Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Bích Nham, xã Văn Đức (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và vùng lân cận vẫn luôn loan truyền những câu chuyện đầy màu sắc kỳ bí về ngôi miếu thiêng ở chân đồi Bích Nham. Không biết hư thực thế nào, nhưng nhắc đến ngôi miếu ấy thì dân trong làng đều nhất mực tôn kính, dè chừng sợ sệt đến mức coi ngọn đồi như thể một “vùng núi cấm bất khả xâm phạm”.
Lời đồn chưa rõ thực hư
Khách đến chơi hỏi chuyện ngôi miếu, ngay từ đầu làng, từ các cụ cao niên tới trẻ nhỏ đều hết thảy rôm rả kể hàng loạt những câu chuyện ly kỳ, bí hiểm về “miếu thiêng” và cả quyết “không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không thêu dệt ly kỳ”. Đó là hàng loạt những chuyện như có anh người làng bên sang đồi thiêng để bắt chim sáo trên đường về nhà bị sét đánh chết; hay có người lên đồi gần miếu chặt cây bị hóa điên hóa dại, rụng tóc gần chết; rồi có người đào đất về nhà đêm ngủ có người dựng giường báo oán... Cách đây vài năm, cả làng còn rộ lên tin đồn nhiều người kể lúc nhập nhoạng tối nhìn thấy lợn mẹ và đàn lợn con chạy tuột lên đồi, đuổi theo thì cả đàn chợt mất hút, không thấy con nào nữa. Rồi người làng bên kia cánh đồng quả quyết rằng, có lúc nhìn sang thấy cả ngọn đồi rực sáng.
Ngôi miếu nằm ở chân một ngọn đồi thấp, cây cối rậm rạp, um tùm. Trong tưởng tượng của khách viếng thăm, “miếu thiêng” phải đẹp đẽ với rồng bay, phượng múa hay chí ít cũng được tô điểm bởi đồ thờ tự cổ kính trang nghiêm. Nhưng thực tế, miếu chỉ rộng khoảng dăm mét vuông, được gốc đa lớn cỡ hơn chục sải tay người với tua tủa rễ như những ngón tay ôm trọn. Ngôi miếu được chia làm ba cấp, cao nhất dễ thấy là nơi đặt tượng thờ, hai bậc dưới để bát hương và đồ thờ cúng... Xung quanh miếu là khoảng 20 m vuông sân được lát gạch gốm đỏ. Tất cả toát lên vẻ đơn sơ đến đạm bạc. Thoáng nhìn ngôi miếu, người ta không khỏi băn khoăn hoài nghi về những câu chuyện bí kỳ mà hàng trăm người làng đã khẳng định “chắc như đinh đóng cột”.
Ông Trần Văn Tung (84 tuổi) như ngầm hiểu được những băn khoăn của những vị khách lạ nên xởi lởi: "Các cô chú đi không xem ngày à, đến vào những hôm rằm mùng một mới thấy hết được được chứ! Bà con nơi đây cứ đến ngày đó là cả làng lại đóng tiền mua đồ cúng rồi cùng nhau đến lễ đông lắm, ngày tết thì không có chỗ mà ngồi". Ông lão giải thích về việc “miếu thiêng đơn sơ” bằng một câu ngắn gọn: “Các “ngài” muốn sống thanh đạm nên có đổ tiền tỉ vào đây cũng chẳng xây miếu to đẹp được vì cứ xây lần nào là sụp lần ấy”.
Ngôi miếu dưới chân đồi Bích Nham. |
Ở tuối xưa nay hiếm nhưng khi được hỏi về chuyện xây miếu, ông Tung vẫn nhớ như in đến những lần xây miếu bất thành. Ông nhớ lại, trước kia thời kỳ chiến tranh loạn lạc ly tán, nhiều đền miếu bị biến thành tàn tích trong đó cả ngôi miếu thiêng bây giờ. Thấy người dân trong thôn thiếu nơi thờ tự cầu tài lộc nên ông Tung cùng những bô lão trong làng khởi xướng quyên góp tiền mua vật liệu xây lại miếu, còn có người ở làng đã thoát ly cung tiến một pho tượng Phật. “Nhưng chúng tôi tính nếu đặt tượng Phật ở ngoài trời thì không hay chút nào, nên nghĩ đến việc xây một am thờ khoảng 1m2 vừa đủ chỗ tượng ngồi. Lần thứ nhất, khi xây tôi trộn loại vữa tốt, giằng néo cẩn thận, xây trát gọn gàng thì sự lạ xảy ra. Trời không mưa gió, không ai động chạm mà bỗng dưng cả mái am nổ kêu đánh “Bục”, đổ ập xuống đất”.
Trước sự lạ, cả làng chê ông lão “làm ăn cẩu thả, trộn vữa không tốt nên mới xây đã sập” dù ông Tung khăng khăng khẳng định vữa đã đủ độ tốt lắm rồi. Vậy là sau đó ít ngày, lần thứ hai ông quyết định xây lại miếu. Trước tiên ông xây bốn trụ đứng trước, rồi cẩn thận để hơn chục ngày sau cho xi măng thật cứng cáp mới làm mái. “Hôm đó, trước sự chứng kiến của gần 30 người là các cụ trong làng, tôi đan khung, chằng buộc, néo cẩn thận, vữa chọn cũng là loại tốt nhất được mọi người kiểm tra đàng hoàng. Thế nhưng cũng như lần thứ nhất, khi vừa xây xong thì mái am “vô duyên vô cớ” nổ đánh đụp một cái vỡ tung tóe ra khắp nơi trước hàng chục cặp mắt nháo nhác”, ông lão sợ sệt nhớ lại. “Bản thân tôi lúc đó sợ quá, đinh ninh “Chắc "ngài" quở trách điều gì” nên chạy ù một mạch về nhà nằm đắp chăn trấn tĩnh”, ông cụ thuật lại.
