Chuyện thú vị về thế giới điệp viên (Kỳ 17): Mối tình đẹp của nữ thủ lĩnh kháng chiến Pháp

(PLO) - Không chỉ nổi tiếng vì là nữ điệp viên duy nhất từng là thủ lĩnh phong trào kháng chiến Pháp, được quân Đức treo giải thưởng lên đến 1 triệu franc, Pearl Cornioley còn được nhiều người biết đến với chuyện tình đầy trắc trở nhưng cũng rất lãng mạn với một chàng trai người Pháp. 
Bà Cécile Pearl Witherington khi còn trẻ
Bà Cécile Pearl Witherington khi còn trẻ

Pearl Cornioley sinh ngày 24/6/1914 tại Paris, Pháp với tên khai sinh là Cécile Pearl Witherington. Bà là con cả trong 4 người con gái của một cặp vợ chồng người Anh xa xứ.

“Tôi không có tuổi thơ”

 “Tôi không có tuổi thơ” là đánh giá cay đắng được chính bà thốt ra khi kể về những năm tháng ấu thơ của mình. Thực ra, cụ và ông nội của Pearl đều là những người có tiếng và kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng, đến đời cha bà, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn vì cha bà là một người nghiện rượu nặng lại thêm thói tiêu tiền vô tội vạ.

Của nả trong nhà vì thế lần lượt ra đi, đến mức mãi đến năm 13 tuổi Pearl mới được đến trường vì gia cảnh quá khó khăn. Thế nhưng, cũng chỉ được ít lâu, khi người cha qua đời vì nghiện rượu, bà lại phải nghỉ học để đi kiếm việc hòng đảm bảo gia đình không chết đói. Ban ngày, bà nhận chân đánh máy thuê còn buổi tối tiếp tục đi dạy tiếng Anh.

Khi quân Đức xâm lược Pháp vào năm 1940, Pearl đang là nhân viên đánh máy cho một viên chức không quân tại Đại sứ quán Anh tại Pháp. Giữa cảnh chiến tranh loạn lạc, cả gia đình Pearl quyết định rời Paris về lại Anh.

Tại đây, bà may mắn tìm được việc ở Bộ Không quân Anh. Với nhiều người, việc thoát được cảnh tên bay đạn lạc là xong nhưng Pearl lại không vậy. Dù đã rời khỏi Pháp nhưng bà vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình chiến sự và ngày càng cảm thấy thất vọng với việc quân Pháp liên tục thua trận còn bản thân bà thì chỉ ngồi một chỗ làm công việc giấy tờ.

Nuôi trong lòng khát khao muốn cống hiến cho cuộc chiến chống Đức, Pearl đã tìm hiểu nhiều nguồn về cách thức bà có thể tham chiến. Cuối cùng, thông qua những người quen, bà biết được sự tồn tại của Cục Tác chiến đặc biệt (SOE) – đơn vị do Anh thành lập với mục đích hỗ trợ và điều phối phong trào kháng chiến ở các nước bị chiếm đóng ở châu Âu. 

Hiểu rõ được những nguy hiểm của những phụ nữ trong đơn vị trên nhưng Pearl vẫn quyết định dấn thân. Bà tự tìm tới trục sở của SOE ở Phố Baker, London để đề nghị được làm việc cho đơn vị này. Hội tụ đủ các yếu tố cần thiết: trẻ trung, xinh đẹp, dũng cảm và đặc biệt giỏi tiếng Pháp nên việc bà được nhận cũng rất dễ hiểu.

Trong 7 tuần huấn luyện, bà tỏ ra là một học viên xuất sắc, đặc biệt là ở môn bắn súng mà theo nhận xét của người hướng dẫn thì giỏi nhất trong những học viên của khóa học đó.

Nữ điệp viên tháo vát

Đêm 22, rạng sáng 23/9/1943, ở tuổi 29, Pearl Witherington nhảy dù xuống gần Chateauroux, tỉnh Loire ở miền nam nước Pháp và gia nhập nhóm kháng chiến có tên “Stationer”. Ở Pháp, bà được tạo cho vỏ bọc là một nhân viên bán mỹ phẩm dạo có tên giả “Pauline” và mật danh “Marie”.

Tại Pháp, công việc chính của bà là người đưa thư, truyền tải những thông điệp đã được mã hóa về Anh và trong vùng kháng chiến. Việc hoạt động ngay trước mũi kẻ địch với đàn ông đã là việc không hề dễ dàng nên với những phụ nữ chân yếu tay mềm như Pearl, mọi việc lại càng khó khăn hơn.

Có lần bà phải đạp xe gần 100km để chuyển một bức thư. Nhưng, khi đến cây cầu độc đạo ở gần đích, bà phát hiện có rất đông binh lính Đức đang đứng canh gác. Không từ bỏ, bà cuối cùng quyết định vác chiếc xe đạp lên vai và đi bộ qua dòng sông Cher khi đó đang đóng băng trong mùa đông.

Cũng có lần, bà bị lính Đức đột ngột kiểm tra giấy tờ khi đang đi tàu hỏa nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để vượt qua được những câu hỏi hóc búa của chúng. Lần khác, suýt bị một thủ lĩnh của nhóm kháng chiến giết chết vì nghi ngờ bà đã phản bội. 

