Chuyện làng săn thú lụi tàn và 'khế ước' với thần rừng

(PLO) - Thời kỳ hoàng kim, trong làng Rẫy có 3 phường săn, những cánh rừng phía tây Bố Trạch này đâu đâu cũng in dấu chân của họ. Thế nhưng, làng săn cũng dần chìm vào dĩ vãng, giờ thì con thú cũng đã hết nhẵn cánh thợ thiện nghệ năm nào nay đều trong độ “xưa nay hiếm”, chẳng còn ai lấy nghiệp săn làm kế sinh nhai nữa.
Những cái tù và gọi bạn săn này thường được làm bằng sừng trâu, sừng càng to thì tiếng tù và càng vọng lớn.
Những cái tù và gọi bạn săn này thường được làm bằng sừng trâu, sừng càng to thì tiếng tù và càng vọng lớn.

Cách đây hơn 30 năm, cứ độ xuân sang là những phường săn trong làng Rẫy, xã Tây Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) lại í ới gọi nhau cùng vượt đại ngàn để săn thú. 

Ký ức những mùa săn

Trong căn nhà chật của ông cụ Hoàng Văn Ưu, năm nay đã quá bát tuần, chúng tôi được nghe lại nhiều câu chuyện kỳ thú từ những cuộc săn xuyên đại ngàn năm xưa. Nghe kể, đận ấy, con thú trong vùng còn nhiều lắm, mỗi một mùa gieo rẫy người ta thường phải dựng chòi canh, để trông giữ kẻo thú rừng phá hoại hoa màu. Cánh thợ săn mỗi khi vào rừng chỉ sử dụng chó, giáo mác và tù và bằng sừng trâu để làm tín hiệu đón đường cũng có thể săn được rất nhiều thú.

Già Ưu nhớ lại: “Ngày trước săn con thú chỉ để giải khuây, để họp mặt chúng bạn rừng với nhau thôi chứ chẳng phải là nghề chính. Ăn thì hết mấy chứ, con thú lúc ấy cũng chẳng đáng đồng tiền nên có săn thừa ra cũng phí mà lại có tội với rừng. Các phường săn đều họp lại với nhau rồi chọn mùa xuân làm mùa săn thú.

Thời ấy, các phường săn có những luật giới hết sức nghiêm khắc, nếu ai ăn mảnh, phí phạm của rừng là ngay lập tức bị tách ra khỏi phường. Nghiêm khắc thế nên người ta rất có tính tập thể, nói sao thì làm vậy thôi chứ không cá nhân tư lợi chi cả”.

Còn với ông Hoàng Văn Bưu (anh trai của ông Ưu), năm ấy mới chỉ 20 tuổi nhưng đã làm chủ một phường săn có số lượng thợ trên chục người. Người già bây giờ đã luống tuổi, vóc dáng của chàng thợ săn huyền thoại năm nào chỉ còn đọng lại trong những dòng ký ức.

Ông Bưu lục lại dòng ký ức năm xưa: “Năm ấy, chúng tôi thường chọn mùa xuân để đi săn thú, thường thì ra tết là chuẩn bị đồ lễ để cúng thần rừng rồi mới dám động rừng. Đồ lễ cũng chẳng có gì ngoài nắm cơm vắt, trầu cau, thuốc lá vườn vấn thành từng điếu đem đặt lên mâm cỗ, đơn giản thôi nhưng chủ yếu ở lòng thành của mình.

Thường thì giờ, ngày chúng tôi vẫn chọn giờ Mẹo của ngày Tuất làm ngày khởi săn. Ngày giờ này rất quan trọng, nó quyết định cả một mùa săn, nếu chọn nhằm ngày xấu thì cả mùa săn năm ấy sẽ xui xẻo lắm. Chúng tôi chỉ xin thần rừng vừa đủ con thú, không tận diệt, đó như một giao kèo bằng miệng giữa chúng tôi và thần rừng…”

Ngày săn định sẵn, tiếng tù và thổi vang xen lẫn âm thanh của chó cội “ăng ắc” sủa khắp các nẻo đường rừng. Mỗi phường săn có đến 7 con chó cội, loài chó săn rừng sát mùi thú, cứ bắt được hơi là chúng sôi máu, chạy quanh tìm cho ra con mồi.

Những người được phân theo chân chó, có nhiệm vụ định hướng, đuổi con thú vào “trận đồ” đã dựng sẵn. Thợ săn có quy ước ngầm là tiếng tù và thổi một, nghĩa là con thú đang đi bên cửa phục thứ nhất, thổi 2 tiếng là cửa phục thứ 2 và tương tự đến các cửa phục khác… Đến khi con thú bị kiệt sức thì người thợ săn dùng mác đánh đòn chí tử.

Lão thợ săn Hoàng Đôn vuốt ve kỷ vật cuối cùng còn sót lại từ mùa đơm năm ấy.
 Lão thợ săn Hoàng Đôn vuốt ve kỷ vật cuối cùng còn sót lại từ mùa đơm năm ấy.

