Chuyển nghề vì... muốn mang lại công bằng cho người bệnh

Từ một sinh viên sư phạm, chàng trai xứ võ Bình Định Nguyễn Xuân Vinh quyết tâm ra Bắc theo học tại Đại học Y Hà Nội và trở thành một điều dưỡng viên tận tâm với nghề. Khi đã ở vị trí của một trưởng khoa, anh vẫn chỉ nhận mình là một hạt cát, một mảnh domino bé nhỏ.

Từ một sinh viên sư phạm, chàng trai xứ võ Bình Định Nguyễn Xuân Vinh quyết tâm ra Bắc theo học tại Đại học Y Hà Nội và trở thành một điều dưỡng viên tận tâm với nghề. Khi đã ở vị trí của một trưởng khoa, anh vẫn chỉ nhận mình là một hạt cát, một mảnh domino bé nhỏ.

“Hãy coi bệnh nhân như người bạn, người thân của mình…”

Lý do chuyển ngang từ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn sang học trường y, với Vinh chỉ đơn giản là vì trong quá trình chăm sóc mẹ tại bệnh viện (BV), anh thấy người bệnh vẫn chưa thực sự được đối xử một cách công bằng. Và một câu hỏi đặt ra: Tại sao mình lại không học ngành y?.

Chọn trường xong lại tiếp tục chọn nghề. Với suy nghĩ, mục đích cuối cùng của ngành y chính là người bệnh, trong khi đó khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay lại là các dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân vẫn chưa được bảo đảm…, Vinh quyết định chọn ngành điều dưỡng.

Để theo đuổi được việc học hành ngoài Bắc, Vinh đã phải làm đủ thứ việc, từ bán bánh mì, quần áo rong, dạy thêm… Cuối cùng ước nguyện của anh đã đạt được bằng chính mồ hôi, nước mắt và sự phấn đấu không biết mệt mỏi của mình.

Từ ngày đầu tiên bước chân vào Khoa khám bệnh, BV Việt Đức, điều dưỡng Vinh đã tâm niệm phải nỗ lực đến cùng để phục vụ tốt nhất cho các bệnh nhân của mình. Bởi vậy, anh luôn coi “bệnh nhân là người bạn, người thân của mình” để có cách ứng xử thích hợp, với quan điểm: Đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết và phải “xử đẹp” để giải quyết mọi mâu thuẫn trong công việc.

 Để làm được điều này, bản thân anh luôn tự hỏi: Mình đã thực sự hiểu họ chưa, đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?.

Qủa thật, hiếm có một điều dưỡng, nhân viên y tế nào lại có thái độ ứng xử nhã nhặn với bệnh nhân, người nhà họ và chăm sóc chu đáo với bệnh nhân như thế. Theo chân anh gần nửa ngày tới các phòng bệnh, tôi thực sự cảm nhận được sự tận tâm và nhiệt thành của anh đối với họ. Cũng trong câu chuyện rời rạc và đứt quãng trong quá trình đi theo anh thăm bệnh nhân, tôi được nghe anh kể về trường hợp một cô bé 16 tuổi đang là sinh viên một trường đại học lớn ở Hà Nội bị xe ô tô cán tải cán nát một nửa bộ phận cơ thể.

Là người trực tiếp gần gũi và thường xuyên chăm sóc cho bệnh nhân, Vinh không thể cầm nổi nước mắt khi nhiều lần cô đau đớn chia sẻ: “Chỉ muốn có một lọ thuốc ngủ để tự tử cho xong…”. Là một người giàu tình cảm, Vinh không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh ngộ của cô bé. Và rồi, những động viên chân tình của anh đã vực cô đứng dậy… Giờ đây, họ đã trở thành những người bạn thân thiết của nhau.

Cô bé không phải là trường hợp duy nhất nhận được sự động viên, chia sẻ của điều dưỡng Vinh, rất nhiều người bệnh đã được đón nhận những tình cảm và sự chăm sóc như thế. Để rồi, khoảng cách giữa cái chết và sự sống được rút ngắn lại, để rồi hy vọng và niềm tin vào cuộc sống lại trỗi dậy và trở về.

Còn Vinh, anh cũng “nhận được rất nhiều yêu thương và lòng biết ơn, sự cảm phục từ phía người bệnh”. Nó giúp anh thấy “gần gũi hơn với họ và thêm gắn bó, say mê với công việc mà mình đã chọn”.

“Sống có lý tưởng, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn…”

Sắp xếp ổn thỏa mọi công việc, bên tách cafe ấm nóng, cũng là bữa ăn trưa của mình giữa một buổi trưa đầu đông se lạnh của Thủ đô, Vinh tiếp tục kể cho tôi nghe về công việc mà anh yêu thích và đam mê cũng như những triết lý về cuộc sống của anh.

Theo Vinh: “Trong cuộc sống phải biết ứng xử!”. Ví dụ, trong lĩnh vực tai nạn giao thông. Nếu chúng ta tận dụng được sức mạnh của niềm tin, bác ái, cộng với sự giáo dục con người, hành vi, nhân cách…, mọi thứ sẽ thay đổi. Với niềm tin này, mặc dù không có đồng tiền dự án nào hỗ trợ, cũng chẳng phải việc của mình nhưng điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh vẫn miệt mài lên mạng tra cứu thông tin; tìm kiếm các bài viết, dòng tin tức trên các tờ báo để làm một nghiên cứu của riêng mình về tình hình tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, anh còn lặn lội đến thăm nhà từng bệnh nhân mà mình đã chăm sóc để xem những hậu quả to lớn về tinh thần và vật chất mà tai nạn giao thông đã để lại…, để tìm cho được câu trả lời: Tại sao các vụ tai nạn giao thông lại xảy ra nhiều thế, nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn giao thông, và phải làm gì để giảm bớt và đẩy lùi tai nạn giao thông?.

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi (ngày nghỉ, lễ, Tết…), anh lại theo các bạn bè, đồng nghiệp… rong ruổi đến những vùng sâu, xa, miền núi… để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và thực hiện nhiều hoạt động xã hội, từ thiện khác.

“Hãy sống có lý tưởng và trách nhiệm với con người. Sống có lý tưởng, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn!”, Vinh quan niệm như vậy. Và anh háo hức, dồn hết tâm sức để thực hiện những lý tưởng và hoài bão của mình.

Luôn sống, suy nghĩ cho người khác và đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa nhưng Điều dưỡng trưởng Khoa Tim mạch, BV Việt Đức Nguyễn Xuân Vinh vẫn chỉ coi mình là “một hạt cát hay một mảnh domino bé nhỏ”… Vinh cũng không cần mọi người biết anh là ai, và ở đâu, quan trọng “là những hiệu quả và ý nghĩa công việc mà mình làm là gì?”, anh khẳng định.

Lâm Quỳnh

Đọc thêm