Một làng chài bé nhỏ ở cửa biển Hòa Duân (huyện Phú Vang- TT Huế) sau đêm đại hồng thủy năm 1999 bị xóa sổ. Cảnh tượng tang thương kiệt quệ chưa từng thấy bao bọc trên từng nét mặt người đói ăn, khát uống, mất người thân, thiệt hại toàn bộ tài sản. Sau mỗi chuyến về thăm của Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, làng Rồng dần “thay da đổi thịt”. Nhưng cảm giác bồi hồi khi ôn lại chuyện về người khai sinh ra tên làng vẫn còn nguyên…
|
Bác Phiêu chụp ảnh lưu niệm với bà con làng Rồng |
“Cổ tích” làng Rồng
Một lần trong chuyến làm việc ở Thừa Thiên Huế, khi hay tin có một ngôi làng ở đập Hòa Duân gặp nạn, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã gác việc để tới nơi tận mắt thấy tai nghe thăm hỏi, động viên bà con đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. “Chứng kiến hàng trăm người già mất con, trẻ nhỏ bơ vơ đứa không cha đứa không mẹ, ông đã không cầm nổi nước mắt.”, một bô lão trong làng bồi hồi nhắc lại.
Đầu năm Quý Tỵ, Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã về thăm Trường Mầm non Thị trấn Thuận An. Bác đã tặng quà cho cô và trò của trường. Sáng 26/2, nhân dịp Ngày Thầy Thuốc Việt Nam bác Phiêu cũng đã dành thời gian gặp gỡ cán bộ y bác sỹ bệnh viện Trung Ương Huế. Thăm hỏi về tình hình phát triển, những vướng mắc hiện tại, chúc cho các thầy thuốc luôn lấy tâm đức làm trọng khi hành nghề. Đồng thời, mong muốn bệnh viện có sẽ tiếp tục tiến xa hơn trong nghiệp cứu chữa người, không bó hẹp trong một vài khoa nào. |
Tổng Bí Thư hỏi: “Tên làng là gì?”. Mọi người ai nấy buồn rượi báo cáo bác làng mới nên còn chưa có tên. Bác Phiêu ân cần hỏi: “Nên đặt tên cho ngôi làng là gì?”. Mọi người hội ý rồi nhất loạt đồng ý: “Nên đặt tên làng là làng Lũ”.
Bác phân tích, tên Lũ cũng hợp tình hợp lý vì Lũ nên mới có nơi an cứ mới như bây giờ. Nhưng nếu dùng tên làng Lũ thì không vui vì người dân cứ bị ám ảnh lũ lụt, gợi nhớ những chuyện buồn.
Sau một vài phút suy ngẫm, tên làng Rồng ra đời với ý tưởng của bác là đón năm Rồng. Mong muốn làng sẽ vươn cao vươn xa, ngày càng phát triển như biểu tượng của loài linh vật ấy.
“Bà con ai đồng ý vỗ tay?”. Tiếng vỗ tay râm ran không ngớt, như một tín hiệu của sự vực lại sức sống cho ngôi làng vừa tiều tụy đi qua “cơn thịnh nộ của Thủy tinh”.
Nặng ân tình
Nhà sinh hoạt cộng đồng – nơi tránh bão lũ làng Rồng chiều 25/2 ấm áp tiếng nói cười khi có người khai sinh ra tên làng về thăm. Bác Phiêu hỏi han từng người và căn dặn: “Làng Rồng là làng văn hóa. Văn hóa thì tinh thần có rồi, phải làm sao cho vật chất người dân đỡ ra. Song hành vật chất và tinh thần thì văn hóa mới bền vững được”.
Lãnh đạo thôn cho biết, hiện làng Rồng chỉ còn chưa đầy 3% hộ nghèo nghĩa là giảm đáng kể so với khi mới chuyển tới lên con số này là 40%. 14 năm qua, dù bận trăm công ngàn việc dẫu tuổi đã 83 song năm nào bác Phiêu cũng sắp xếp không nhiều thì ít thời gian về để được thấy đời sống bà con năm nay khác năm ngoái thế nào.
|
Nguyên Tổng Bí Thư thăm và trao quà cho làng Rồng. |
Dịp Tết đến, bà con luôn nhận được lời chúc, nhận quà của bác. Những món quà như mứt, bánh, kẹo… làm nên không khí ấm cúng của mùa xuân ân tình.
Mọi người ôn lại: “Một lần, bác về hỏi bà con có nguyện vọng gì không, nói bác nghe?. Bà con làng Rồng hào hứng bày tỏ: “Chúng cháu chỉ ước mong có một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng”. Bác hỏi: “Thế ngôi nhà khoảng bao nhiêu tiền”?. Mọi người đáp khoảng 100 triệu đồng.
Trở về Hà Nội với trăn trở về nguyện vọng giản dị của người dân xứ biển, bác nói với con cái cùng quyên góp được số tiền 100 triệu đồng. Bác nhờ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao cho bà con xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nơi mà hôm nay bác đang về đây đứng ngồi trò chuyện trong xúc động trào dâng.
Bảo Hòa