Chuyện lạ tại Quảng Nam:Bàn giao mặt bằng sớm, dân phải chịu lỗi?

(PLO) - Các dự án thu hồi đất đều có chính sách khuyến khích, khen thưởng người dân sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Thế nhưng tại Dự án Thủy điện Sông Bung 4 thì dường như UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) lại đi ngược với chủ trương trên.
Ông Nguyễn Công Bình đại diện người bị kiện và đại diện người khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm.
Ông Nguyễn Công Bình đại diện người bị kiện và đại diện người khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm.

Kiểm đếm lại sau 2 năm bàn giao mặt bằng

TAND huyện Nam Giang vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính của ông Nguyễn Hòa Ninh (quê tỉnh Quảng Bình, tạm trú thôn Vinh, xã Tà Pơo, huyện Nam Giang) kiện UBND huyện Nam Giang vì cho rằng cơ quan này phê duyệt phương án bồi thường không đúng thực tế và không dựa vào biên bản kiểm đếm ban đầu.

Theo ông Ninh, để thực hiện Dự án Thủy điện Sông Bung 4, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ - Tái định cư (BTHT-TĐC) huyện Nam Giang đã xuống hiện trường tiến hành đo đạc kiểm đếm cây cối, tài sản trên diện tích đất của gia đình ông nằm trong phạm vi thu hồi. Đại diện Hội đồng BTHT-TĐC cùng đại diện gia đình đã ký Biên bản kiểm kê ngày 5/12/2011. Nội dung Biên bản còn có yêu cầu gia đình ông Ninh phải bàn giao đất, tháo dỡ nhà và không lấn chiếm lại đất dưới bất cứ hình thức nào.

Chấp hành yêu cầu này, ông Ninh đã bàn giao toàn bộ đất cho Hội đồng BTHT - TĐC và đến tháng 6/2011 thì UBND huyện Nam Giang ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND về việc thu hồi 36.524,9m2 đất của gia đình ông Ninh. Hai tháng sau, Hội đồng

BTHT-TĐC công khai phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, gia đình ông Ninh được lên phương án bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng.

Sau đó, do đã bàn giao hết nhà đất, cây cối nên ông Ninh về quê ở Quảng Bình sinh sống và đợi được trả tiền bồi thường. Thế nhưng đến cuối năm 2013, đại diện gia đình ông Ninh lại được Hội đồng BTHT-TĐC mời đến họp để tiến hành kiểm tra lại cây cối, tài sản trên diện tích đất bị thu hồi. Tuy nhiên, gia đình ông Ninh không đồng ý vì cho rằng việc kiểm đếm lại sẽ không chính xác khi mặt bằng đã bàn giao được hơn 2 năm, tài sản cây cối bị chặt hạ hoặc không được chăm sóc nên sẽ bị hao hụt nhiều.

Thế nhưng đầu năm 2014, Hội đồng BTHT-TĐC vẫn tự tiến hành kiểm đếm lại. Sau đó, UBND huyện Nam Giang còn ban hành một quyết định thu hồi đất khác để thay thế quyết định thu hồi đất năm 2011. Ngày 25/11/2014, cơ quan này có Quyết định số 2696/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và GPMB đối với gia đình ông Ninh với số tiền hơn 800 triệu đồng (bằng 2/3 mức đền bù theo Biên bản kiểm kê năm 2011).

Cho rằng phương án bồi thường này không đúng thiệt hại thực tế của gia đình, ông Ninh đã khởi kiện UBND huyện Nam Giang ra tòa đề nghị hủy Quyết định số 2696/QĐ-UBND, yêu cầu bồi thường bổ sung thêm hơn 800 triệu đồng.

Mạng sống bị đe dọa cũng không được bàn giao mặt bằng?!

Tại phiên sơ thẩm, đại diện bên bị kiện từ chối yêu cầu trên và cho rằng người dân bàn giao đất vào năm 2012, khi chưa có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường là “chưa đúng quy trình” và “đây chẳng khác gì là “cầm đèn chạy trước ô tô”. Kể cả thủy điện tích nước, đe dọa mạng sống cũng không được bàn giao. Vì vậy, nếu có thiệt hại là thuộc lỗi của hộ ông Ninh”.

Phản đối ý kiến này, Luật sư (LS) Vũ Văn Thiệu (Cty Luật Hợp danh INCIP- Hà Nội) cho biết, không thể đổ lỗi cho người dân trong trường hợp này vì chính Hội đồng BTHT-TĐC yêu cầu người dân phải bàn giao mặt bằng và ông Ninh đã nghiêm túc chấp hành. Theo nguyên tắc thì việc đền bù phải đúng thực tế thiệt hại, được xác định trên cơ sở Biên bản kiểm đếm tại thời điểm thu hồi đất, thời điểm thông báo chủ trương thu hồi đất.

LS Thiệu cho biết thêm, Biên bản kiểm đếm năm 2011 là đúng quy định và không có lý do để bác bỏ (không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về sự kê “khống” nào cả). Ngoài ra, người dân đã bàn giao mặt bằng được hơn 2 năm thì mọi sự hao hụt (hoặc phát sinh quyền lợi) phải bên nhận bàn giao chịu trách nhiệm, không thể đổ lên đầu người dân. Giả sử sau thời điểm bàn giao mặt bằng mà người dân trồng thêm cây, xây thêm công trình thì liệu có được Hội đồng BTHT-TĐC kiểm đếm lại và nâng mức bồi thường?

Theo quy định thì nếu cơ quan chức năng có lỗi trong việc kéo dài thời gian phê duyệt phương án bồi thường hay chi trả tiền mà đơn giá có sự thay đổi thì áp dụng đơn giá tại thời điểm phê duyệt phương án. Vì vậy, ngoài yêu cầu bên bị kiện phải bổ sung phần bồi thường thiếu so với Biên bản kiểm kê năm 2011, bên khởi kiện còn yêu cầu được tính lại giá đất, đơn giá công trình xây dựng, bổ sung khoản hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ di chuyển, thưởng tiến độ… theo quy định tại thời điểm hiện tại với tổng cộng khoảng 800 triệu đồng nữa.

LS Thiệu cho biết, bên bị kiện đã cố tình tiến hành kiểm đếm lại không đúng thủ tục, không đúng quy định, kéo dài thời gian phê duyệt phương án và chi trả tiền thì phải chịu bồi thường về những lỗi này.

Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm chỉ chấp nhận một yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần Quyết định số 2696QĐ-UBND của UBND huyện Nam Giang để bồi thường bổ sung một số khoản với tổng số khoảng hơn 200 triệu đồng. Không chấp nhận mức đền bù bổ sung ít ỏi này, ông Ninh đã có kháng cáo lên Tòa cấp phúc thẩm.

Chưa biết kết quả xét xử phúc thẩm sẽ ra sao nhưng với cách hành xử của UBND huyện Giang Nam trong vụ việc này, có người dân nào dám tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm, hay họ sẽ quyết “giữ nguyên hiện trạng” để phòng khi bị “kiểm đếm lại”?

PLVN sẽ tiếp tục đưa tin về sự việc...
Các dự án thu hồi đất đều có chính sách khuyến khích, khen thưởng người dân sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Thế nhưng tại Dự án Thủy điện Sông Bung 4 thì dường như UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) lại đi ngược với chủ trương trên.

Đọc thêm