Chuyện khó quên ở xứ sở... đồng hồ

(PLO) - Trong vô vàn chuyến đi khi dấn thân vào nghề báo, tôi không thể nào quên những kỷ niệm khi được đến và tác nghiệp tại xứ sở đồng hồ vào tháng 3/2010…
Nhà báo Nguyệt Thương trên đất nước.. đồng hồ.
Nhà báo Nguyệt Thương trên đất nước.. đồng hồ.
Nằm trong khuôn khổ Dự án Việt Nam - Thụy Sỹ về sở hữu trí tuệ (SHTT), Cục SHTT phối hợp với Viện SHTT Liên bang Thụy Sỹ đã tổ chức đoàn khảo sát gồm cán bộ chủ chốt có kinh nghiệm trong công tác đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tham gia khóa đào tạo về công tác tuyên truyền sở hữu trí tuệ tại thành phố Bern - Thụy Sỹ.
Là cơ quan ngôn luận nói lên tiếng nói của người dân trong những vướng mắc về luật pháp, đồng thời là nơi tuyên truyền nhanh và hiệu quả nhất những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên ngay từ những ngày đầu, Pháp luật Việt Nam đã đồng hành cùng Luật SHTT trong bảo vệ thương hiệu, bản quyền... và đây cũng là lý do Pháp luật Việt Nam được chọn tham gia đoàn khảo sát. 
Đến Thụy Sỹ, những hình ảnh đầu tiên choán ngợp tầm mắt khách phương xa là những chiếc đồng hồ khắp nơi, từ các cửa hiệu sáng choang cho tới từng ngôi nhà, từng góc phố cổ kính và yên tĩnh tới lạ lùng. Và nữa là những cửa hàng, cửa hiệu với màu đỏ đặc trưng gắn biển SWISS MADE (thương hiệu các nhãn hàng của Thuỵ Sỹ).
Hiện tượng hàng giả và vi phạm bản quyền đã là vấn đề đáng lo ngại trên phạm vi toàn thế giới. Người ta ước tính nền kinh tế Thụy Sỹ bị thiệt hại 2 tỷ USD mỗi năm do nạn hàng giả và vi phạm bản quyền. Bởi vậy, từ thực tế Việt Nam, chuyên gia về SHTT của Thụy Sỹ cho rằng Việt Nam nên xây dựng chiến lược SHTT mang tầm quốc gia, từng bước xây dựng thương hiệu quốc tế cho một số sản phẩm của Việt Nam, đẩy mạnh chiến dịch chống hàng giả và vi phạm bản quyền, tạo dựng  môi trường cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông, đặc biệt là báo chí trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền SHTT của chính doanh nghiệp mình.  
Sau những ngày tham gia lớp học ở Tổ chức SHTT thế giới, chúng tôi được bà Wasescha Trần (người đưa Dự án SHTT về Việt Nam) mời về nhà ăn tối. Chúng tôi đi qua hồ Giơ-ne-vơ là dòng sông Giôn chảy qua thành phố và chia thành phố làm hai phần, bờ trái là thành phố cổ, bờ phải là thành phố hiện đại.
Trong công viên Giơ-ne-vơ có một tòa “Đồng hồ bằng hoa” đẹp lộng lẫy. Mặt đồng hồ được bao phủ bằng các loại hoa rực rỡ và rất thơm, 12 đóa hoa đỏ rực làm thành 12 chữ số Ai Cập cho 12 giờ khác nhau. Ngay gần đó là nhà của bà Wasescha Trần. Khi chúng tôi đang tìm nhà thì chồng bà đi đâu về. Bà Trần làm việc tại Tổ chức SHTT thế giới từ năm 1968. 
Dù đã xa đất nước từ hơn 40 năm trước nhưng bà vẫn mang vẻ tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt. Với vóc dáng nhỏ bé, bà lui cui bếp núc chạy lên chạy xuống tiếp đồ ăn cho chúng tôi, những món ăn Âu - Á kết hợp. Chúng tôi đều có cảm giác ấm áp trong ngôi nhà rộng mênh mông của bà. Bà Trần cho biết, đây là nhà công vụ của chồng bà, ông bà sẽ ở đây cho tới khi ông về hưu. Sau đó bà sẽ trở về ngôi nhà nhỏ bà đã mua ở Bern. 
Chồng bà Trần tiếp đón chúng tôi vui vẻ và hồn hậu, ông phụ trách mảng nông nghiệp ở WTO. Ông nói, ở lĩnh vực nào của nghề nghiệp ông cũng luôn ở đỉnh cao. Ông tặng chúng tôi những viên sô-cô-la nhỏ và chia tay chúng tôi ở bến xe buýt. Chúng tôi lên tàu trở về Bern khi đã 11h đêm. Giơ- ne-vơ không tới mức quá căng thẳng như chúng tôi tưởng bởi thành phố có tới 40% dân số đến từ khắp nơi trên thế giới...
Bern, Giơ- ne- vơ, Zurich, dường như ở đâu cũng có một vẻ duyên dáng riêng: một hồn phố lạ, một góc hồ tĩnh lặng, một ngôi làng bình yên trên núi, những thảm cỏ xanh miên man, những tháp chuông đồng hồ cổ xưa... Tạm biệt “Vương quốc đồng hồ”, tôi nhớ mẹ con chị Hồng và bé Thảo My, người Hải Phòng, đã định cư ở Bern từ 18  năm trước. Bé Thảo My (6 tuổi) đã phát hiện ra chúng tôi tại shopping và dẫn mẹ tới khi bé thấy chúng tôi trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt... Tôi nhớ sự hồn hậu, ấm cúng của gia đình bà Trần. 
Ở đất nước xinh đẹp và sạch bong đó, dù thời gian không dài nhưng khi nghe nhạc sỹ Phó Đức Phương hát “Về quê”, “Không thể và có thể”... trong những phút trà dư tửu hậu của đoàn, mỗi chúng tôi đều nhớ về một miền quê và tuổi thơ trong veo của mình... Lúc này ở Thụy Sỹ, có lẽ những thân cây trơ cành đâm chồi nảy lộc khi chúng tôi đi qua đã trở thành những đường hoa tuyệt đẹp...

Đọc thêm