Có một người đã tình nguyện hy sinh cả cuộc đời mình, cùng với gia đình và bạn hữu lập nên một nghĩa trang dành cho những hài nhi xấu số bị bỏ rơi. 20 năm trời, anh đã không quản vất vả và cả những điều tiếng của người đời, tình nguyện phá bỏ dần những cánh rừng tràm của gia đình để nhường chỗ yên nghỉ cho các hài nhi xấu số. Đó là anh Trương Văn Năng - người trông nom Nghĩa trang Anh Hài ở xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
|
Anh Năng đang thắp hương để sưởi ấm tâm hồn những thai nhi xấu số ở Nghĩa trang Anh Hài. |
20 năm, như một lời nguyền!
Tọa lạc trên vùng đồi núi xanh tươi ở thôn Ngọc Hồ nằm bên dòng sông Hương hiền hòa, cách trung tâm thành phố Huế hơn 10km về phía Tây, Nghĩa trang Anh Hài cũng như bao nghĩa địa khác ở Huế, cũng với những phần mộ được xây cất đàng hoàng, ngay ngắn, chỉ có một điều khác duy nhất là trên những tấm bia mộ không có tên và vẻn vẹn là những con số ghi lại ngày tháng mà các thai nhi được nhận về chôn cất.
Đã 20 năm trôi qua kể từ ngày thai nhi đầu tiên được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang Anh Hài, đến nay nơi này đã trở thành một nghĩa trang rộng lớn với hàng vạn ngôi mộ, bao phủ cả một vùng đồi núi. Đó cũng là khoảng thời gian mà những người như anh Trương Văn Năng, Tống Viết Lợi và còn nhiều người nữa đã tình nguyện gắn bó với những số phận hài nhi không may mắn bị cha mẹ ruồng bỏ. Họ không mảy may có một lời than phiền hay chán nản.
Cứ vào mỗi buổi chiều hàng ngày, anh Năng hoặc anh Lợi thay phiên nhau đến những “điểm” thu nhận thai nhi để đưa về chôn cất tại nghĩa trang. Xin nói qua về những điểm thu gom thai nhi xấu số, là do những tình nguyện viên tự nguyện tham gia làm công việc thu gom các thai nhi bị chết, bị vứt bỏ ở các bệnh viện, sau đó họ gọi điện cho anh Năng, anh Lợi đến đem về chôn cất.
Nghĩa trang Anh Hài được xây cất trên núi ngay phía sau nhà anh Năng để tiện cho việc chăm nom. Không chỉ có anh Năng mà cả gia đình anh đều tích cực, một lòng thay nhau chăm sóc, những khi anh Năng đi vắng thì đã có vợ hoặc các con anh đưa các thai nhi đi chôn cất. Họ cũng là những thành viên rất tích cực hỗ trợ cho anh Năng, bởi anh không thể một mình cáng đáng được.
Chính sự đồng lòng ủng hộ của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho anh hoàn thành tốt nghĩa cử cao đẹp. Mặc dù công việc của anh Năng và những người bạn đó không được trả thù lao hay ghi nhận bằng những bằng khen nhưng họ vẫn làm chỉ vì tình thương dành cho những hài nhi xấu số. Được biết, anh Trương Văn Năng là một giáo dân nên anh luôn tâm niệm phải hoàn thành trách nhiệm của một giáo dân là sống tốt đời, đẹp đạo.
Cùng với việc tăng lên về số lượng những bào thai được đưa về an táng là sự cần thiết của việc mở rộng diện tích của nghĩa trang. Cũng vì vậy mà những cánh rừng tràm của gia đình anh Năng đang chăm sóc cũng dần hẹp lại để lấy chỗ yên nghỉ cho các em. Nhìn những cánh rừng tràm xanh tốt mà gia đình anh đã bỏ công sức, tiền của để chăm sóc phải chặt bỏ đi, anh Năng cũng đau lòng lắm, nhưng tự nhủ sự hy sinh đó của mình có thể đem lại sự ấm áp cho các hài nhi xấu số, anh Năng cũng cảm thấy ấm lòng hơn...
20 năm trôi qua như là một sự sắp đặt sẵn của số mệnh, công việc này đã và vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với anh Năng, gia đình và những người bạn. Họ vẫn sẽ tiếp tục với công việc đầy tính nhân văn mà chỉ những người có tâm, có tấm lòng bao dung mới có thể thực hiện được. “Các em không có tội gì mà lỗi lầm chính là từ những người đã tạo nên các em. Chúng tôi chỉ muốn góp một phần công sức của mình cùng xã hội làm dịu bớt nỗi đau cho những sinh linh nhỏ bé mà thôi” - anh Trương Văn Năng bùi ngùi tâm sự.
Nỗi niềm trăn trở của người quản trang
Chỉ tay vào cuốn sổ ghi chép ngày tháng các em được đưa về an táng tại nghĩa trang đang ngày một dày thêm theo năm tháng, anh Năng tâm sự: “Các em không có được cái tên như những đứa trẻ bình thường khác, dù đó là cái quyền cơ bản của một đứa trẻ khi mới sinh ra. Tên các em chỉ là những con số “ngày ... tháng... năm” ghi trên cuốn sổ và trên bia mộ mà thôi. Chúng bị chính những bậc sinh thành bỏ rơi, các em quá thiếu thốn tình cảm...”.
Cùng chúng tôi thắp xong những nén hương để sưởi ấm phần nào tâm hồn các em, anh Năng chỉ tay về những ngôi mộ có ghi tên, tuổi, nơi sinh, anh Năng cho biết đó là do cha mẹ chúng đã tìm lên nghĩa trang để thăm mộ con mình, rồi đặt tên cho con. Theo anh Năng, cũng có những trường hợp là sinh viên yêu nhau rồi lỡ có thai, trong lúc bức bách thiếu chín chắn đã phá thai, bây giờ quay lại để thăm “giọt máu” mà mình đã bỏ rơi.
Họ cảm thấy rất ân hận vì việc làm sai trái nhưng bây giờ thì đã quá muộn để có thể sửa chữa. Cũng có nhiều trường hợp rất đáng thương, do gia đình đã có tới 4 đứa con gái rồi, cần đứa con trai để nối dõi tông đường, bây giờ đi siêu âm lại là gái, người mẹ bị buộc phải phá thai. Có cả những thai nhi do gái làng chơi không may mắn dính phải đã phá bỏ không chút thương tiếc. Nói chung, có rất nhiều trường hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng có một điểm chung đó là những thai nhi không được mong đợi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, mà lỗi lầm thuộc về những người đã tạo ra chúng.
Nghĩa trang Anh Hài là nơi yên nghỉ của gần 4 vạn thai nhi xấu số. Cứ trung bình mỗi ngày nghĩa trang đón nhận và chôn cất 7-8 thai nhi, mỗi tuần có từ 35-40 thai nhi, cứ nhân lên theo con số này thì mỗi năm có hơn 1.000 thai nhi xấu số.
Đây thật sự là một con số khủng khiếp khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ con số các bào thai bị phá bỏ hiện nay ở Huế nói riêng và trên cả nước nói chung. Đã đến lúc cộng đồng xã hội cần phải có một cái nhìn thật nghiêm túc, phải có những biện pháp giáo dục, ngăn chặn để hạn chế tình trạng nạo phá thai tràn lan như hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản mà còn xâm hại đến đạo lý, lương tâm của con người.
Điền Quang