Chuyện ít người biết về vị chỉ huy quân sự tài giỏi, thao lược đất Tây Đô

Trần Văn Hoài là người chỉ huy quân sự tài ba, thao lược có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Pháp và tên ông đã được đặt tên cho một con đường lớn ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, đến nay những hiểu biết về lai lịch và cuộc đời của ông thì ít người biết đến. Vậy, thực sự Trần Văn Hoài là ai?.

Tìm hiểu và tra cứu thông tin trên mạng Internet cũng không có bất kỳ nội dung nào đề cập đến nhân vật này. Qua nghiên cứu tư liệu tại các thư việnthì chúng tôi tìm được một quyển tư liệu nói về ông.

Trần Văn Hoài là cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, đầy sáng tạo có công rất lớn trong sự nghiệp chống Pháp của địa phương Cần Thơ
Trần Văn Hoài là cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, đầy sáng tạo có công rất lớn trong sự nghiệp chống Pháp của địa phương Cần Thơ

Người thủ lĩnh lãnh đạo cách mạng Cần Thơ đi qua gian khó

Trần Văn Hoài sinh năm 1914 và mất năm 1949. Quê quán tại Vàm Nhon, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cũ trong một gia đình khá giả. Thân sinh là cụ ông Trần Minh Trí và cụ bà Nguyễn Thị Tới.Cụ Trí vốn là một nhà nho yêu nước, luôn ủng hộ các cuộc đứng dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp.

Hình tượng những người anh hùng kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm luôn nằm trong các câu chuyện ông kể cho cậu bé Hoài nghe. Từ những câu chuyện của cha, lời ru của mẹ đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và thôi thúc tinh thần yêu nước của Trần Văn Hoài từ nhỏ.

Lúc đi học, tinh thần yêu nước của Trần Văn Hoài lại càng được nung nấu và sôi sục hơn qua các giờ sử ký.Anh tự hào về những chiến công, những trận đánh oanh liệt của cha ông chống quân ngoại bang xâm lược. Trần Văn Hoài  là một học sinh thông minh, học giỏi, học xong chương trình ở trường làng, anh thi đậu vào trường Collège de Cần Thơ (nay là trường THPT Châu Văn Liêm).

Ngôi trường này chính là “cái nôi” của phong trào học sinh đấu tranh chống lại những bất công hà khắc trong nhà trường.Hoài hòa nhập rất nhanh.Anh đã tham gia và được các anh chị đi trước dìu dắt hoạt động trong tổ chức của Đảng từ 1930. Năm 1932, Trần Văn Hoài được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, đánh dấu sự phát triển trên con đường cách mạng của anh.

Với tấm lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, anh không ngại khó, ngại khổ, hy sinh hết mình để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giáo phó.Vì hoạt động năng nổ và có tinh thần trách nhiệm cao nên anh nhanh chóng được tổ chức giao nhiệm vụ Trưởng Ban cán sự Đảng bộ quận Ô Môn và lãnh đạo phong trào cách mạng của Ô Môn liên tục đấu tranh chống thực dân Pháp.

Năm 1943, anh được tổ chức phân công vào công tác công khai trong tổ chức hội tề của địch, làm chức Hương quản làng Thới Thạnh để dễ dàng hoạt động cách mạng. Đồng thời cũng thuận lợi nắm bắt tình hình địch phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo Đảng.Trần Văn Hoài đã tổ chức Hội banh làng Thới Thạnh tập hợp lực lượng thanh niên và lực lượng quần chúng khác để tuyên truyền vận động, lựa chọn những người tích cực đưa vào tổ chức Thanh niên Cứu Quốc, Phụ nữ Cứu Quốc khiến cho phong trào cách mạng ở Ô Môn ngày càng lớn mạnh.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trong cả nước. Ngày 25/8/1945, đồng chí Trần Văn Hoài cùng đồng chí Huỳnh Phan Hộ lãnh đạo đồng bào vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân tại quận Ô Môn. Sự kiện này trước cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại tỉnh lỵ Cần Thơ 1 ngày.

Tháng 9/1945, đồng chí được cử giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến tỉnh để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Cần Thơ trong điều kiện gặp muôn vàn khó khăn. Ngày 30/10/1945, thực dân Pháp nổ sung tái chiếm Cần Thơ, Trần Văn Hoài cùng các đồng chí lãn đạo tỉnh thành lập các mặt trận Bình Thủy, Tham Tướng, Cái Răng để chiến đấu ngăn cản, bao vây quân địch trong nội thành. 