Nỗi ám ảnh tận diệt thời súng săn

Chẳng ai bảo, cứ như là một “khế ước” chung của các phường săn vậy, họ không bao giờ tận diệt hay bất nhân với những sinh linh nhỏ bé. Những con thú nhỏ, hoặc đang mang thai thì phường săn không bao giờ đuổi bắt hay sát thương. Khi săn đủ số lượng thú, đủ để chia cho các thành viên trong phường thì dừng lại, không săn thừa gây phí phạm và thất hứa với thần rừng. 

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, những phường săn nơi đây, không xem săn bắn là nghề chính. Với họ, mỗi mùa săn đơn giản là một ngày hội, ngày nhắc lại những dòng kỷ niệm xưa cũ. Nhắc lại ký ức viễn xưa đó, thợ săn già Hoàng Đôn, bạn săn với ông Bưu (80 tuổi) hồ hởi:

“Chạy suốt vậy, quên hết âu lo thiếu thốn, buồn bực. Có nhiều người,, con thú nằm ngay trước mắt mà không chịu đâm cứ thả chạy để đuổi cho sướng chân mới chịu bắt. Thời ấy vui lắm, đi săn là để giải khuây thôi, như để rèn luyện thân thể ứng phó với chốn rừng núi khắc nghiệt chứ có quan trọng con thú mấy đâu”.

Theo tìm hiểu, cách săn thú “chạy bộ” này, về sau con cháu ông Ưu, ông Bưu… chẳng ai dùng lại nữa bởi họ cho rằng săn bắt như vậy không hiệu quả, không đem lại thu nhập. Thế hệ sau họ, đã khai cùng xẻ tận rừng già một cách vô nhân đạo, như trăn trở của ông Bưu: “Thời nay con thú chẳng còn nữa, rừng cũng mất dần, chẳng còn đất cho những phường săn ngày xưa nữa, những giáo mác đã mòn hết rồi. Tụi trẻ nó săn hổ lốn quá, nên dần cạn kiệt nguồn thú rồi…”

Trái hẳn với khế ước của ông cha xưa kia, ngày nay thợ săn cũng đi cúng rừng vào mùa xuân, nhưng hẳn là “xin càng nhiều càng tốt, xin… hết luôn cũng được (?!)”. Những phường săn năm nào, bây giờ đã “nằm xó” cả, bởi họ không biết sử dụng súng săn, họ thấy súng là “khiếp hồn khiếp vía”, nói như ông Trịnh Xuân Thi (77 tuổi), bạn săn ngày trước của ông Bưu.

Đận ấy, ông Thi do lâu ngày không được ngược ngàn nên máu săn nổi lên, ông xin theo chân một số thợ săn trẻ. “Bọn trẻ nay khác lắm, không giống ngày xưa nữa. Nó đi có phải cơm đùm cơm nắm giống mình ngày trước đâu, đồ ăn sẵn có, thuốc gói hút, sữa, đường rồi nước non chi tùm lum rứa. Lúc ấy tui cũng còn vài ba con chó cũng đưa cho vào rừng.

Ai ngờ hôm ấy chó đánh hơi được một con gấu rừng to, tui đang loay hoay để đưa chó chạy nẻo khác kẻo bị gấu tấn công thì nghe một tiếng “đùm…” vang trời. Tiếng súng chát tai động cả khu rừng, tui giật nẩy mình lên nằm thiếp cùng con chó vào bụi cây rậm. Hồn vía lên tận trời xanh mà tìm”, ông Thi chột dạ.

Con gấu bị bắn nằm sõng soài ra vạt cỏ, chết ngay tại trận. Đám thợ săn như muốn bồi thêm vài phát súng nữa, ông Thi kéo tay lại và nói: “Nó chết rồi, bắn chi nữa cho tốn đạn mấy chú”. Nói vậy thôi, nhưng cả đời ông Thi chưa từng thấy cảnh tượng ấy xảy ra lần nào hết, có chăng cũng chỉ là những con thú nhỏ từ những cuộc săn bộ xa xưa vọng về.

Trở về từ hôm đó, ông Thi như người mất hồn, tâm trí cứ ngơ ngẩn chẳng thiết tha gì với nghiệp săn rừng nữa. Những con chó cội năm xưa ông cũng đem bán hết chẳng còn giữ lại gì, ai săn đâu thì săn chứ ông thì không bao giờ. Với ông Thi lần đó là lần săn rừng cuối cùng trong đời mình. Ông nói, sẽ không có lần thứ 2 như vậy nữa.

“Thời đại ngày càng đổi khác, con thú ngày xưa có đáng một cắc đâu, nên săn về chỉ để ăn thôi, còn bây giờ mỗi con thú nho nhỏ cũng vài ba triệu bạc rồi. Nghề săn rừng này có người còn phất lên vùn vụt nữa mới lạ chứ. Chẳng mấy chốc mà rừng già này bị băm nát đến tận xương cốt, thú hết, rừng dần mất… cánh già tụi tui cũng chết gần hết rồi, nên cái tiếng làng săn thú năm xưa ấy, đã qua lâu lắm rồi.” - ông Hoàng Văn Ưu đúc kết.

Đọc thêm