Chuyện lạ về nhân vật vừa là Phật, vừa được phong Thánh

(PLO) - Người đầu tiên được xem như mang Phật pháp vào Việt Nam chính là vị Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Và ngôi chùa Ngài ghé qua đầu tiên, trước khi chính thức tu ở chùa Pháp Vân chính là chùa Phi Tướng, Bắc Ninh, nơi có bức tượng thờ Pháp Lôi, gắn liền với tích tứ pháp của nước Việt, một nhân vật vừa là Phật, vừa được phong Thánh.
Tấm bia đá cổ tìm thấy được ở chùa Phi Tướng.
Tấm bia đá cổ tìm thấy được ở chùa Phi Tướng.

Tương truyền về nhân vật huyền bí này, chính quốc sư Thông Biện triều Lý, trong lúc đàm đạo Phật pháp với Nguyên Phi Ỷ Lan đã dẫn lời pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa nhiều thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. 

Ngôi chùa thờ một nhân vật kỳ lạ

Theo sách “Cổ châu pháp vân bổn hạnh ngũ lục” thì vào khoảng đời Ðông Tấn (317-419) có một Pháp sư tên là Tỳ Ni Ða Lưu Chi, người Ấn độ, nhận thấy ở Nam Việt đã hiểu đạo Phật liền qua tìm hiểu ở chùa Phi Tướng rồi sau đó trú ở tại chùa Pháp Vân, giảng dạy Phật pháp. Và từ đó Phật giáo Việt Nam thịnh hành.

Chùa Phi Tướng, nơi đầu tiên Tỳ Ni Đa Lưu Chi đặt chân đến khi vào Việt Nam nằm ở phía nam của thành Luy Lâu cổ có tên chữ là “Phi Tướng Đại Thiền Tự”, xưa thuộc xã Thanh Tương, tổng Khương Tự, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, là ngôi chùa thuộc hệ thống Tứ Pháp trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta và còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hoá quý giá. Ngôi chùa đã có đến 2.000 năm lịch sử, đã nhiều lần được trùng tu. 

Sự kiện trùng tu đáng chú ý nhất được khắc trên bia đá có tên “Phi Tướng tự bi ký” dựng vào năm Chính Hoà 18 (1697), nội dung như sau: “Tại xã Lạc Thổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, tiểu tăng là Nguyễn Đức Khang, tự Pháp Ninh, đạo hiệu Chân Kính, tiểu ni là Nguyễn Thị Thái hiệu là Diệu Xuân, trụ trì tại bản xã (gồm các thôn Thanh Hoài, Thanh Tương, Lũng Triền) ở ngôi chùa là “Phi Tướng đại thiền sự”. 

Bức tượng thờ Pháp Lôi.
Bức tượng thờ Pháp Lôi.

Nội dung ghi trên bia đá cho thấy, trước đây có người cha đã làm phúc rất nhiều, nhưng chưa kịp lập bia đá để lại cho đời sau nên chưa ghi lại những sự việc từ thuở ban đầu. Nay cung kính ghi lại việc như sau: Đức Đại Thánh Pháp Lôi Phật linh ứng xuất thế, có phật tử vâng mệnh là Khánh Giác Hoà thượng Nguyễn Tôn Sinh, tự là Phúc Đức, hiệu Huệ Khánh Viên Quảng thiền sư, Bồ Tát lão ni là Vũ Thị Nhiên hiệu là Hải Thuận, Vũ Thị Hưng hiệu là Huệ Tính, Vũ Thị An hiệu là Từ Thịnh xuất gia đầu Phật, mang tiền của gia đình hưng công và khuyến giáo mọi người cùng nhau làm phúc chung xây Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường…

Thượng điện là trung tâm điện Phật, giữa là ban thờ Phật Phi Tướng. Ngài toạ thiền trên toà sen trong khám gỗ lớn chạm rồng, sơn son thếp vàng, thân cao 1,45m, vai rộng 0,55m, đùi rộng 1,05m. Đài sen cao 0,25m với 3 lớp cánh to mập. Ngài có thân hình nữ tính, khuôn mặt đầy đặn, thánh thiện với mũi dọc dừa, lông mày lá liễu, đôi mắt nhìn xuống bao dung, miệng mỉm cười, tay phải giơ lên ngang ngực, ngón tay kết ấn, tay phải để ngửa trên đùi có hạt ngọc “minh châu”; toàn thân được sơn phủ một lớp sơn màu mận chín, biểu tượng của một bầu trời no đủ mây mưa sấm chớp. 

