Chuyện ly kỳ qua quan niệm về rắn

Tín ngưỡng thờ rắn của một bộ phận người dân Việt Nam hình thành từ xa xưa, người dân thờ cúng rắn như một vị thủy thần hòng mong nó không làm hại mình. Nhìn chung, trong suy nghĩ của người Việt, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo...

Con rắn vốn là một loài vật đã quá quen thuộc với con người từ cổ cho tới kim. Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những quan niệm riêng về con vật này. Tuy nhiên, con rắn thường được xem như là biểu tượng của sự khôn ngoan, chữa bệnh, sự bắt đầu, hay sự bất tử và đổi mới liên tục.

 

Con rắn phương Đông

Ở Ấn Độ, con rắn được tôn thờ như một vị thần. Tín ngưỡng thờ rắn của người Ấn Độ được thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc, những đền thờ, miếu mạo, hang động...

Con rắn cũng là hình ảnh trang trí thường thấy trên đồ trang sức của người dân. Hình tượng mang tính chất biểu trưng của con rắn trong văn hóa của người là một con rắn đang cắn đuôi của chính mình, từ đầu đến đuôi con rắn tạo thành một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho một vòng đời, từ khi được sinh ra cho đến khi chết đi. Chính vì vậy, con rắn được người Ấn Độ xem là biểu tượng của sự bất tử.

Đối với người Hindu, rắn được coi như thần thánh. Hàng năm họ đều tổ chức một lễ hội có tên Nag Panchami, thường diễn ra trong tháng Shravan (tháng 7 – tháng 8) để bày tỏ sự tôn kính với thần rắn. Trong lễ hội, người ta cũng chia gạo cho rắn với hy vọng tai ương sẽ qua đi và những điều tốt đẹp sẽ tới. Trong lễ hội, người ta chia gạo cho rắn với hy vọng tai ương sẽ qua đi và những điều tốt đẹp sẽ tới.

Ở Đông Nam Á, tục thờ rắn cũng rất phổ biến. Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, họ thờ cúng thần rắn Naga - một vị thần tối cao, thiêng liên và tượng trưng cho sự liên tục của lịch sử Campuchia. Tại Trung Quốc, tín ngưỡng thờ rắn được biết đến khá sớm và còn lưu lại trên các vách đá. Các đền miếu thờ rắn có thể thấy ở trên khắp đất nước này. Con rắn cũng là một linh vật trong 12 con giáp của Trung Quốc.

Trong thần thoại Hàn Quốc, Eobshin – nữ thần của sự giàu có – được miêu tả là một con rắn màu đen, có đôi tai rất đặc biệt. Trên đảo Jeju, nữ thần Chilseong và 7 cô con gái đều là những con rắn. Họ là thần vườn, thần sân… Con người sống ở đây rất sợ loài rắn, con rắn được tôn thờ như những vị thần. Khi nhìn thấy những con rắn, người dân không giết hay xua đuổi chúng.

Đối với người Việt Nam, xuất phát từ điều kiện tự nhiên gắn liền với sông nước, đầm lầy, hình tượng con rắn đã đi vào tâm thức của người dân từ rất sớm. Tín ngưỡng thờ rắn vì thế mà hình thành từ xa xưa, người dân thờ cúng rắn như một vị thủy thần hòng mong nó không làm hại mình. Nhìn chung, trong suy nghĩ của người Việt Nam, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo. Nhưng cũng chính vì những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn.

Con rắn – biểu tượng đa diện

Theo quan niệm của người Do Thái, con rắn là biểu tượng của việc chữa trị cho một người mắc bệnh đang cận kề cái chết. Còn ở châu Phi, tục lệ thờ rắn được cho là phổ biến từ thế kỷ 17. Một trường đại học ở Ghana hiện vẫn còn lưu giữ một chiếc nồi đất với hình ảnh một con rắn cầu vồng. Theo truyền thuyết, con rắn này chỉ rời khỏi hang khi khát nước.

Lúc đó, con rắn sẽ ngẩng đầu lên trời để gọi thần mưa. Vì uống khá nhiều nước nên con rắn cũng phun một lượng nhỏ xuống đất, tạo thành những cơn mưa. Ngoài ra, con rắn hiện thân ở trên dây rốn của con người, vì thế, nó cũng trở thành hiện thân của sự sinh sản và sự sống. Ở một số nơi thuộc châu Phi, con rắn còn được xem là hiện thân của người thân đã quá cố.

Tại châu Mỹ, nhiều bộ lạc vẫn giữ quan niệm tôn kính với con rắn chuông, tin rằng con rắn có thể đem đến gió lớn hay bão. Trong nhiều nền văn hóa Trung Mỹ, con rắn được coi như là một cổng thông tin giữa 2 thế giới âm – dương.

Những người sống ở vùng Trung Đông cổ xưa trong khi đó tin rằng con rắn là loài vật bất tử vì chúng có thể lột da liên tục và trẻ trung mãi mãi, mỗi lần lột da xong chúng lại xuất hiện với một hình dáng mới. Dựa trên những cổ vật còn lưu lại, các nhà khảo cổ cho hay, người Trung Đông đã có tín ngưỡng thờ thần rắn từ thời Đồ đồng.

