Chuyến tàu nghĩa hiệp giữa trùng khơi

20g đêm 31/7, tàu cá mang số hiệu QB 91223 – TS với 22 thuyền viên đã cập bến cảng Nhật Lệ, TP. ĐồngHới (Quảng Bình), chở theo một ngư dân Trung Quốc gặp nạn trên biển Đông may mắn được họ cứu sống và mang theo câu chuyện về chuyến tàu nghĩa hiệp, giàu lòng nhân ái giữa biển cả khơi trùng…

Chúng tôi tìm đến nhà chủ tàu, kiêm thuyền trưởng “con tàu nghĩa hiệp” Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1981, hiện trú tại thôn Mỹ Cảnh, thuộc xã bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) để được nghe kỹ càng hơn về hành trình cứu sống ngư dân Trung Quốc - Trịnh Tổ Ba. Anh Hiếu cứ gãi đầu cười hề hề: “Giữa biển khơi mênh mông, thấy người gặp hoạn nạn cứu vớt, có chi mô mà anh phải viết báo, ngại lắm…”

Ngư dân Trung Quốc không may gặp nạn Trịnh Tổ Ba (áo trắng, ở giữa) được lực lượng BĐBP Quảng Bình đưa lên bờ vào đất liền.

Vẫn chưa tin mình được cứu sống

Ngư dân không may gặp nạn ấy là Trịnh Tổ Ba (phiên âm tiếng Việt - PV), SN 1983, đã có vợ cùng hai con nhỏ sống tại thôn Hòa Năng, Bạch Mã Tĩnh, Hải Nam (Trung Quốc). Tối 22/7, từ bến cảng Tam Á (Hải Nam), Tổ Ba ra khơi trên tàu cá hiệu số Đam Châu 13017, đi câu cá đại dương. Thuyền trưởng tàu này là Trịnh Tổ Đạo (43 tuổi, anh trai Tổ Ba).

Công việc của các ngư dân vẫn diễn ra thuận buồn xuôi gió thì đêm 26 rạng sáng 27/7, khi tàu đang thả trôi lênh đênh để ngư dân nghỉ ngơi thì Tổ Ba thức dậy đi vệ sinh nhưng bị trượt chân rơi xuống biển. Tàu đang thả trôi trên biển nên Tổ Ba không bơi theo nổi, anh rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Chỉ còn biết theo cách dạy của lớp ngư dân đi trước cùng kinh nghiệm “chinh chiến” giữa biển khơi 20 năm qua của mình, anh lột bỏ hết áo quần trên người để giảm sức nặng, thả lỏng người chỉ quẫy nhẹ chân để không bị chìm và hạn chế những động tác làm mất sức.

Anh thả mình trên biển tối, để mặc sóng gió đưa đẩy và nguyện cầu một tàu cá khác phát hiện ra mình. Nhưng càng hy vọng thì càng vô vọng . Tảng sáng, toàn thân anh rã rời và bắt đầu lịm dần tron cơn đuối sức… Chỉ còn hai chân như bản năng vẫn vẫy đạp yếu ớt để không chìm hẳn.

Nhưng chính thời điểm mạng sống Tổ Ba như đã thuộc về “thủy thần” thì tàu QB 91223TS đến. Ở tọa độ biển 17029N - 108005E trên biển Đông - vùng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, người ta phát hiện một vật gì đó đang trôi nổi và bẻ lái đưa tàu đến rồi nhận ra, một người đang lềnh bềnh trên sóng nước.

Không chút phân vân, thuyền trưởng Hiếu “lệnh” ngay các ngư dân thả xuồng xuống, vớt lên. “Toàn thân anh ta lúc này đã tím tái. Hơi thở rất yếu ớt. Khi vớt lên thì anh chỉ kịp chớp mắt nhìn một cái rồi ngất lịm đi.” – anh Hiếu kể. Tổ Ba nhanh chóng được đưa vào giường, đắp chăn ấm và mớm sữa lỏng để tỉnh lại nhanh.

Lúc ấy khoảng 8g sáng 27/7, sau nhiều nỗ lực sơ cứu của 22 ngư dân trên tàu, Tổ Ba bắt đầu nhận biết được xung quanh và nói được yếu ớt một vài câu vào lúc 10g. Khi anh đang ú ớ không ai hiểu gì thì một thuyền viên trong tàu từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan nên biết biết được Tổ Ba là ngư dân mang quốc tịch Trung Quốc.

Lúc mới chạm bước lên đất liền Việt Nam, câu đầu tiên mà Tổ Ba thốt ra qua sự phiên dịch của của người do Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình cử đến, đó là:“Có nằm mơ tôi cũng không dám tin là mình đã được cứu… Khi tỉnh dậy, biết tàu cứu vớt tôi lên không phải của ngư dân nước mình nên tôi sợ lắm. Chỉ khi được các bạn ngư dân Việt Nam đối xử rất tốt, tôi mới yên tâm. Không có họ thì tôi đã bỏ mạng giữa biển khơi rồi”.

Vượt lời nguyền để cứu người

Với ai là người đã và đang theo nghề biển thì quá rõ sự tín thờ của ngư dân đối với “Thần biển”. Việc cứu vớt một người đã sắp chết đuối trên biển là điều mà không mấy ai dám làm. Theo quan điểm mà như “lời nguyền” của họ, nếu ai “cướp” đi một tính mạng đã sắp về với “Thần biển” thì rất dễ gặp phải những biến họa về sau. Nhất là với những người đánh vật mưu sinh giữa biển cả bao la vốn ẩn chất biết bao điều bất trắc.

