Không biết tự bao giờ, những người lính tăng thiết giáp trong nỗi nhớ quê hương đất Bắc cồn cào, đã gọi nhau bằng cái tên “Quê” ngầm chỉ rằng ai cũng là anh em, là quê hương ruột thịt. Họ không còn tên riêng nữa, hoặc những tên riêng đó được đệm bằng “Quê” đầy thân thương và tha thiế: Anh Quê, thằng Quê, thủ trưởng Quê, đồng chí Quê…
|
Cài hoa tưởng nhớ đồng đội trên chiếc xe tăng anh hùng 377 |
"Tây Nguyên ơi"
Cuối cùng chúng tôi cũng tới Plâycần- ngã ba Đông Dương, điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ ác liệt. Nơi ấy, Mỹ đã chặn đường chi viện, cô lập bộ đội ta trong những mùa mưa đẫm rừng đẫm núi đầy gian khổ.
Con đường 14 trải dài, thênh thanh và vắng vẻ, chạy bên dòng Pô Cô hiền lành uốn lượn. Cuối năm Tây nguyên đã bước vào mùa khô nhưng dòng nước xanh trong, lòng sông khá hẹp, những rẫy màu, rẫy cà phê, rừng cao su xanh mát trải dài. Trời cao nguyên vời vợi, lác đác những đám hoa dã quỳ đong đưa trong gió.
Gần 40 năm, trở lại chiến trường, trên con đường thân thuộc một thời, họ lục trong trí nhớ những tên làng tên cứ địa, đâu là thôn Diên Bình, ấp Võ Định, thị trấn Tân Cảnh, Đồi 41, 42, điểm cao 601gần thị trấn Đắc Hà - còn có tên gọi là dốc đầu lâu.
Và đây, khu nghĩa trang năm 1972 nom như một ngôi làng nhỏ ấm cúng chính là trận địa bộ đội ta phải nằm vùi 3 ngày phục kích trong đó, cổ họng khát cháy tới mức các anh phải uống nước tiểu của chính mình... Nơi mà ngày ấy, tháng 4/1972 những người lính Tăng thiết giáp đã cùng đại quân tiến công đập nát tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum của Mỹ ngụy, góp phần giải phóng một miền đất rộng lớn làm hậu thuẫn cho đà tiến công của cách mạng Tây Nguyên.
Dừng trước tượng đài Chiến thắng Đăktô ngay phía Tây thị trấn huyện, những người lính lặng người trước tượng đài với cụm điêu khắc chiến sĩ Quân Giải phóng và những người dân buôn làng Tây Nguyên sát cánh bên nhau xông tới; mái nhà rông mềm mại cao vút bên rặng cây xanh tôn thêm vẻ hùng vĩ của bức phù điêu trên tượng đài. Tây Nguyên ơi! Tha thiết một thời hạt muối chia hai, quả bí bắp ngô của đồng bào cưu mang chiến sĩ.
Vào nghĩa trang Tân Cảnh, nhiều cựu binh đã òa khóc nức nở gọi tên đồng đội, đồng chí, những người bạn của mình. Cựu binh Phạm Thanh Hải (Thái Bình) nhớ lại trong nghẹn ngào: “Trong cuộc tấn công vào trung tâm phòng ngự của Tuyến phòng thủ này, chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã lập chiến công hiển hách và đi vào huyền thoại của lịch sử bộ đội xe tăng. Trong giây phút cam go quyết liệt xe 377 đã dũng mãnh một mình lao vào sào huyệt địch (sân bay Phượng Hoàng), bọn địch thấy 377 đơn thương độc mã liền tung10 xe tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây chiếc T54 của ta.
Cuộc đấu tăng một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Khi chiếc xe tăng này bị bốc cháy, trước mũi chiếc xe tăng này là 7 xác xe tăng địch nằm la liệt…”. Và chính ông Hải trong trận đánh này cũng bị máy bay địch gầm rú đuổi theo dọc đường băng và thả bom trên đầu. Khi xe bốc cháy, ông và hai pháo thủ may mắn kịp nhảy ra khỏi xe lao vào cánh rừng lau sậy cuối đường băng thoát chết trong gang tấc. Sau này, ông Hải còn có 2 lần lao ra khi xe bốc cháy hoặc nổ tung trong mịt mù bom đạn nữa…
Trận đánh ngày 24/4 này, sau 3 giờ đồng hồ dũng mãnh tấn công, đại đội tăng 7 với 9 cỗ T54 đã cùng Trung đoàn 66 anh hùng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tân Cảnh, giết hàng ngàn tên địch trong đó có tên đại tá cố vấn Mỹ và đại tá Lê Đức Đạt, bắt sống tên đại tá Vi Văn Bình cùng nhiều binh lính.