Trong quan niệm của Thiên Chúa giáo, con rắn được xem là biểu tượng của cái ác và sự quỷ quyệt. Theo Kinh Thánh, Chúa Trời đã tạo ra Adam – người đàn ông đầu tiên trên thế giới - từ cát bụi và đưa ông đến cai quản Vườn Địa đàng. Lủi thủi một mình mãi nên Adam đã cầu xin Chúa ban cho một người để bầu bạn. Chúa Trời sau đó đã mủi lòng, bẻ một chiếc xương sườn của Adam để tạo ra người đàn bà đầu tiên trên thế giới là bà Eva. Trong Vườn Địa đàng có một cây gọi là Cây Tri thức nhưng Chúa Trời đã cấm Adam và Eva được ăn thứ trái cấm này.

Tuy nhiên, một con rắn đã lừa Eve rằng nếu ăn quả táo đó bà sẽ trở nên xinh đẹp, thông minh và có quyền năng lớn như Chúa Trời. Tin lời con rắn, Adam và Eve đã lén ăn quả táo và bị Chúa phát hiện ra. Hai người sau đó đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng tràn đầy hạnh phúc. Họ và các thế hệ con cháu sau đó phải sống dưới trần thế với cuộc sống đầy đau khổ vất vả.

Con rắn thần thoại

Trong thần thoại Hy Lạp, con rắn đã xuất hiện rất nhiều lần. Medusa là một trong 3 chị em quỷ có tên chung là Gorgon. Đây là con quỷ hung dữ nhất và cũng là con quỷ trẻ nhất, có thể đánh chết được, còn 2 con kia thì bất tử.

Medusa từng là một người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Vì thế, nó đã tự mãn cho rằng mình còn đẹp hơn nữ thần Athena và quyến rũ cả thần biển Poseidon. Athena khi đó đã vô cùng tức giận, liền biến Medusa thành một nữ quỷ xấu xí, với mái tóc là những con rắn và có quyền năng biến những người đàn ông thành đá chỉ bằng cái nhìn của mình.

Cuối cùng, Perseus - con của thần Zeus – đã tiêu diệt được được Medusa và dâng đầu của con quỷ này cho nữ thần Athena để bà gắn vào chiếc khiên có tên gọi Aegis của mình. Những người theo chủ nghĩa lãng mạn cho rằng Medusa giống như là một biểu tượng cho sự phẫn nộ của người phụ nữ.

Nói đến hình tượng con rắn trong thần thoại Hy Lạp không thể không nhắc đến Hydra. Hydra được mô tả là mang hình thù của một con rắn khổng lồ có nhiều đầu. Máu của nó có chứa chất độc và hơi thở của nó có mùi hôi đến mức có thể làm chết người. Theo truyền thuyết, việc đánh bại Hydra là điều không thể vì nếu như chặt mất một trong những chiếc đầu thì ngay lập tức nó lại có 2 cái đầu khác mọc lên thay thế. Dũng sỹ Hercules sau đó đã phải vô cùng chật vật mới có thể hạ được con quái vật này.

Trong thần thoại Hy Lạp còn có một con quái vật khác có liên quan đến rắn là Typhon. Typhon là một loại sinh vật to lớn nhất và có hình dạng kỳ lạ nhất từng được biết đến: mình người với hàng trăm đuôi rắn khác nhau. Typhon âm mưu lật đổ Zeus để trở thành Vua của các vị thần và loài người.

Sau những chiến nảy lửa, Zeus đã giam cầm được Typhon dưới lòng núi lửa Etna. Typhon là con quái vật đáng sợ nhất trong những quái vật vì nó có cả sức mạnh và trí tuệ. Như vậy, có thể thấy rằng trong thần thoại Hy Lạp, hình tượng con rắn hầu hết là những nhân vật khôn ngoan, có sức mạnh, dẻo dai và là biểu tượng của sự sinh sản.

Đối với người Ai Cập, con rắn chiếm một vai trò rất quan trọng, với hình tượng con rắn hổ mang ở sông Nile được trang hoàng trên vương miện của các Pharaoh thời cổ đại. Con rắn lúc này được tôn thờ như một trong những vị thần, là biểu tượng về sự thông thái và khả năng tiên tri về tương lai cũng như sự tái sinh, bất tử, vĩnh cửu.

Thần rắn hổ tên Uraeus thường được thấy khoanh tròn trên trán của vua chúa có liên quan tới thần Horus khi tái sinh thành những “Pharaoh”. Nữ hoàng Cleopatra trong khi đó đã để rắn hổ cắn vào người để tự tử vì tin rằng Uraeus sẽ đưa nàng về chốn vĩnh hằng.

Biểu tượng ngành y

Hình tượng chiếc gậy và con rắn quấn quanh từ lâu đã được coi là biểu tượng của ngành y – dược. Chiếc gậy ở đây mang tên của vị thần có tài chữa bệnh có tên Hy Lạp là Asklepios và tên La Mã là Aesculapius. Asklepios được xem là một vị thần hiền dịu, chữa lành các bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần của con người. Aesculapius có nhiều con, trong đó có Hygieia - nữ thần của sức khỏe, nguồn gốc của chữ hygiene (vệ sinh), và Panaceia - nữ thần chữa bệnh, từ đó có chữ panacea (thuốc bách bệnh).

Dựa vào truyền thuyết này, ngành y học lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy phép của Aesculapius làm biểu tượng của mình. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Trong biểu tượng của ngành dược, người ta sử dụng con rắn quấn quanh một cái ly có chân cao.

Tựu chung lại, chúng ta thấy rằng con rắn là một loài vật vô cùng thân thuộc với con người. Tín ngưỡng thờ rắn gắn liền với lịch sử phát triển của loài người, với những quan niệm vô cùng độc đáo và phong phú của người dân từ xưa cho tới nay.

Minh Ngọc (tổng hợp)

Đọc thêm