Bà Pearl khi về già
Bà Pearl khi về già

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Pearl vẫn trở thành một nhân vật nổi bật, một trong những trụ cột chính của SOE và phong trào kháng chiến ở Pháp. Sau khi người chỉ huy của mạng lưới kháng chiến là ông Maurice Southgate bị bắt giữ vào ngày 1/5/1944, bà được giao nhiệm vụ thay thế ông Maurice, trở thành người phụ nữ duy nhất là lãnh đạo của một mạng lưới kháng chiến ở Pháp.

Ở thời điểm Pearl tiếp quản việc chỉ huy, lực lượng kháng chiến có 1.500 người nhưng sau đó đã tăng lên thành 3.000 người. Nhóm này hoạt động ở vùng Sologne thuộc thung lũng Loire.

Dưới sự chỉ huy của Pearl, mạng lưới kháng chiến đã thực hiện nhiều vụ tấn công, tiêu diệt được tổng cộng khoảng 1.000 lính Đức và làm bị thương nhiều người khác trong khi chỉ phải chịu tổn thất nhỏ về người.

Ngoài ra, 18.000 lính Đức cũng đã phải chấp nhận ra đầu hàng lực lượng kháng chiến do bà chỉ huy. Sự “nguy hiểm” của Pearl thể hiện rõ ở việc quân Đức đã rao giá đến 1 triệu franc cho người nào tiêu diệt được bà.

Trước ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Pháp, dưới sự chỉ đạo của Pearl, nhóm kháng chiến cũng đã hơn 800 lần phá hoại đường ray chính nối miền nam nước Pháp với Normandy, cản trở đáng kể các hoạt động vận chuyển lương thực, vũ khí và đặc biệt là binh lính Đức tới địa điểm đổ bộ, góp phần khiến chiến dịch phản công của lực lượng Đồng minh trở nên thuận lợi hơn. 

Mối tình đẹp

Trí thông minh, tài thao lược là những điểm nổi bật ở Pearl nhưng nói đến bà, người ta cũng sẽ nhớ ngay đến mối tình lãng mạn của bà với ông Henri Cornioley – một thanh niên lịch lãm người Pháp. Pearl và ông Henri gặp nhau khi bà cùng gia đình vẫn ở Pháp.

2 người nảy sinh tình cảm và muốn kết hôn với nhau nhưng lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình ông Henri với lý do không môn đăng hộ đối và đặc biệt gia đình ông Henri giàu có trong khi gia đình bà Pearl như đã nói ở trên phải chạy ăn từng bữa.

Không vượt qua được rào cản gia đình nhưng khi Pearl trở về Anh, 2 người vẫn hứa hôn và giữ liên lạc với nhau. Trong thời gian đó, Henri nhập ngũ và bị quân Đức bắt giữ nhưng may mắn trốn thoát được.

Ngay sau khi bà Pearl đặt chân tới Pháp, 2 người đã nối lại liên lạc và ông Henri cũng tham gia cùng mạng lưới kháng chiến của bà. Kể từ đó, chiến tranh và những cuộc đấu nguy hiểm càng khiến tình cảm của 2 ông bà trở nên gắn bó hơn.

Chính câu chuyện về tình yêu và chiến tranh của bà Pearl đã trở thành cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “Charlotte Gray” nổi tiếng của Sebastian Faulks được xuất bản năm 1998 và 3 năm sau đó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, Pearl khẳng định tình cảm không phải là lý do chính khiến bà quyết định dấn thân vào cuộc chiến. “Tôi sẽ không mạo hiểm tính mạng của mình chỉ để được gần Henri”, bà nhấn mạnh. 

Ngày 11/6/1944, khi Pearl và Henri đang có mặt trong một ngôi nhà được canh gác nghiêm ngặt ở Les Souches để bàn công việc với những nhân vật nòng cốt trong mạng lưới kháng chiến thì quân Đức ập tới.

Bị tấn công quá bất ngờ, 2 người vội vã tách ra để chạy thoát thân dưới làn đạn dày đặc của quân Đức. Pearl Witherington nhanh chân chạy vào một cánh đồng ngô và ẩn nấp ở đó cả ngày, chỉ di chuyển khi có những cơn gió làm xáo trộn cánh đồng. Cuối cùng, sau nhiều ngày ẩn nấp, bà cũng đã thoát thân và trở về với lực lương kháng chiến.

Lần đó, ông Henri cũng may mắn sống sót. Trong chiến dịch đánh úp này, quân Đức đã bắt được 32 người đồng đội của 2 người. Tất cả đều không trở về. Sau khi đã cùng nhau “vào sinh ra tử”, Pearl và Henri đã quyết định sẽ không gì có thể ngăn họ đến với nhau. Vì thế nên, ngay sau khi trở về Anh vào tháng 10/1944, 2 ông bà quyết định kết hôn.

Chiến tranh kết thúc, 2 ông bà trở về Paris sinh sống. Tại đây, ông Henri trở thành một dược sỹ còn bà Pearl là thư ký cho Ngân hàng thế giới tại Anh. Hai ông bà sống với nhau hạnh phúc cho đến khi ông Henri qua đời vào năm 1999. Bà Pearl sống thêm được 9 năm nữa trước khi đoàn tụ với chồng ở thiên đường vào năm 2008.

Đọc thêm