Đi qua những khu đồi A1, A2… Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại trận tấn công căn cứ Đắc Pét, ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt động 88. Đây là trận đánh hợp đồng binh chủng xuất sắc, bắt sống tên thiếu tá Võ Đắc Di và về phía đơn vị vẫn giữ được bảo toàn lực lượng.
Tuy nhiên, chiến lợi phẩm lúc đó của đại đội trưởng đại đội 9 Đoàn Sinh Hưởng là 2 cái chảo to của địch về cho anh em đơn vị nên dù thắng lớn nhưng đại đội vẫn không được khen thưởng. Sau này, với trận cầu Bông mở đường vào Sài Gòn, với sự dũng mãnh mưu trí của vị Đại đội trưởng khi đó, những vết xích xe tăng đầu tiên của đại đội 9 đã ào ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cùng năm đó, năm 1975, ông được phong danh hiệu Anh hùng khi 26 tuổi.
Thương nhớ khôn nguôi
Ngày ấy anh lính Đặng Văn Phong ( Hà Tĩnh) 17 tuổi lần đầu tiên xa mẹ vào chiến trường làm liên lạc viên cho Tiểu đoàn và thường phải tranh thủ đi lấy rau, lấy măng rừng về cho đơn vị. Ngày ấy, đi về phía Tân Cảnh, Kon Tum, Pleiku là đi về phía địch, về phía sự rợn ngợp của chiến tranh, nhưng chỉ ở phía đó mới có những vườn mít còn sót lại.
Có ngày anh đi tới vài chục km cũng chỉ lấy được 2 quả mít về chế biến bữa ăn qua ngày cho các thủ trưởng đơn vị, tới mức chiếc gùi đeo bên lưng đã đóng sẹo vào lưng.
Trên con đường đó, sự im ắng, khô khốc tới mức người lính trẻ có cảm giác ngay tới sinh linh bé nhỏ nhất cũng không thể sống nổi, một tiếng côn trùng nhỏ nhoi cũng không có. Và gốc đa thân thuộc của 40 năm trước vẫn còn đó, nơi anh thường dừng chân nghỉ trong những ngày mùa khô bỏng rát. Nơi đó trận sốt rét rừng sầm sập kéo tới, anh thường cố lê tới gốc đa nằm gục bên ba lô và cây súng chờ cho cơn sốt qua đi để bước tiếp.
Gốc đa năm xưa giờ đã lớn gấp đôi thưở nào. Nó quá đỗi thân thương với bao kỉ niệm bộn bề những năm tháng gian khó và bi tráng ở Tây nguyên của người cựu chiến binh này.
|
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng thăm lại mái nhà 273 |
Sau này trong ngày 30/4, giữa Sài Gòn ngày chiến thắng, anh nằm gục trên xe tăng, đồng đội tưởng anh đã hi sinh không kịp mang anh ra. May mắn, anh đã được một người dân thấy anh còn ngọ nguậy trong xe kịp đưa anh tới bệnh viện…
Và Tây Nguyên trong kí ức của người cựu binh lớn tuổi nhất, bác Lương Tùng- 80 tuổi ( Gia Lai), nguyên Chủ nhiệm Chính trị của Trung Đoàn 273 có mặt trong cuộc hội ngộ lần này không phải là những trận đánh oanh liệt và cao nguyên đỏ lửa những năm trước Hiệp định Giơ ne vơ mà ông nhớ nhiều lắm tình đồng đội như ruột thịt, ông nhớ cậu công vụ Chu Minh Xuyến (Hà Tây cũ) gắn bó với ông suốt 5 năm, tận tụy chăm lo từng bữa ăn đạm bạc, từng giấc ngủ cho ông.
Ngày đó, mỗi người chỉ được 1,5 lạng gạo đã bị mục, khi đãi đi chỉ còn lại rất ít nên chủ yếu phải độn sắn. Có lần, sau khi gạt hết sắn đi, chỉ còn non chén cơm nhỏ, tiểu đoàn trưởng nhường cho tiểu đoàn phó, rồi nhường tiếp cho chính trị viên trưởng phó… Và cuối cùng không ai đành lòng ăn chút cơm đó nên con gà đẻ khá nhiều trứng đã được hưởng cả.
