Dẫu dành trọn cả đời dưới trướng chúa Nguyễn mà “tạo tác” xứ Đàng Trong, nhưng quê hương bản quán của quan họ Đào, lại không phải ở đất này mà thuộc về vùng đất xứ Thanh nơi phát tích các dòng vua, chúa nước Việt.
Thông minh xuất chúng
Dòng dõi của Đào Duy Từ được Việt sử mông học ghi lại là:
Thanh Hóa có Duy Từ,
Vốn là dòng ca vũ.
Đã có tài thông minh,
Lại đọc nhiều sách vở.
Ghi chép về ông, Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay, Đào Duy Từ “người huyện Ngọc Sơn (tức huyện Tĩnh Gia – người dẫn chú), Thanh Hóa. Duy Từ là con nhà xướng ca Đào Tá Hán”. Trong Đào tộc phổ hệ, tông tộc họ Đào được nói đến kỹ hơn khi cho hay ông nội Đào Duy Từ là Đào Duy Trung, còn mẹ Duy Từ là Nguyễn Thích Mạch.
Cha của Từ, vốn là một ca công, lấy điệu múa, tiếng hát làm nghiệp. Ấy nhưng, cái nghiệp hát ấy, sau chính là nguyên nhân ngăn đường tiến thân của Từ, và vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, cũng vì thế, mà mất đi một nhân tài cho cừu địch là chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Việt Nam khai quốc nguyên huân chí truyện còn cho ta biết rằng, khi Đào Duy Từ được 21 tuổi, thì cha mẹ nối nhau qua đời. Dù sách này, thực ra là tiểu thuyết lịch sử, có đôi phần không đúng so với sự thực, nhưng đây cũng là chi tiết để lưu tâm. Phần dị biệt khác, lại trong Hổ trướng khu cơ đời sau in, khi ghi về tiểu sử của Từ, cho rằng cha Từ mất từ năm Từ lên 5.
Dẫu là con nhà hát xướng (và quả thật, sau này cội gốc ca hát của ông vẫn phát tiết để rồi Đào Duy Từ trở thành ông tổ hát bội) nhưng như ghi chép trong Việt Nam nhân vật chí vựng biên, Đào Duy Từ tỏ ra là một tranh anh tuấn khác thường, bởi “bản tính thông minh học rộng kinh sử, văn hay lại thông tinh lịch số”.
Cái tài năng thiên bẩm của họ Đào, cứ xem Nam triều công nghiệp diễn chí (cũng là Việt Nam khai quốc nguyên huân chí truyện đấy thôi) được Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) sống sau Đào Duy Từ chẳng cách xa là bao, ngợi ca là “bẩm tính thông minh sáng trí, thông hiểu sự tích cổ kim, các sách Ngũ kinh, Chư sử, kinh Thư không sách nào không đọc.
Hiểu rộng tam giáo cửu lưu, mà về thơ văn từ phú lại càng tinh xảo. Nếu không phải là người có tài xuất quỷ nhập thần, những bậc trí giả giúp nước phò vua, thì học giả trong thiên hạ không ai có thể sánh kịp. Vì thế người ta suy tôn khen ngợi cho là Gia Cát tiên sinh ngày nay vậy”.
Ảnh vẽ cụ Đào Duy Từ |
Thân phận “xướng ca”
Những tưởng tài năng xuất chúng như thế, sau này đường quan trường của họ Đào sẽ thênh thang rộng bước. Ấy vậy mà… trời dễ đâu chiều lòng người. Tuấn kiệt thì thường bị thử thách để mà bộc lộ ra cái khí chất, tinh hoa riêng vậy, Đào Duy Từ cũng không ngoại lệ.
Khi Đào Duy Từ dự thi Hương ở Đàng Ngoài, khảo quan nhà Lê loại Đào bởi lệ thi xưa thời Hậu Lê, những tội nhân hay hạng hát xướng cùng con cháu không được dự nghiệp bút nghiên, cho nên mặc dầu họ Đào thông hiểu kinh sách là thế, vẫn bị loại như thường.
Cho đến giờ, cái câu thành ngữ “xướng ca vô loài” vẫn còn đó, ý chỉ nghiệp cầm ca chỉ để mua vui cho thiên hạ, không được coi trọng. Cái năm mà họ Đào lều chõng đi thi rồi bị hắt hủi ấy, trong Đào Duy Từ khảo biện, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch qua việc truy tầm, cho rằng đó là năm Nhâm Thìn (1592) đời vua Lê Thế Tông. Vua quan nhà Lê, Trịnh ngờ đâu, mình tự đánh mất một viên ngọc quý khỏi tay áo.
Bị ngăn đường tiến thân, và hẳn số phận sẽ phải an bài không bao giờ được thay đổi danh phận nếu cứ ở mãi đất Đàng Ngoài, Đào Duy Từ liền thay đổi chí hướng, tạo lập bước lập danh khác cho mình: Nam tiến.
