Người đi biển quan niệm từ xa xưa, Phật bà Quan thế âm Bồ Tát được Phật Tổ Như Lai ban cho chức Nam hải Bồ Tát để độ trì, cứu nạn con người trên biển cả. Phật bà xé chiếc áo cà sa thành hàng vạn mảnh rải khắp biển khơi, hóa phép thành loài cá to lớn và phong cho tước hiệu Nam hải Đại tướng quân. Mỗi khi có thuyền bè gặp nạn, ngư ông Nam hải đều không quản ngại cứu giúp đưa con người bình an vào bờ. Lòng dân cảm kích, thờ phụng Nam hải Đại tướng quân, suy tôn là “cá Ông”. Khi cá Ông “thác”, người dân không quên đưa ông vào bờ an táng, lập dinh thờ phụng.
Những ngôi mộ hướng ra biển
Đến làng chài Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), không thể không ghé thăm Ngọc lăng Nam hải và Dinh ông Nam hải.
Theo lời kể của những bô lão trong làng, tục thờ cá Ông đã được tổ tiên của họ gìn giữ từ hàng trăm năm về trước, mộ Ông và Dinh Ông cũng được hình thành từ rất sớm. Ngư dân Bạch Quang Liễu (69 tuổi) đồng thời là Phó Ban tổ chức Dinh ông Nam Hải nhớ lại:
“Không biết cụ thể từ bao giờ, chỉ biết khi tui chào đời đã có mộ Ông, dinh Ông. Hồi trước, dinh và mộ còn khá sơ sài, chỉ là một miếu thờ nhỏ và một khoảng đất trống làm nơi chôn cất. Về sau, khoảng năm 1985, khi số lượng cá Ông lụy vào bờ nhiều, người dân mới di chuyển dinh vào sâu trong đất liền làm đền thờ, còn chọn một gò đất cao ráo rộng rãi giáp biển làm mộ”.
Nơi chôn cất cá Ông được lựa chọn xây dựng trên một gò đất cát cao, bằng phẳng cuối làng chài, bên bờ biển và hướng về mặt trời. Người dân ưu ái đặt tên là “Ngọc lăng Nam hải”, địa phương thường gọi là “mộ Ông”. Một bô lão giải thích: “Cá Ông là “vị thần” biển, nên nơi an táng Ông cũng phải đảm bảo những điều kiện linh thiêng, tôn quý”.
|
Di ảnh và tượng ba cá Ông được đặt nơi trang trọng nhất trong điện thờ chính |
Năm 2006, mộ Ông được sửa chữa, chính thức hoàn thành. Trên mảnh đất rộng khoảng 3.000 m2, nghĩa trang cá Ông được phân bố thành năm phần: Điện chính thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân, miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ an táng. Trong điện thờ chính, bức ảnh khổ lớn và tượng ba cá Ông nằm song song, hướng ra biển trang trọng.
Anh Lê Văn Châu (34 tuổi, người trông coi mộ) cho hay, người đi biển tương truyền có bốn loại cá Ông: Ông Kiềm, Ông Máng, Ông Chuông và Ông Cậu. Trong đó Ông Kiềm có đặc điểm phần mỏ khá dài, còn ba Ông Máng, Ông Chuông và Ông Cậu thì có phần đầu bằng hơn.
Anh Châu giải thích thêm: “Nhiều người thường nhầm lẫn cá Ông và Voi là một. Nhưng nếu quan sát kỹ, cá Ông sẽ có những đặc điểm khác. So với cá Voi, răng cá Ông có phần khít hơn, còn răng cá Voi lại hở. Phần bụng cá Ông màu hồng còn bụng cá Voi có màu trắng. Một kinh nghiệm khác được lưu truyền, khi cá Ông lụy những loài vật côn trùng như ruồi nhặng tuyệt nhiên không dám bám vào bởi là loài cá “thần” linh thiêng.”
Ở khu nghĩa trang này hiện có khoảng hơn 70 ngôi mộ chưa cải táng. Tất cả những ngôi mộ đều có hướng nhìn ra biển. Đầu mộ đều có bát hương và bia đúc bê tông ghi rõ những thông tin “Nam hải chi mộ” cùng ngày tháng năm Ông “lụy”, ghe đưa vào bờ.
|
Cổng vào Ngọc lăng Nam hải |
Ngoài ra tại Dinh Ông Nam Hải đang lưu trữ khoảng 400 bộ hài cốt của cá Ông. Dù tục táng cá Ông vẫn được lưu giữ ở nhiều làng chài khác trên đất nước nhưng Ngọc lăng Nam hải được xem là nghĩa trang độc nhất vô nhị, bởi đặc điểm an táng tập trung, khác với những nơi khác chỉ chôn cất rải rác dọc bờ biển. Năm 2011 trung tâm Sách kỷ lục đã trao bằng công nhận nơi đây là “Nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam”
Nghi lễ trang trọng
Ở Việt Nam, ít có địa phương nào lại có mật độ đền thờ cá Ông nhiều như ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Dọc bờ biển nơi đây đã có đến 10 ngôi đền thờ cá Ông. Trong đó Ngọc lăng Nam hải và Dinh Ông Nam hải đã được công nhận là nghĩa trang lớn nhất tính cả quy mô lẫn số lượng hài cốt đang lưu giữ. Đặc biệt hơn, người dân Phước Hải trân quý cá Ông như một vị thần biển. Khi cá lụy, người dân tổ chức an táng với những nghi lễ trang trọng như tiễn đưa người thân của mình.
