“Nửa canh giờ nhân ái”
Tuyệt đại đa số làng xã cổ truyền có đình thờ thành hoàng, vị thần bảo trợ cho cộng đồng, vừa thiêng liêng, lại vừa gần gũi. Đêm Ba mươi Tết, chỉ khi nào đình làng tế tống cựu nghinh tân thì các nhà thờ họ, các hộ gia đình mới cúng giao thừa. Tiếng trống tế ấy chính thức báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đã đến. Hầu hết hương ước các làng xã cổ truyền đều có quy định về cúng tế tại đình làng trong ba ngày Tết rất cẩn thận.
Quê tôi, làng Hữu Bằng, tổng Thạch Xá, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây xưa là một làng buôn bán, chủ yếu là buôn sợi, buôn vải. Những người ít vốn thì buôn bán vải nâu, người khá giả thì buôn vải trắng mang xuống bán ở chợ Hà Đông hay chợ Máy, chợ Mè ở Lâm Thao, Bạch Hạc, Phú Thọ.
Buôn bán nên may rủi nhiều, và hầu như năm nào cũng có người vỡ nợ. Vì thế làng có câu: “Còn tiền chợ Máy, chợ Mè/ Hết tiền vào Gượm hái chè chia đôi”, nghĩa là đã hết vốn thì vào làng Cần Kiệm, nơi có nhiều đồi chè xin hái chia đôi với chủ nhà, mỗi ngày cũng được chút tiền mua gạo…
Đêm Ba mươi Tết ở những gia đình đó thật buồn, mấy đứa trẻ ngơ ngác, khách đòi nợ ngồi chờ, còn bố mẹ thì trốn ra đồng, ngồi cho đến khi đình làng tế tống cựu nghinh tân mới dám về, khi đó khách đòi nợ không ai chờ nữa. Sáng mai có gặp nhau thì lại tay bắt mặt mừng, chúc nhau năm mới buôn bán thuận lợi, may mắn.
Thấu hiểu tình cảnh những người không may vỡ nợ, có thời kỳ các cụ quyết định tế giao thừa trước nửa canh giờ, tức là 11 giờ đêm nổi trống tế. Tế sớm như vậy để những người vỡ nợ còn nửa canh giờ chuẩn bị đón năm mới, cho qua một năm vận hạn, đón năm mới với hy vọng tốt lành hơn. Người ta gọi đó là “nửa canh giờ nhân ái”.
“Vô vọng bất thành danh”
Nói đến làng xã cổ truyền là nói đến khao vọng. Khao là bày tiệc linh đình mời nhiều người đến dự nhân có việc vui mừng. Người được thăng quan, được vua ban thưởng, người trúng cử Lý trưởng, được phong Bá hộ, Cửu phẩm hay đỗ đạt… đều làm cỗ khao. Có khi ăn uống vài ba ngày, có phường chèo về giúp vui. Người đến dự mang câu đối, trướng, pháo đến chúc mừng.
Vọng là khoản đóng góp vào làng bằng tiền hay lễ vật. Trong Hương ước thường quy định rất cụ thể. Ví dụ Hương ước làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) quy định một vị được làm quan trong triều, văn từ tam phẩm trở lên, võ từ nhị phẩm trở lên và có công đức với dân làng thì mới được vọng triều quan ở đình làng. Lễ gồm 1 con trâu, 10 mâm xôi, 10 chai rượu và nộp quỹ 100 đồng. Nếu là vọng thôn trưởng thì chỉ nộp 10 đồng, lễ thần mâm xôi, con gà.
Do đó, khao đi đôi với vọng. Lễ nghi ở đình xong là đãi tiệc ở nhà. Nếu không vọng thì dân làng coi như không biết, ông đỗ đạt hay làm đến chức gì cũng chưa có danh với dân làng. Xưa có câu “Vô vọng bất thành danh” là thế.
Làng tôi xưa có lần tế thần, ông Phó lý Vinh ít tuổi hơn lại được đứng trước cụ Phó lý Thanh tiền bối. Ông con rể cụ Phó Thanh mới chất vấn cụ Nghè (Tổng đốc trí sĩ) là thủ chỉ, chức vị cao nhất của làng rằng: “Thưa cụ, cụ Phó Thanh làm Phó lý trước ông Phó Vinh, lại nhiều tuổi hơn, sao hôm nay làng lại để ông Phó Vinh đứng trước như vậy?”. Cụ Nghè mới nói: “Là vì ông Phó Vinh mới được Bá hộ”.
“Thưa cụ, ông Phó Vinh được Bá hộ nhưng thần không được nén hương, làng không được chén nước (tức là ông Phó Vinh chưa khao vọng) thì ai biết ông ấy là Bá hộ ạ?! Cụ Nghè phải chịu là phải.
Khao vọng tốn kém, người không đủ lực mà đua đòi thì khổ, khiến khao vọng trở thành hủ tục, nhưng nhìn chung ai có điều kiện mới tổ chức.