Và ông nhớ tấm áo ấm mà đại tá Thảo ( nguyên chính trị viên đã đưa ông mặc trong những ngày rét mướt. Bởi ngày ấy, ông ở Tây Nguyên đã khá lâu, mỗi người chỉ có 2 bộ quần áo nên đã hỏng hết. Đại tá Thảo sau này vào gặp còn chiếc áo mới đã đưa cho ông và nói “thủ trưởng mặc cho ấm”.
Ông Đặng Đình Quang- Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 273 nhớ lại chiến dịch Hồ Chí Minh khi đêm 1/4 đánh xuống Tuy Hòa, được tin mật báo có một Tiểu đoàn địch đón trên cầu nên đơn vị được lệnh dừng lại để sáng hôm sau đi.
Suốt bao năm đằng đẵng ở rừng, từ những đêm hôm trước đã thấy ngọn Chớp Chà phía xa xa những người lính mừng vui khôn xiết khi được gặp bà con ở xã An Thạch, Thụy An ( Phú Yên) kéo ra đứng chật hai bên đường. Bà con có gì mang theo đó, những nắm cơm có tí thịt, tí cá, tí rau được chia tận xe cho quân giải phóng. Và sau rất nhiều năm mới được gặp các o du kích, nghe giọng con gái, thấy mái tóc con gái và nghe giọng nói dễ thương, trong trái tim những người lính rung lên bao cảm xúc- họ như thấy quê hương đất bắc đã ở rất gần rồi…
Sáng hôm sau, địch ở trên cầu xin hàng. Khoảng 10h, có một o du kích gọi đại diện bộ đội xe tăng đi lấy cơm. Ông Quang đi xuống một dãy phố. Ở đó, ông đã thấy các má già để sẵn rất nhiều cơm nắm. Ông hỏi: “Đây có phải phần cơm của chúng con không má?”. “Không, cơm các chú giải phóng trên kia. Đây là cơm của lính cộng hòa”. Rồi má chỉ: “Lũ lính cộng hòa ở bên kia đồi, chúng nó đã đầu hàng cả rồi. Chúng nó là lính cộng hòa nhưng đều chung dòng máu này thì đều là con của má”.
Có một điều gì đó len lỏi trong tim, những giá trị nhân văn mà người lính trẻ không thể ngờ tới, quá đỗi lớn lao và sâu thẳm…
Đi về phía mặt trời
Với những cựu binh 20 thưở nào, chiến tranh buộc họ phải đi qua những năm dài đạn lửa- lịch sử không cho họ quyền lựa chọn. Tuổi 20, bỏ dở luống cày, cây bút và trang sách còn bỏ ngỏ, họ đi qua những cánh rừng ngàn tuổi, đi qua mùa đạn bom, đi về nơi các cơn sốt rét rừng hành hạ, đi về nơi mà câu hỏi nào của người lính cũng có thể là lời vĩnh biệt.
Ngày ấy, đêm Tây nguyên chim kêu vượn hú, ngày tây nguyên mùa mưa nước chảy trắng rừng. Mùa khô nắng nứt cả đá. Khát nước, vắt chuối rừng lấy nước. Đói cơm, măng rừng rau dại thay cơm. Những trận sốt rét rừng chung chăn, chia nhau viên thuốc, nước suối rau rừng đi hết tuổi thanh xuân. Họ nhớ lắm những ngày nấu cơm thiếu gạo độn nụ cười, nấu canh nhạt muối nêm câu hát…
Và chẳng biết tự bao giờ, những người lính tăng thiết giáp trong nỗi nhớ quê hương đất bắc cồn cào, đã gọi nhau bằng cái tên “ Quê” ngầm chỉ rằng ai cũng là anh em, là quê hương ruột thịt. Họ không còn tên riêng nữa, hoặc những tên riêng đó được đệm bằng “Quê” đầy thân thương và tha thiết. Anh Quê, thằng Quê, thủ trưởng Quê, đồng chí Quê… Quê Hùng, Quê Nam…
Nhìn những cựu binh từ khắp mọi miền đất nước mừng mừng tủi tủi trong ngày vui hội ngộ, ít ai ngờ tới phía ngoài vẻ bình dị đời thường kia, họ từng là những người lính thép lẫy lừng một thưở… Sau 40 năm, những hoang tàn, đổ nát năm xưa, những rừng thiêng nước độc tưởng như cũng đã xa lắm. Những thị trấn Đắc Tô, Đắc Hà, Kon Tum… trên cao nguyên lộng gió đẹp mê hồn như chưa hề biết tới đau thương…
Miên Thảo