Ông Liễu cho hay: Khi nhận được tin báo của người dân phát hiện cá Ông lụy, ban tổ chức dinh Ông cũng như mộ Ông sẽ chuẩn bị trống, chiêng, xe đẩy, thuyền nhanh chóng ra bờ biển “nghênh” Ông về. Người phát hiện Ông đầu tiên sẽ được phong là trưởng nam, trực tiếp thực hiện những nghi lễ dâng hương. Qúa trình an táng có thể kéo dài từ 1 - 3 ngày.
|
Khu an táng cá Ông trong khuôn viên Ngọc lăng Nam hải hiện còn khoảng 70 ngôi mộ chưa cải táng |
Sau nghi lễ, Ông sẽ được chôn cất ở mộ. Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn, người dân để tang Ông trong vòng 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, trưởng nam vẫn thường xuyên nhang khói. Sau 3 năm, đến ngày 12/2 âm lịch cốt Ông được bốc và làm lễ dâng vào dinh để thờ. Do vậy, mộ Ông và dinh Ông nói 2 nơi khác nhau nhưng là một.
Giải thích lễ an táng cá Ông, ngư dân quan niệm từ xa xưa, Phật bà Quan thế âm Bồ Tát được Phật Tổ Như Lai ban cho chức Nam hải Bồ Tát để độ trì, cứu nạn con người trên biển cả. Phật bà xé chiếc áo cà sa thành hàng vạn mảnh rải khắp biển khơi, hóa phép thành loài cá to lớn và phong cho tước hiệu Nam hải Đại tướng quân.
Mỗi khi có thuyền bè gặp nạn, ngư ông Nam hải đều không quản ngại cứu giúp đưa con người bình an vào bờ. Lòng dân cảm kích, thờ phụng Nam hải Đại tướng quân trong lòng, suy tôn là “cá Ông”. Khi cá Ông “thác”, người dân không quên đưa ông vào bờ an táng, lập dinh thờ phụng.
“Biển cả đầy rẫy những mối hiểm nguy, nhiều người đi biển không may gặp cơn sóng dữ, thuyền bè bị đánh chìm. Trong lúc nguy cấp chỉ cần chắp tay, thành tâm khấn vái cầu xin Ông, ngay lập Ông sẽ đến tương trợ, dìu vào bờ. Đã từng rất nhiều người gặp nạn giữa mênh mông biển nước, đến khi mở mắt thấy đã dạt vào bờ mới tin mình thoát chết. Giữa biển cả, chỉ có Ông mới là người bạn thân thiết sẵn sàng bảo vệ con người”, ông Nguyễn Văn Được (59 tuổi, ngư dân làng chài Phước Hải) nói.
Ông Được kể thêm: “Không phụ lại lòng tin, sự kính trọng của con người, cá Ông luôn làm tất cả để cứu người dù phải hi sinh. Rất nhiều Ông vì giúp người vào bờ mà lụy vì kiệt sức. Còn nếu Ông đã nghe thấy lời cầu cứu nhưng không đến trợ giúp kịp thì Ông sẽ tự sát trả lại sinh mạng cho Quan Âm, bởi không làm tròn sứ mệnh bảo vệ loài người...
|
Ngư dân Bạch Quang Liễu, đồng thời là phó ban tổ chức dinh Ông, cho hay đức tin về cá Ông đã có từ thời tổ tiên |
Những ngày Ông lụy, trời đất biển cả đều u ám, không một tia nắng, biển dậy sóng như khóc thương. Những ngày đó, ngư dân dù có dong buồm cũng không bắt được một con cá nào. Mãi đến khi xong nghi lễ an táng, Ông được mồ yên mả đẹp, trời đất mới trở lại yên bình, cá tôm lại về”.
Với đức tin về sự giúp đỡ của cá Ông như vậy, ngư dân coi cá Ông là vị thần hộ mệnh giữa biển khơi, giúp vượt qua những hiểm nguy, sóng gió, đồng thời phù hộ cho ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, khi trở về tôm cá đầy khoang, có thêm dũng khí giúp vượt lên những khó khăn chông gai trong cuộc sống đời thường.