Hành quân đến đâu giúp địa phương gầy dựng cơ sở đến đó

Năm 1947 trước tình hình thực dân Pháp tiến hành lôi kéo bọn phản động đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng cần có lực lượng vũ trang tuyên truyền vận động, giác ngộ đồng bào tín đồ và xây dựng cơ sở ở Long Châu Hà.Trần Văn Hoài đã được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng chi độ 21 chịu trách nhiệm hoạt động vùng Long Châu Hà (Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên).

Tại đây, Trần Văn Hoài đã “chuyển hóa” tư tưởng, suy nghĩ của nhiều quần chúng nhân dân bị quân thù “đầu độc tư tưởng” giúp họ “cải tà quy chánh” có tấm lòng yêu nước chống ngoại xâm

Chiến trường Long Châu Hà là chiến trường ác liệt và khốn khó nhưng với tài năng và đức độ của mình, Trần Văn Hoài đã được chiến sĩ kính phục, nhân dân cảm mến.

Đồng chí Trần Văn Hoài treo cờ Thành đồng Tổ quốc ngày 2/9/1948
Đồng chí Trần Văn Hoài treo cờ Thành đồng Tổ quốc ngày 2/9/1948

Tháng 6/1948, do yêu cầu mới, Bộ Tư lệnh Khu 9 điều động Trần Văn Hoài về làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 122 hoạt động địa bàn Cần Thơ – Rạch Giá. . Rồi đến tháng 6/1949 lại được cử là Liên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 122,124.Tuy nhiên, ngày 29/9/1949, do bệnh nặng Trần Văn Hoài đã qua đời tại Quân y viện khu 9. 

Trần Văn Hoài là cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, đầy sáng tạo, mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo chính quy, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn và dũng cảm đã tổ chức nhiều trận đánh lập nhiều thành tích tốt. Đồng thời còn là một cán bộ chính trị giỏi, thường xuyên bồi dưỡng trình độ giác ngộ chính trị và chiến , kỹ thuật cho chiens sĩ.

Ngoài ra đồng chí rất quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ của an hem chiến sĩ, nên rất được các chiến sĩ thương yêu cảm mến. Đồng chí còn là một cán bộ vận động quần chúng tốt, hành quân đến đâu giúp địa phương gầy dựng cơ sở đến đó. Xây dựng quân đội thật sự là quân đội của nhân dân, ở dân thương đi dân nhớ . Vì lẽ đó sự ra đi  của anh thật sự là một mất mát lớn, sự tiếc thương vô hạn cho chỉ huy, chiến sĩ Vệ quốc Đoàn miền Tây Nam bộ và của người dân Cần Thơ. 

Nói về không khí ngày đưa tang Trần Văn Hoài, sách “Những viên ngọc quý” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ xuất bản năm 1999 mô tả: “Vào chiều mùa Thu năm 1949, tại đình Hòa Hưng có hàng ngàn nhân dân, chiến sĩ đến tiễn đưa người chỉ huy tài giỏi về nơi an nghỉ cuối cùng. Những giọt nước mắt của đồng bào và chiến sĩ đã hòa với cơn mưa cùng chia sẻ, tiếc thương đồng chí Trần Văn Hoài”.

Trong bài thơ “Khóc anh Hoài”, nhà thơ Hoàng Nam đã thể hiện sự tiếc thương và cảm mến của mình và cũng là của nhân dân, chiến sĩ Cần Thơ đối với Trần Văn Hoài: 

“Anh chết đi!...Tổ quốc rất ngậm ngùi

Vì phải mất một người con xứng đáng

Dân tộc mất một chiến binh dũng cảm

Và loài người mất một chiến sĩ tiên phong

Còn chúng tôi trong những lúc xung phong

Sẽ thiếu mất người anh chỉ đạo”

Trong trái tim và tiềm thức của mỗi người dân Cần Thơ, hình ảnh Trần Văn Hoài vẫn còn sống mãi và luôn dõi theo mỗi cuộc hành quân. “Sự nghiệp anh ngàn thế kỷ chưa lu/Anh không chết! Anh Hoài ơi! Anh không chết”.

Đọc thêm