Giấc mơ “chiếc cầu vai 4 gạch”
Vì nhiều lý do mà Việt Nam không nhiều phụ nữ làm nghề lái máy bay, thế nên sau mỗi câu chuyện của những nữ phi công là quyết tâm cháy bỏng để thực hiện ước mơ “bay tới những vì sao”. Huỳnh Lý Đông Phương sinh ra và lớn lên tại Bỉ, trong một gia đình người Việt không có ai làm việc trong ngành hàng không, song cô bé Đông Phương lại có ước mơ được bay ngay từ nhỏ và quyết tâm thực hiện từ năm 17 tuổi.
Khóa học lái máy bay của cô chỉ có 31 người, trong đó có 4 nữ, hầu hết những học viên có xuất thân từ những gia đình có người thân làm trong ngành hàng không. Khó khăn đã bắt đầu xuất hiện bởi Đông Phương chưa hiểu gì về máy bay, thường xuyên nhận được thái độ không trân trọng của các học viên nam và cả giáo viên hướng dẫn. Thêm nữa, Phương còn hay bị nôn khi đi máy bay.
Bằng quyết tâm, Phương nhanh chóng vượt qua cơn say máy bay, đồng thời trong lớp học lý thuyết bay 12 tháng sau đó cô đã là người đạt điểm cao nhất. Cũng trong đợt thi đầu tiên, Phương là 10 học viên xuất sắc nhất đại diện trường đi thi và là phụ nữ duy nhất có mặt trong cuộc thi tại toàn miền Nam nước Pháp.
Định kiến của mọi người về cô gái “ngoại đạo” của ngành hàng không cũng mất dần sau lần thi này. Sau khi nhận bằng phi công thương mại, tháng 10/2010 Phương về Việt Nam nộp đơn xét tuyển vào Vietnam Airline và đến tháng 2/2011, Phương chính thức được tuyển thẳng sang đội bay Airbus 321. Huỳnh Lý Đông Phương đã trở thành cơ trưởng và cô cũng là nữ cơ trưởng loại máy bay phản lực trẻ tuổi nhất tại Việt Nam với khả năng nói rành rẽ 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Hà Lan và Việt Nam.
Cũng đam mê “chiếc cầu vai 4 gạch” như Huỳnh Lý Đông Phương, Nguyễn Kim Châu là chị cả trong gia đình có 3 chị em gái. Bởi vậy khi Châu bày tỏ nguyện vọng không muốn vào đại học mà đi theo sự đam mê của mình là làm... phi công, bố mẹ Châu đã sốc nặng.
Nhưng rồi gia đình đã ủng hộ cô. Trong khi các bạn cùng trang lứa đang “dùi mài kinh sử” chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng bậc nhất trong đời thì Châu vẫn ngày ngày đi bơi, chạy bộ, chơi thể thao và học ngoại ngữ. Đây chính là một lịch trình soạn sẵn mà cô phải thực hiện để nâng cao thể lực cũng như trình độ của mình.
Cuối cùng, với sự cố gắng của bản thân, như một giấc mơ - Châu trúng tuyển khóa đào tạo phi công. Sau khi học trong nước một năm, Châu được chọn để đào tạo phi công ở Pháp vào năm 2009. Với mỗi phi công, phần thực hành là gian nan nhất vì phải qua được vòng này mới được cấp bằng điều khiển máy bay.
Nhưng vì niềm đam mê từ nhỏ nên với Châu “khi ở trong buồng lái, khi ở trên cao có thể quên hết mọi thứ từ những niềm vui nho nhỏ, những trạng thái cảm xúc dạt dào ở dưới mặt đất để chỉ biết rằng mình đang điều khiển, đang bay như một cánh én nhỏ trong bầu trời bao la và vô tận”.
Trưởng thành từ những ước mơ
Những câu chuyện của Phương, của Châu và của nhiều người phụ nữ đang làm những công việc mà phần đông xã hội đều cho rằng không dành cho phụ nữ cho thấy, điều quan trọng không phải là công việc gì, điều quan trọng là bạn có biết ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ đó của mình hay không.
Còn nhớ, trong một chương trình talkshow với chủ đề “Phụ nữ và phát triển sự nghiệp” do Công ty cổ phần Hội tụ nhân tài (TalentPool) tổ chức, CEO của TalentPool đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, ứng cử viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã kể về những ước mơ của đời mình, về sự quyết tâm thực hiện những ước mơ đó cho dù có lúc tưởng như thật ngông cuồng, hão huyền.
Chị nói, chị đã khởi nghiệp doanh nhân của mình bằng số vốn 30 triệu đồng và hai chiếc tủ kính mua thanh lý lại để mở cửa hàng văn phòng phẩm: “Khi đó tôi 22 tuổi và tôi ước mơ một ngày nào đó tôi sẽ xây dựng được thương hiệu văn phòng phẩm như Home Depot của Mỹ. Thậm chí cô gái 22 tuổi là tôi ngày đó còn viết thư xin làm đại lý của Home Depot ở Việt Nam. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười vì mình ngây thơ và ngông cuồng quá, nhưng quan trọng là mình đã biết ước mơ”.
Giờ đã thành đạt rồi những nữ doanh nhân Đỗ Thùy Dương vẫn không thôi ước mơ, chị mơ sẽ làm được nhiều điều để nâng cao năng lực tham gia vào hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và giúp phụ nữ cân bằng được sự nghiệp và phát triển gia đình hạnh phúc nói riêng…
Viết đến đây người viết bài này chợt nhớ câu nói của nữ giáo sư Lưu Lệ Hằng, người Mỹ gốc Việt được thế giới biết đến với hai giải “Nobel thiên văn học” và là người phụ nữ được lấy tên đặt cho một tiểu hành tinh. “Đừng vội nản lòng nếu may mắn chưa mỉm cười với mình. Chỉ cần ước mơ, đam mê, yêu thích, kiên trì, chắc chắn bạn sẽ đi đến tận cùng ý nghĩa” – nữ giáo sư chia sẻ.
Theo một nghiên cứu xã hội học được công bố trên Tạp chí American Journal, hình mẫu lý tưởng của phần lớn đàn ông là những người phụ nữ có công việc ổn định, biết phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Những người phụ nữ biết nuôi dưỡng ước mơ của mình sẽ không ngừng làm mới bản thân bằng vốn kiến thức phong phú, bằng những trải nghiệm trong thực tế.
Nhà thơ Nga Evghenhi đã từng viết: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”. Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách. Có cuốn gồm nhiều tình tiết giật gân, có cuốn được viết theo phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng dù hay, dù dở trên đời vẫn có người muốn đọc cuốn sách cuộc đời bạn. Thế nên, hãy biết sống thật với ước mơ của mình trên từng con chữ, từng trang, từng chương của cuốn sách cuộc đời mình, phụ nữ nhé!