“Cửa biển tử thần”
Khoảng 22h ngày 23/11, tàu cá QNg 98016 TS, công suất 715 CV của ngư dân Trần Công Trứ (ngụ thôn Hải Tân, xã Phổ Quang) cùng 11 thuyền viên đang trên đường chạy vào cửa biển Mỹ Á để tránh gió.
Khi vừa đến đầu cửa biển, sóng lớn đánh mạnh chết máy, tàu bị hư hỏng nặng và mắc cạn ngay ở cửa biển. Tàu bị sóng lớn đánh làm thuyền viên Nguyễn Cao Nguyên (ngụ thôn Hải Tân) mất tích. Sau hơn 3 ngày đêm mất tích, những ngư dân câu cá ven biển phát hiện thi thể anh Nguyên tấp vào bờ.
Theo ngư dân Trứ, thời điểm xảy ra vụ việc, sóng đánh dữ dội làm chiếc tàu chao đảo, anh Nguyên và anh Nguyễn Hữu Đảm bị hất văng xuống biển, giàn lưới phía trước tàu rơi xuống nước quấn chặt chân vịt khiến tàu không thể hoạt động. Những thuyền viên trên tàu vội ném dây thừng xuống. Anh Đảm may mắn bắt được sợi dây nên thoát chết, còn anh Nguyên bị sóng nhấn chìm.
Anh Nguyên ra đi bỏ lại người vợ trẻ và 3 con thơ dại, cháu nhỏ nhất vừa chào đời chưa kịp cảm nhận tình yêu thương của người cha qua vòng tay ôm ấp, vỗ về.
Anh Trứ cho biết thêm, tàu mắc cạn, sóng lớn xô đẩy tàu vào đá bể tan tành, bây giờ chỉ mong lấy được máy tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Cả anh Trứ và anh em bạn chài không biết lấy gì ra khơi đánh bắt để kiếm sống trong thời gian sắp tới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi công trình cảng neo trú tàu thuyền ở cửa biển Mỹ Á được hoàn thành vào năm 2011 đến nay đã có 15 tàu cá của ngư dân gặp nạn khi ra vào cửa biển. Trong đó, có 3 tàu cá công suất lớn bị hư hại hoàn toàn với khoản thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Tư (ngụ xã Phổ Quang, chủ tàu cá QNg 98783 TS, công suất 165 CV) cho biết: “Khoảng 4h30 ngày 8/10/2016, do ảnh hưởng của bão nên tôi đưa tàu chạy vào cửa biển Mỹ Á tránh. Tuy nhiên, gặp phải sóng lớn nên khi mới vào cửa biển, tàu bị hất văng vào đá ngầm. Sau đó, tôi cùng lực lượng cứu hộ chèn thùng phuy nhựa rỗng vào thân tàu, hy vọng sóng lớn đánh văng khỏi đá ngầm, dạt vào bên trong cửa biển nhưng không được. Tôi bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.
Trước đó, vào ngày 16/11/2011, tàu cá QNg 48909 TS, công suất 80 CV của ngư dân Hành Văn Hoá (ngụ xã Phổ Quang) xuất bến. Chưa kịp ra khỏi cửa biển Mỹ Á thì tàu bị sóng đánh chìm cùng toàn bộ ngư dân. Thấy vậy, tàu của ngư dân Trần Cu Ly quay lại cứu nạn, thì bị va vào đá ngầm, khiến ngư dân Võ Minh Châu rơi xuống biển, hôm sau mới tìm thấy xác cách đó 20km.
“Bao nhiêu năm đi biển thuê tích góp đóng được con tàu trị giá 500 triệu đồng, mới được vài phiên biển đã mất trắng. Sau đó, tôi chạy vạy vay tiền đóng con tàu khác, nhưng tôi nguyền sẽ không bao giờ xuất phát từ cửa biển Mỹ Á và cũng không đưa tàu về đây neo đậu, dù tốn kém thêm”, anh Hóa cho biết.
Ông Nguyễn Xếch - Trưởng Vạn chài thôn Hải Tân, cho biết: “Từ khi công trình cảng neo trú tàu thuyền ở cửa biển Mỹ Á hoàn thành cho đến nay đã có 15 tàu có gặp nạn, nhiều ngư dân thiệt mạng và hàng trăm lượt tàu trễ lịch ra khơi, do cửa biển bị bồi lấp. Cũng vì vậy mà ngư dân ở đây gọi cửa biển Mỹ Á là “cửa biển tử thần”, khác với tên gọi “cửa biển trăm tỷ” khi mới hoàn thành”.
Đầu tư hơn trăm tỷ nhưng cửa biển Mỹ Á lại là “cửa biển tử thần” đối với ngư dân |
Nghịch cảnh cửa biển trăm tỷ, tàu đi neo trú nơi khác
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư kinh phí xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền ở cửa biển Mỹ Á giai đoạn 1. Công trình bao gồm các hạng mục chủ yếu gồm đê bắc, đê nam, đê chắn cát ngăn lũ, vũng neo đậu tàu thuyền, luồng ra vào và bến cá.
Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng thì công trình sẽ đảm bảo cho 400 tàu cá với công suất mỗi chiếc lên đến 400 CV ra vào cửa biển và neo trú an toàn trong mọi tình huống thời tiết. Đến cuối năm 2011, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí lên đến 117 tỷ đồng.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định thu hồi số tiền sai phạm hơn 712 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do việc lập dự toán chưa chính xác dẫn đến nghiệm thu, thanh toán tăng so với thiết kế và thực tế thi công, áp sai đơn giá và nội dung công việc, ký hợp đồng sai đơn giá dự toán bổ sung được duyệt dẫn đến thanh toán sai. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức kiểm điểm đối với những tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo ông Võ Xuân Cẩm - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang, xã hiện có 202 tàu cá với tổng công suất hơn 90.000 CV cùng gần 1.900 ngư dân đánh bắt trên biển. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm trên 12.000 tấn, doanh thu khoảng 360 tỷ đồng. Mục tiêu của công trình cảng neo trú tàu thuyền ở cửa biển Mỹ Á là phát triển kinh tế biển, tạo thuận lợi cho tàu cá 400 CV ra vào cửa biển an toàn.
“Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, nhiều tàu cá đã bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Điều ám ảnh là nhiều ngư dân bị thiệt mạng ở “cửa biển tử thần” này. Bây giờ chưa tới một nửa tàu, chủ yếu là công suất nhỏ neo đậu ở đây, còn tàu công suất lớn phải neo ở nơi khác”, ông Cẩm cho biết.