Dân chủ làng xã
Với đặc điểm tự trị, tự quản, Nhà nước chỉ can thiệp vào làng xã khi có dịch bệnh, bắt phu, bắt lính, thu thuế hay có vụ án hình sự… còn lại dân làng tự quyết định. Trong đó, Hương ước như một luật lệ của làng, quy định cụ thể, minh bạch về bộ máy quản trị, phong tục, tang ma, hiếu hỷ,... Một trong những biểu hiện cụ thể, sinh động về dân chủ làng xã là bầu cử.
Trong “đội ngũ lãnh đạo” của làng xã xưa có hai nhân vật chính, thứ nhất là Tiên chỉ hay Chánh hội, đại diện cơ quan dân cử, không liên quan đến hành chính nhà nước; người thứ hai là Lý trưởng, do dân làng bầu ra để vừa đại diện Nhà nước tại địa phương vừa thực hiện những công việc mà hương hội đề ra, đồng thời thay mặt dân địa phương kết nối với Nhà nước, cấp trên trực tiếp là quan huyện.
Theo bài “Về bộ hồ sơ bầu Lý trưởng xã Đoan Xá, phủ Kiến Thụy, Hải Phòng năm 1875 (Thông báo Hán Nôm 2003), thì khi khuyết chân Lý trưởng vì lý do nào đó thì Tri huyện có trát yêu cầu dân làng bầu Lý trưởng mới. Dân làng chọn những người có tư cách tốt, mẫn cán, biết chữ, nhà có tài sản - ra ứng cử và bầu chọn. Số tài sản của ứng viên phải tương đương số tiền thuế 1 năm của làng, để nếu thất thoát thuế thì lấy tài sản của Lý trưởng bồi thường.
Sau khi bầu xong, làng lập biên bản trình lên quan huyện có đầy đủ chữ ký của kỳ lão, thân hào, sắc mục của xã. Sau đó, Chánh tổng ký vào văn bản với tư cách hiệp cử và chịu trách nhiệm về giám sát việc bầu cử theo thể lệ, và dẫn người mới được bầu lên quan phủ, huyện để quan trên trực tiếp thẩm tra. Nếu đúng người, đúng tiêu chuẩn thì ra tờ trình lên quan đầu tỉnh. Quan đầu tỉnh căn cứ vào tờ trình của quan phủ, huyện cấp cho Lý trưởng mới văn bằng bổ nhiệm.
Việc ứng cử, bầu cử hoàn toàn do dân làng quyết định, không có can thiệp từ cấp trên. Do đó, ở làng Hữu Bằng đã nêu, theo tộc phả họ Nguyễn, có cụ làm Lý trưởng đến 30 năm liên tục, do dân làng tín nhiệm, quý trọng.
Mua danh: một tục đẹp?
Ngày xưa, các làng xã cổ truyền vốn ít dân, trên ngàn người đã là làng lớn, trong đó đa số là dân nghèo vậy mà làng nào cũng có đình chùa, nhiều ngôi đình, ngôi chùa rất lớn. Nhiều làng ngoài đình, chùa, hệ thống đường ngang ngõ dọc khắp làng đều lát gạch nghiêng, ao làng đều kè đá ong… Kinh phí ấy đều từ dân làng đóng góp.
Làng xã xưa không có nguồn ngân sách nhà nước hàng năm rót về, nên để bảo đảm chi tiêu cho quản trị, tế tự, giao tiếp, trợ cấp, xây dựng… cần một nguồn có tài chính. Nguồn ấy thu từ hoa lợi của công điền, tiền thu lệ phí như vọng ngôi thứ, lan nhai… và tiền bán danh vị.
Mỗi khi có việc cần chi tiêu, làng xã xin phép quan huyện cho tổ chức một một đợt bán danh vị như Lý trưởng, Phó Lý, Trương tuần… Mỗi danh vị một giá khác nhau. Người bỏ tiền ra mua sẽ được mang cái danh ấy, dù không có thực chức, thực quyền. Ví dụ mua chức Lý trưởng, sau khi hoàn thành thủ tục, khao vọng đàng hoàng, người mua sẽ được gọi là ông Lý A, cụ Lý B suốt đời.
Nếu thu bình quân, cào bằng thì chắc chắn sẽ không có đủ kinh phí, vì những hộ dân nghèo khó đóng góp. Để thu hút sự đóng góp của người giàu, bù đắp lại sự đóng góp đó, dân làng tặng lại họ cái danh. Đấy là một phương thức “xã hội hóa” hiệu quả. Do ảnh hưởng cái nhìn phê phán từ các nhà văn, nhà báo đầu thế kỷ XX, nên ta chỉ nhìn thấy đó là một hủ tục, một thói háo danh ngốc nghếch…, nhưng nhìn ở góc độ khác thì đó cũng là một tục đẹp, theo nguyên tắc "Đầu đào, báo lý" - Có đi có lại, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, có những người không có tiền của nhưng dành nhiều công sức, nhiệt thành tham gia việc xây dựng đình chùa, cũng được dân làng ghi nhận, bầu làm hậu thần, hậu Phật để tri ân. Nếu dân làng không trọng cái danh “Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp” thì lấy đâu ra tài lực, nhân lực làm việc công ích, để chúng ta có hệ thống di sản đồ sộ ngày nay.