Cái chí Nam tiến ấy, cũng có căn nguyên cả đấy, chứ chẳng phải Đào Duy Từ nhắm mắt làm bừa để cầu may đâu. Phần vì buồn bởi không được trọng dụng, lại thêm phần “Nhân vì Lộc Khê (tước hiệu của Đào Duy Từ khi thành danh – người dẫn chú) từng nghe người ta đồn rằng chúa xứ Nam là Thụy quận công trấn thủ ở Thuận Hóa rộng ban ơn đức, phong độ gần được như là Nghiêu Thuấn, mà chính sách cầu hiền chọn giỏi thì phỏng theo đời thịnh Đường, Ngu, danh tiếng vang khắp gần xa, hào kiệt khắp nơi tìm đến. Lại thêm xứ giàu dân thịnh, gió thuận mưa hòa, có cảnh tượng của thời đế vương mới dấy, lâu dài về sau ắt thành nghiệp lớn”. Bởi vậy, chí Nam tiến mới quyết.
Chuyến Nam tiến của họ Đào, cứ như ghi chép trong Danh nhân đất Việt, thật khó khăn muôn phần vì ngăn sông cách núi, vì quan phòng nghiêm ngặt: “Vào tới sông Gianh, địa giới phân chia xứ Bắc và Nam (Bắc chúa Trịnh chiếm cứ, Nam chúa Nguyễn xưng hùng) quân canh khám ngặt lắm không sao vào lọt. Từ đành chờ đến đêm lấy ống tre làm phao mà sang sông”.
Vào đến đất Đàng Trong rồi, cơ hội diện kiến chúa Nguyễn đâu phải dễ. Khi đến Vũ Xương, ở đó hơn một tháng mà chưa ai biết đến. Nhân tài không chịu bó gối chờ đợi, thế là vị quan tương lai của chúa Nguyễn tính cách khác.
Ẩn phận chăn trâu cắt cỏ
Để tìm cơ hội đường đường chính chính mà diện kiến Nguyễn chúa, Đào Duy Từ nghe ngóng tình hình, và như Liệt truyện cho hay “Nghe nói, Quy Nhơn khám lý là Trần Đức Hòa được chúa tin yêu, bèn vào Quy Nhơn nương nhờ một nhà phú ông ở xã Tổng Châu (Tùng Châu) làm việc chăn trâu”.
Lại như Việt Nam nhân thần giám có cho biết, khi chăn trâu, họ Đào thường ngâm ngợi bài Ngọc Long cương, ngầm ví như ông Gia Cát Lượng, nên ông Trần Đức Hòa biết là người tài, mà giới thiệu cho chúa Nguyễn. Viết là vậy, mà chuyện cũng dài chứ chẳng đơn giản thế thôi đâu.
Chăn trâu đấy, nhưng thực ra là ẩn mình chờ cơ hội. Và cơ hội ấy cũng tới, để họ Đào được dịp thể hiện tài năng của mình, như Việt Nam nhân vật chí vựng biên có thuật lại: “Một hôm ông chủ nhà đặt tiệc rượu, mời các bạn văn sĩ đến ngâm vịnh chơi vui.
Đào Duy Từ vì là con nhà hát không được thi |
Chiều đến Duy Từ lùa trâu về tay đương cầm roi, đứng trước các văn sĩ bàn luận việc cổ kim, kinh sử bách gia, điều gì cũng thông suốt, cử tọa ai cũng kinh ngạc. Ông nhà giàu lấy làm lạ, rồi nói với Đức Hòa, Đức Hòa vời Duy Từ đến nói chuyện”.
Vậy là cơ hội diện kiến vị quan có uy tín của chúa Nguyễn đã đến. Quan Trần Đức Hòa, không chỉ được sử nhà Nguyễn ngợi ca, mà đến ngay cả người phương Tây diện kiến ông cũng lấy làm vinh hạnh được ông giúp đỡ.
Trong Xứ Đàng Trong năm 1621, Linh mục Cristophoro Borri ngợi ca quan họ Trần là người đức độ, tận tâm, không phân biệt, đối xử miệt thị giữa lương và giáo. Thế nên, không ngạc nhiên khi họ Đào tìm được đúng người mà gặp gỡ, tiến triều.
Vẫn Việt Nam nhân vật chí vựng biên cho biết, khi hai họ Trần-Đào gặp gỡ, thấy Đào Duy Từ là người học rộng biết nhiều, quan Trần Đức Hòa nhận thấy đấy là một tài năng hiếm có ở đời, nên đem lòng cảm mến, giữ lại trong nhà và gả con gái cho: “Duy Từ thường ngâm thiên Ngọa Long cương làm bằng quốc âm, mà tự ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng. Đức Hòa thấy rồi nói: Duy Từ e là Ngọa Long đời nay chăng?”
Bởi vậy nên sau một thời gian kiểm chứng, như ghi chép của Việt sử yếu “Trần Đức Hòa biết Đào Duy Từ là người có tài, nên tiến cử lên Hiếu Văn đế (tức Nguyễn Phúc Nguyên – người dẫn chú), và đế phong cho Từ làm chức quan Nội tán”. Cuộc gặp gỡ giữa chúa hiền, tôi giỏi ấy, cũng đáng phải trình bày ra cho rõ ở kỳ sau, để biết anh hùng tương ngộ cũng là nhân duyên. Năm ấy, là năm Đinh Mão (1627)...