thanh Hải giải thích rằng, khi so sánh các xe kéo còn lại ở Việt Nam, đây có thể xem là 1 trong những chiếc xe kéo đẹp nhất, quý nhất, tinh xảo nhất.
Hơn nữa, cổ vật còn hàm chứa những giá trị đặc biệt khi được vị vua yêu nước Thành Thái đặt mua tặng cho mẹ mình là Hoàng thái hậu Từ Minh. Có nghĩa chiếc xe gắn liền với những nhân vật đặc biệt đầu thế kỷ XX. Sau khi vua Thành Thái bị phế truất ngôi, chiếc xe đã bị bán và đưa ra nước ngoài từ năm 1907. Đến nay xe đã có hơn 100 năm lưu lạc.
“Chúng tôi đánh giá xung quanh chiếc xe còn có những câu chuyện rất đặc sắc, có giá trị lịch sử và văn hóa. Trong tương lai, chiếc xe sẽ là một trong những cổ vật rất đáng quý của Triều Nguyễn và tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Hải nói.
|
Bản kinh Kim cang quý giá |
Dùng vàng để mua lại kinh Kim Cang
Tọa lạc tại một ngọn đồi trên phường Thủy Xuân, chùa Trúc Lâm là ngôi chùa lưu giữ bản kinh Kim Cương (hay còn gọi là kinh Kim Cang) bộ kinh thêu tay bằng chỉ ngũ sắc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, năm 1801, nhà Nguyễn đánh ra Bắc, tiêu diệt nhà Tây Sơn đã phát hiện bộ kinh và tịch thu đem về Huế thờ trong Khương Ninh Các thuộc Hoàng thành Huế. Bộ kinh quý giá này đã bị thất lạc dưới thời vua Khải Định.
Lúc sinh thời, cố nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan đã từng đến chùa Hồng Ân-TP.Huế để lần theo dấu tích của bộ kinh này qua việc tìm hiểu Ni trưởng Diệu Không, là người có công lớn trong việc tìm ra bản kinh quý.
Sau khi truy tìm được bản kinh nói trên, Ni trưởng Diệu Không đã giao lại cho một vị hòa thượng cất giữ bảo quản tại Chùa Tây Thiên. Tuy nhiên, thời gian bản kinh lưu lại tại đây cũng không lâu do ở ngôi chùa này xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật. Trải qua chặng đường dài lưu lạc, bản kinh lại tìm đến chùa Trúc Lâm.
Nói về bộ kinh, ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bộ kinh được thêu bằng chỉ ngũ sắc từ thời vua Cảnh Thịnh dưới triều đại nhà Tây Sơn. Đây được đánh giá là bộ kinh thêu tay dài nhất Việt Nam. Bản kinh dài 4,47m, rộng 23,4 cm, số lượng chữ được thêu khoảng chừng gần 7.000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hòm gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp.
Bộ kinh thêu nguyên văn bản kinh Kim Cương nổi tiếng trong tạng kinh Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh nội dung chính của bản kinh, tác phẩm còn có phần lạc khoản thêu 2 bài tựa Ngự chế và Hậu bạt.
Theo bài Hậu bạt của bản kinh, công trình thêu tay này được hoàn thành ngày mồng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (tức ngày 16/12/1800), do Tỳ kheo ni Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn, tức chùa Thầy (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) thực hiện.
Bản Kinh kim cương vốn để cung Nguyễn Tướng Công tự Di Lạc (tức Nguyễn Gia Ngô, bố Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc); gấm nhiễu điều và chỉ ngũ sắc là do Nguyễn Thị Định, hiệu Thiện Trung cùng con gái là Nguyễn Thị Hòa, hiệu Thiện Tài và con rể là Phan Huy Thực đóng góp.
Năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục cho bộ kinh Kim Cang là bộ kinh Phật thêu tay cổ trên lụa dài nhất Việt Nam.
Nói về những cổ vật hiện vẫn còn lưu lạc tại nước ngoài đặc biệt là Pháp, ông Nguyễn Văn Mễ- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cần đẩy mạnh cuộc vận động “hồi hương cổ vật”.
Đặc biệt ở các cổ vật quý thuộc sở hữu của bà con Việt kiều ở nước ngoài. Số cổ vật này không được quản lý, sử dụng tốt do những người thừa kế mải mê công việc làm ăn hoặc không biết rõ giá trị của chúng nên cổ vật có nguy cơ bị “bỏ quên” hoặc lọt vào tay những người săn lùng đồ cổ.
Một cuộc vận động có chủ đích sẽ tạo điều kiện phát hiện cổ vật, bắt cầu cho việc “hồi hương cổ vật” bằng các hình thức thích hợp.
Cùng quan điểm với ông Mễ, ông Phan Thanh Hải (Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết:
“Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ phối hợp với Bộ ngoại giao thông qua các đại sứ quán của Việt Nam trên toàn thế giới hỗ trợ để đưa cổ vật về nước. Thông qua ngoại giao văn hóa để tuyên truyền chính sách của Việt Nam trong việc nỗ lực tìm kiếm để đưa cổ vật hồi hương”.