Sự tích về tạc tượng Pháp Lôi

Sự tích bức tượng Pháp Lôi trong ngôi chùa Phi Tướng lại liên quan đến sự tích nàng Man Nương. Theo đó, Sự tích Man Nương và tục thờ Tứ Pháp được lưu truyền từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên và đã được ghi chép trong rất nhiều truyện sách cổ xưa như: Lĩnh Nam Chích Quái, Kiến Văn Tiểu Lục, Văn Hiến Thông Khảo, An Nam Chí Lược... với những chi tiết khác biệt nhau. 

Tuy nhiên, nguồn gốc của Tứ Pháp được nhiều người biết đến nhất được ghi lại trong truyện Man Nương - sách “Lĩnh Nam Chích Quái” và vào giữa thế kỷ XVII mới được in thành sách riêng. Hiện còn lưu lại qua bản “Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục” khắc gỗ tại chùa Dâu được khắc vào năm thứ 13 niên hiệu Cảnh Hưng (1752).

Chuyện kể rằng ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, có cô gái 12 tuổi Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm học đạo. Trụ trì chùa này là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu-đà-la. Một hôm, nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương lúc nàng nằm ngủ, và nàng thụ thai một cách thần kỳ. Sau 14 tháng, nàng Man Nương sinh hạ một bé gái, đứa bé được nhà sư Khâu-đà-la dùng phép chú đưa vào cây Dung Thụ già. 

Sau đó, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy thần có thể làm mưa cứu hạn hán cho dân làng. Khi Man Nương 80 tuổi, cây đổ trôi về bến sông Dâu thì không trôi nữa. Thái thú Sĩ Nhiếp nằm mộng phải tạc tượng Phật từ cây Dung Thụ đó nhưng không kéo được cây lên bờ, dù đã thử bằng rất nhiều cách. Tuy nhiên, khi có dải yếm của Man Nương làm dây kéo thì mới kéo được cây lên bờ. Cây Dung Thụ được tạc thành 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mang vào chùa thờ tự. 

Chùa Phi Tướng.
Chùa Phi Tướng.

Chùa Phi Tướng bảo lưu được hệ thống tài liệu cổ vật quý giá như: tượng Phật, bia đá, chuông đồng cho biết khá rõ những thông tin về lịch sử ngôi chùa, cũng như người được thờ là “Đại Thánh Pháp Lôi Phật” (Ngài vừa là Thánh vừa là Phật). Các sắc phong có niên đại như sau: Cảnh Hưng tứ niên (1743), Cảnh Hưng tứ thập tứ niên (1783), Minh Mệnh nhị niên (1821), Thiệu Trị tứ niên (1844), Tự Đức tam niên (1850), Đồng Khánh nhị niên (1887). 

Trong số trên, sắc phong có niên đại cổ nhất là “Cảnh Hưng tứ niên tam nguyệt nhị thập thất nhật” (tức 27/3/1743) có nội dung ca ngợi công lao to lớn với dân với nước và sự linh thiêng của Đại Thánh Pháp Lôi Phật như sau: “Sắc Đại Thánh Pháp Lôi Phật, khí hun núi Bắc, uy chấn trời Nam, mênh mang ở trên, vận thần cơ giúp đỡ nhân dân, nối tiếp yên ổn, rực rỡ tiếng tăm, đức sáng tốt đẹp, mãi phù vận nước dài lâu, công lao to lớn hiển ứng linh thiêng. Hợp cử bao phong phụng sự Đại nguyên soái tổng quốc chính thượng sư Minh vương ban sắc chỉ chuẩn ứng phong cho thần là Đại Thánh mậu đức phong công, tuấn liệt Pháp Lôi Phật. Vậy ban sắc!”.

Đọc thêm