Các cụ cao niên trong làng sau hai lần xây miếu bất thành thì họp bàn rồi quyết định không dám “mạo hiểm” lần thứ ba. Tìm sử làng và lục trong trí nhớ của các vị cao niên nhất, người ta nhớ ra trước kia nơi miếu “ngự” chỉ có một tảng đá và bát hương. Còn có truyền thuyết cho rằng trên ngọn đồi này có rất nhiều của cải được chôn cất và tảng đá dưới chân núi, nơi xây miếu bây giờ được dùng để trấn yểm nên không thể dựng gì ở trên, nếu ai đụng chạm gì sẽ đều gặp vận hạn xấu.
Vậy là lần này dân làng vẫn làm mái che cho tượng nhưng không dám đổ bê tông hay lợp mái ngói mà dựng một mái che bằng gỗ, sau này khi mái gỗ đã mục thì được che lại bằng tấm tôn lá. Nhận định về những sự việc bất thường trên, ông Tung cho biết: "Chắc có lẽ "ngài" không thích ngồi ở trong nên “đánh tiếng” đó thôi". Cũng theo người trong làng, cha ông họ đã nhiều lần định xây miếu mà bất thành, thế nên tại khu vực gốc cây đa đến bây giờ vẫn còn nhiều gạch cổ bám màu rêu thời gian.
Chuyện lạ chưa lời giải
Những truyền thuyết về ngôi miếu cứ tồn tại trong quan niệm dân làng, thế nên người trong làng không ai dám xâm phạm đến ngôi miếu, đồ lễ thờ cúng có khi để mốc xanh cũng không đứa trẻ nào dám đụng vào, cây lá, cành khô xung quanh khu vực chỉ dám gom vào rồi đốt đi chứ không dám đem về làm củi đun. Người ta còn kể những “bằng chứng” về những người phải “trả giá” khi xâm phạm ngôi miếu.
Ông Nguyễn Văn Miên (54 tuổi) cho rằng trước đây, một người làng tên Quang vốn là một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn chỉ vì đã chặt đi một khúc rễ lớn ở cây đa cạnh miếu mà hóa điên điên khùng khùng, gia đình ly tán. Ông kể lại: "Lúc ấy nhiều người đã gàn ông Quang nhưng ông ấy không nghe và cho rằng “chẳng làm gì sai mà phải sợ”. Chặt rễ cây xong rồi thì ông ấy đổ bệnh, lúc tỉnh lúc dại. Sợ quá, ông ấy cũng không dám ở làng nữa mà mua đất làng bên sinh sống nhưng cứ điên dại suốt, đã mấy đời vợ rồi mà đều “đứt gánh giữa đường””.
Rồi chuyện người cháu họ của ông dám “báng bổ” trèo lên cây đa bắt chim, không may bị ong đốt vào mặt. Về đến nhà thì mặt người này tím ngắt, phù nề khiến ai cũng kinh hãi, còn toàn thân thì sốt cao đi bệnh viện nhưng thuốc men nào cũng không tài nào thuyên giảm. “Biết đã phạm miếu thiêng nên gia đình tôi phải tức tốc lên miếu làm lễ khấn xin. Vậy là vài ngày hôm sau chẳng cần chữa trị gì nó lại tươi tắn như xưa”, ông lão thuật lại câu chuyện chưa rõ thực hư. Hỏi về loài ong lạ này, ông Miên tiếc nuối mô tả: "Cách đây vài tháng chúng đã bỏ đi hết rồi. Nhưng đây quả là loài ong lạ, không phải ong vò vẽ, chỉ nhỏ như ong mật cánh mỏng và dài màu nâu vàng, sống ở trong hốc cây đã rất nhiều năm nay rồi và nọc thuộc loại kịch độc".
Sau hàng loạt chuyện lạ xảy ra, người trong thôn rất sùng bái ngôi miếu, vào những ngày lễ tết, đi xa về gần đều qua miếu lễ tạ, cầu tài cầu lộc. Và như đã thành thông lệ, vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng thì cả làng đều tập trung vào đến lễ tại khu vực. Những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí về “miếu thiêng” cuối cùng cũng chỉ là những lời đồn vì khó có cách nào kiểm chứng, nhưng người dân trong thôn vẫn cho rằng đó là những câu chuyện có thật. Khoát tay chỉ vào những nóc nhà cao tầng trong làng, ông Tung tự hào: "Các anh xem đấy, đúng là "ngài" phù hộ, trong xã này làng này là làm ăn khấm khá, xây nhà to nhiều nhất. Dù chưa nhìn thấy “ngài” nhưng nhờ những truyền thuyết về ngôi miếu mà trẻ con không dám nghịch ngợm, người làng biết hòa thuận bảo ban nhau làm ăn thì chúng tôi luôn coi ngôi miếu là “miếu thiêng” của làng”.
Theo Pháp luật & Thời đại