Có thể bị xử lý hình sự
Nghị định mới ra đời trong bối cảnh những câu chuyện ngoại tình tràn lan, dẫn đến nhiều bức xúc trong xã hội, đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Cũng trong thời điểm này, vụ xét xử cô em họ vợ ngoại tình với anh rể rồi đầu độc chị mình, khiến cho một phụ nữ tử vong một cách thương tâm ở Thái Bình đã gây nhiều phẫn nộ trong dư luận.
Thân thiết với chị họ, thường xuyên đến nhà, đi chơi chung, nhưng ngoại tình với chồng chị. Khi người anh rể đề nghị kết thúc mối quan hệ tội lỗi thì cô gái này lại rắp tâm dùng chất độc xyanua bơm vào trà sữa, mưu tính gửi đến bệnh viện đầu độc chị những mong anh rể quay lại với mình. Người chị không chết do một may mắn, nhưng một phụ nữ đồng nghiệp của chị đã qua đời do thuốc độc, để lại người mẹ già và những đứa con thơ không nơi nương tựa.
Liên tục xuất hiện trên mạng xã hội là những câu chuyện đau lòng về ngoại tình trên các hội nhóm dành cho phụ nữ, hay các clip “bắt tại trận” ngoại tình, các cuộc đánh ghen vô vọng của những người chồng, người vợ khi bị bạn đời mình “cắm sừng”.
Có clip nổi đình nổi đám, anh chồng bắt gặp vợ mình, là một giáo viên đưa cậu học trò vào nhà nghỉ. Có clip, người vợ còm cõi đi đánh ghen chồng tại một dãy phòng trọ. Trong lúc vợ chồng xô xát, đấu khẩu nhau thì cô nhân tình trơ tráo thản nhiên đứng một góc với gương mặt đầy thách thức…
Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2020 thay thế Nghị định 110/2013/NĐ-CP, Nghị định 67/2015/NĐ-CP, một số hành vi ngoại tình như đang có gia đình mà kết hôn với người khác, sống chung như vợ chồng với người khác hay chưa có gia đình mà sống chung với người biết rõ đã có gia đình… sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Đặc biệt, nếu việc ngoại tình trong các trường hợp nêu trên ở mức độ nghiêm trọng sẽ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Trong đó, nếu việc ngoại tình khiến cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, hoặc đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Nếu khiến vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nỗi đau không của riêng ai
Người ta nói, ngoại tình là một câu chuyện “tay ba”. Thế nhưng trên thực tế, ngoại tình không chỉ là chuyện của ba người. Những mối quan hệ ngoài luồng, nhưng phút vui thoáng chốc ấy không chỉ hủy hoại một cuộc hôn nhân, một gia đình êm ấm, mà nhiều khi làm tan vỡ trái tim, nhuốm đục tâm hồn những đứa trẻ. Ở nhiều sự việc nghiêm trọng, nó còn gieo rắc bất hạnh lên tất cả những người có liên đới, có mối quan hệ với những người trong cuộc.
Như câu chuyện cô gái đầu độc chị họ ở Thái Bình. Trước tòa, người vợ đau đớn và ngỡ ngàng chia sẻ, chị không hề biết mối quan hệ giữa chồng mình và em họ, cho đến khi tội ác xảy ra. Người ta nhói lòng khi nghĩ đến cảm giác người vợ khi sự việc tày đình xảy ra. Và cả những đứa con của hai vợ chồng, những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu búa rìu dư luận.
Còn gia đình của kẻ thủ ác - cũng chính là ruột rà với gia đình người bị mưu sát hụt, thì hàng xóm cho biết, từ khi sự việc xảy ra, họ đóng cửa, cố thủ, không dám nhìn mặt ai. Một mối quan hệ ngoài luồng mà gây ra nỗi mất mát, đau đớn cho biết bao nhiêu người như thế.
Chị Nguyễn Thị H.V., ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 chia sẻ: “Là một phụ nữ từng chịu cảnh chồng ngoại tình, tôi thấm thía nỗi đau cùng cực ấy. Sau khi phát hiện chồng ngoại tình với một người bạn cấp 3 của cả hai vợ chồng, lại là người tôi tin tưởng, tôi đã sốc đến mức không vượt qua nổi. Tôi bị trầm cảm mất một thời gian, may mắn là con gái lớn hiểu chuyện đã giúp tôi dần dà vượt qua nỗi đau ấy.
Nhưng tôi biết, cháu nó cũng đau đớn lắm khi hình tượng người cha bị sụp đổ. Giờ đây gia đình tôi đã tan vỡ, một gia đình tưởng chừng rất êm ấm. Ba mẹ con tôi sống với nhau, anh ấy một mình đi con đường riêng của mình. Rất nhiều lần, anh ấy nhắn tin mong tôi tha thứ để tái hợp, anh ấy luôn nói đến chữ “giá như”.
Dừng lại một chút để nghĩ suy, trân trọng
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, sự thủy chung vợ chồng là một giá trị đạo đức rất được coi trọng. Thế nên những kẻ bạc tình bị lên án mạnh mẽ. Trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp hiện nay, người vợ hay chồng làm việc trong những môi trường khác nhau, tiếp xúc với nhiều người khác nhau, đôi khi có thể có những người có phẩm chất, điều kiện tốt hơn vợ hay chồng mình. Vì vậy, nếu không chung thủy chúng ta dễ dàng bị rơi vào những cuộc tình ái, tìm thú vui ngoài hôn nhân. Điều này dễ gây sự rạn nứt, tan vỡ gia đình.
Sự thủy chung trong quan hệ vợ chồng là một trong những yếu tố rất quan trọng để giúp cho cuộc sống hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Điều này được nêu rõ trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. Theo đó, thủy chung là một trong những yếu tố hàng đầu giúp duy trì hạnh phúc, tình yêu và sự bền vững của mỗi gia đình.
Bộ tiêu chí cũng đưa ra lời khuyên, rằng sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng, cũng như trong tình yêu nam nữ, không phải là thứ tình cảm vĩnh cửu, “nhất thành bất biến”. Nó luôn luôn đứng trước những thử thách, khó khăn. Nó phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật sống và những nỗ lực của các cặp vợ chồng.
Nếu như mỗi một người chồng, người vợ, trước khi lao vào những mối quan hệ ngoài luồng, những cuộc vui phù phiếm, có thể dừng lại một chút để nghĩ suy, trân trọng cuộc sống gia đình, trân trọng người bạn đời chia ngọt sẻ bùi và lo lắng cho con thơ, để rồi biết dừng lại ở những lằn ranh mong manh, thì có lẽ, những tan vỡ và mất mát của các cuộc hôn nhân sẽ chẳng đến, để họ phải nói hai chữ “giá như”.