Mẹ hiện đại, bà “ngàn xưa”
Hiền Anh, một cô bé sống trong gia đình cùng ông bà và bố mẹ tại Hà Nội. Cô chia sẻ, khi đã qua tuổi dậy thì, cô nhận thấy gia đình là một môi trường hết sức đặc biệt. Và cô thấy thật may mắn khi có được sự quan tâm và hướng dẫn của mẹ, người bạn cũng là người thầy của cô trong quá trình thay đổi của cơ thể.
Trong gia đình, mẹ luôn là người gần gũi và quan tâm đến con cái. Đặc biệt với cô là con gái, mẹ rất chú ý đến việc dạy dỗ cách ứng xử cũng như chú trọng đến vấn đề giáo dục giới tính cho con. Từ khi còn bé, mẹ đã dạy Hiền Anh rất cẩn thận về cách vệ sinh thân thể.
Lớn lên chút nữa, khi học hết lớp 5, mẹ mua các loại sách báo và các câu chuyện về sức khỏe cho chị em cô cùng đọc. Khi đó, cô rất ham đọc sau mỗi giờ học. Các câu chuyện mẹ mua đều liên quan tới việc giáo dục tâm lý và giáo dục về giới tính
. “Tuy rất thích đọc nhưng với mình lúc đó còn bé nên chưa thực sự hiểu hết được ý nghĩa qua các câu chuyện. Và mẹ một lần nữa là một người thầy của mình. Có những thắc mắc mình thấy rất khó nói cho người khác. Thế nhưng mẹ đã rất chủ động hỏi mình về những dấu hiệu của cơ thể, hỏi mình các câu chuyện đã đọc hiểu được đến đâu. Với cách hướng dẫn như thế, mình đã rất chủ động đón nhận thay đổi của cơ thể mình, không còn bỡ ngỡ và lo lắng như các bạn bè khác khi bắt đầu dậy thì”.
Khi lớn lên học đến cấp 3, mẹ lại là người thầy dạy cho mình về các kiến thức sức khỏe sinh sản. Dường như mẹ hiểu được những tâm tư của con cái. Cách mà mẹ hướng dẫn cũng rất tế nhị. Mẹ thường tìm và gửi cho mình những kiến thức và video trên mạng internet về cách bảo vệ sức khỏe, giáo dục giới tính.
Mẹ cũng thường tâm sự những khác biệt ở thời của mẹ và thời điểm hiện tại. Qua các câu chuyện của mẹ, mình hiểu được cách ứng xử đối với người khác giới, cách tự bảo vệ mình trước các tình huống có thể nguy hiểm, và hơn hết là cách chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình, cô cho biết.
Tuy nhiên, bởi sống cùng bà nội, nên bà khắt khe hơn, bà xem những chuyện mẹ con tâm sự về giới tính là điều không cần thiết, cấm kị. Thế nên, nếu như mẹ Hiền Anh cởi mở và tế nhị trong những câu chuyện với con gái, thì trước mặt bà nội, những chia sẻ riêng tư ấy lại không được nói ra. Bởi ở thế hệ của bà, các cô gái đều lớn lên, lấy chồng sinh con mà đâu có cần phải nói về những chuyện đàn bà con gái “đáng xấu hổ” ấy…Song, ở bà lại luôn là sự nề nếp, những câu chuyện về “làm thân con gái”…
Trước mặt đàn ông phải ý tứ ra sao, ăn vận phải kín đáo, nền nã, gọn gàng chứ không phải “hở” trên hở dưới theo trào lưu. Bà cũng kể, ngày xưa, những cô gái lỡ có bầu mà chưa chính thức kết hôn là cả một sự ô nhục với gia đình, họ hàng, làng xóm…Bởi thế, đến thời bố mẹ Hiền Anh, thời gian tìm hiểu cũng luôn phải “công khai”, ngồi giữa nhà “tâm sự” bên đèn măng sông chứ đâu có được đi đâu thì đi như bây giờ…
Dung hòa xưa- nay
Thực tế, câu chuyện của Hiền Anh cũng là câu chuyện chung trong giáo dục giới tính của những gia đình nhiều thế hệ, nếu nàng dâu nào hiểu được tâm lý mẹ chồng, biết lựa và ý tứ thì đều có thể dung hòa được những bất đồng thế hệ. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng không nắm được tâm lý bố mẹ, đã có cách hành xử không đúng.