Tàu cá số hiệu QB 91223TS và những thuyền viên hào hiệp cứu sống ngư dân Trung Quốc gặp nạn giữa biển khơi.

“Nhưng thấy người gặp nạn, sắp chết đến nơi, không cứu sao thanh thản với lương tâm?” – thuyền trưởng Hiếu tâm sự. Trong tình cảnh của người ta “ba phần sống bảy phần chết”, anh Hiếu cùng 21 thuyền viên như quên mất đi lời nguyền về “Thần biển”.

Vớt xong nạn nhân rồi, Hiếu chợt nhớ ra và lập một mâm cúng đơn sơ, thắp hương tạ tội với “Thần biển”, cầu mong những điều an lành nhất cho các ngư dân và chính cả nạn nhân ấy: “Thờ thì thiêng mà kiêng thì lành, làm một lễ như thế để cho các thuyền viên họ vững tâm trên biển cả này, còn thấy người hoạn nạn thì phải cứu thôi”.

Sau đó, Hiếu lấy Icom trên tàu liên lạc với Kênh Tìm kiếm cứu nạn của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình thì được hướng dẫn nên duy trì liên lạc để thông báo về tình hình của nạn nhân và nên cho tàu cập bờ sớm, đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như tâm lý cho Tổ Ba.

Lúc này tàu cá QB 91223 đang ở vùng biển xa cách bờ biển Quảng Bình đến 80 – 90 hải lý (khoảng 150km), thời tiết biển đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới nên tàu cứu hộ của Hải đội 2 – BĐBP Quảng Bình không thể ra đón nạn nhân. Tàu của anh Hiếu cũng mới ra khơi vào tối 26/7, chưa đánh bắt được gì trong khi dự tính chuyến đánh bắt sẽ dài hơn 20 ngày và đầu tư gần 180 triệu tiền chi phí dầu máy, lương thực thực phẩm, dụng cụ đánh bắt… 22 thuyền viên trên tàu đều là lao động chính và họ ra khơi mang theo hy vọng cho cả 22 gia đình nghèo khó, cuộc sống nương nhờ biển cả.

“Vì khi ở dưới biển quẫy đạp nhiều quá nên khi tỉnh dậy, chân anh ta như bị liệt. Suốt 2 ngày sau, mình phải dùng dầu xoa bóp, cố gắng để anh ta hiểu và yên tâm. Nhưng anh ta vẫn tỏ ra hoang mang nên cứ lâu lâu lại nhìn ra khơi mà chảy nước mắt.” – anh Hiếu kể.

Rồi thuyền trưởng Hiếu quyết định bàn bạc với 21 bạn tàu hủy chuyến đi biển để đưa Tổ Ba vào bờ, trên đường vào sẽ vừa đánh bắt để vớt vát lại chút tiền đầu tư. Đến tối 31/7, “chuyến tàu nghĩa hiệp” QB 91223TS đã cập bờ an toàn trong sự tự hào, nể phục của đông đảo người dân chứng kiến cuộc bàn giao Tổ Ba cho lực lượng BP.

Vĩ thanh

Thuyền trưởng Nguyễn Trọng Hiếu theo nghề biển từ khi học hết phổ thông. Anh cưới vợ - chị Hồ Thị Hồng (SN 1982) vào cuối năm 2002. Đến nay, họ đã có hai mặt con, cháu gái đầu 10 tuổi và cháu trai hơn 1 tuổi. Cách đây 3 năm, được sự phụ giúp của bố mẹ và chạy vạy vay mượn khắp nơi, anh mua được con tàu mang số hiệu QB 91223TS với tổng số tiền đầu tư lên đến 3 tỷ đồng.

Biển khơi ngày càng không còn là nơi dễ dãi cho ngư dân những mùa cá bội thu nữa. Đến nay, một nửa số nợ vay ngân hàng để mua tàu anh vẫn chưa trả hết. Cả chục năm trời lăn lộn giữa biển khơi nhưng đến nay vẫn chưa kiếm đủ tiền để ra cất nhà ở riêng mà vẫn phải ở cùng bố mẹ già trên dưới 60 tuổi.

Đến sáng 1/8, anh Hiếu sang Ban chỉ huy BĐBP Quảng Bình để hoàn thành các thủ tục cuối cùng về bàn giao ngư dân Trịnh Tổ Ba. Thấy ân nhân cứu mạng bước vào thăm mình tại trụ sở biên phòng, anh ngư dân Trung Quốc chỉ biết ôm chầm lấy Hiếu mà khóc, những giọt nước mắt của biết ơn và hạnh phúc…

Cuối giờ chiều cùng ngày, qua Bộ Ngoại giao của nước ta, Tổ Ba đã liên lạc được với gia đình – những người cứ tưởng chừng như đã hết hy vọng gặp lại anh. Lực lượng BP Quảng Bình đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, hoàn tất các thủ tục để bàn giao cho Bộ Ngoại giao, sớm đưa Tổ Ba trở về quê hương.

Nguyên Phong 

Đọc thêm