Thường thì tâm lý người già dễ tự ái, nhất là trong truyền thống người Việt có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Ðiều này đã trở thành triết lý sống của biết bao thế hệ Việt Nam. Theo các chuyên gia tâm lý, trong cuộc sống hiện đại, không ít giá trị gia đình cũng như những mối quan hệ đã có nhiều khác biệt dẫn đến những mâu thuẫn thế hệ ngày càng lớn. Khi chăm sóc con cháu, ông bà thường dùng kinh nghiệm xưa cũ, còn đôi vợ chồng trẻ lựa chọn kiến thức hiện đại.
Sự khác biệt này có thể hóa giải từ từ nếu đôi trẻ biết chọn cách cùng ông bà đọc báo, xem các chương trình nuôi dạy bé trên ti-vi để bổ sung kiến thức. Những khi góp ý với các bậc sinh thành, con cái cần nhẹ nhàng, mềm mỏng. Bởi những trải nghiệm cuộc sống đã theo họ lớn lên, nuôi dạy con cái nên người. Hãy tỏ ra trân trọng và xem những lời khuyên của ông bà như những người bạn thân của mình, là chia sẻ của các chuyên gia tâm lý gia đình…
Ở góc độ giáo dục giới tính từ nhỏ,TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) khẳng định: giáo dục giới, giáo dục tình dục, sức khỏe sinh sản là một trong những khía cạnh hết sức thiết yếu của con người. Nó giống như việc khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cách ăn như thế nào, cầm đũa ra sao...
Vậy nên, khi cơ thể chúng ta bắt đầu có biến đổi, có rung động không thể chối bỏ thì chúng ta phải dạy cho trẻ cách ứng xử với những biến đổi đó. Tuy nhiên, trên thực tế, khi cơ thể chúng ta biến đổi, chúng ta khao khát được hiểu biết thì người lớn lại tỏ thái độ giấu giếm, cấm đoán. Họ cho rằng, cách tốt nhất để đề cập tới câu chuyện này là cấm, là không được nghĩ đến và tốt nhất là dẹp sang một bên và nói không với nó.
Và nếu đã xảy ra chuyện thì chúng ta phải giải quyết như thế nào, lại lén lút đi làm việc này việc kia, uống những loại thuốc vớ vẩn có thể mất mạng... Vấn đề ở đây là chúng ta đã không có sự giáo dục cho giới trẻ trách nhiệm của mình tới đâu khi xảy ra chuyện, chẳng hạn trong chuyện mang thai ở tuổi vị thành niên thì trách nhiệm của người con trai tới đâu, của cô gái tới đâu... Tất cả những điều này đúng ra phải dạy nhưng chúng ta lại không. Ðể rồi khi xảy ra chuyện, cậu trai biết bạn gái có bầu thì trốn mất, thậm chí bí quá là giết.
Và nếu có nói ra chuyện này thì kiểu gì chúng ta cũng lên án, phê phán cậu con trai đó nhưng thử hỏi, có ai nghĩ tại sao cậu con trai đó lại có phản ứng như vậy chưa, có ai thấy có lỗi vì đã không trang bị cho cậu con trai đó những kiến thức cơ bản về vấn đề này chưa, hoặc phản ứng như thế nào trước những tình huống tương tự chưa...
Cũng chính vì coi giáo dục giới tính là điều tối kỵ nên chúng ta không dạy, cho rằng không phải học và cũng chẳng đầu tư để thiết kế một chương giáo dục cho nó phù hợp, cho hiệu quả. Những người viết sách thì cũng nghĩ, có nói thì nói tế nhị, sơ sơ thế thôi, lớn lên nó sẽ tự tìm hiểu, tự khắc sẽ biết. Tuy nhiên, phải thấy rằng, cách nghĩ, cách làm này đã dẫn tới không ít hậu quả để ngày hôm nay, cá nhân, gia đình, xã hội phải đối diện, TS Khuất Thu Hồng phân tích.
Có thể nói, “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và cũng không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Thế nên, dẫu trog gia đình truyền thống coi giáo dục giới tính là điều e ngại, thì mẹ phải gần gũi bên con gái của mình. Đừng để các cô bé bơ vơ như Mec-ghi trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai, trong những năm tháng từ cô gái nhỏ trở thành thiếu nữ và những người phụ nữ trưởng thành sau này…