Chuyện tình cô giáo phố núi với chàng thi sĩ mù xứ biển

Cách xa hơn 1.000 km nhưng có một cô gái xứ trà Thái Nguyên đã đem lòng yêu một chàng trai khiếm thị đất Phú Yên chỉ thông qua những vần thơ của anh in trên báo, yêu đến nỗi cô bỏ quê lặn lội vào tình nguyện trọn đời “nâng khăn sửa túi” chàng thi sĩ. Đây không phải là một kịch bản phim tình cảm...

Cách xa hơn 1.000 km nhưng có một cô gái xứ trà Thái Nguyên đã đem lòng yêu một chàng trai khiếm thị đất Phú Yên chỉ thông qua những vần thơ của anh in trên báo, yêu đến nỗi cô bỏ quê lặn lội vào tình nguyện trọn đời “nâng khăn sửa túi” chàng thi sĩ. Đây không phải là một kịch bản phim tình cảm. Đây là một câu chuyện có thật về cặp vợ chồng đang hạnh phúc ngụ phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Chàng sinh viên Văn khoa bất hạnh

Chàng trai là Lê Đình Hòa (SN 1963) trong một gia đình nông dân nghèo có sáu anh em tại huyện Tuy Hòa cũ. Chàng thanh niên Hòa học khá thông minh, mặt mày sáng láng, giỏi văn chương và được nhiều thầy cô yêu quý. Năm 1982, Hòa trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn. Cũng như những sinh viên khoa văn khác, Hòa có làm thơ in trên báo tường, học hành giỏi giang và nuôi ước mơ trở thành một thầy giáo dạy học cho quê nhà.

Đời không ai học được chữ ngờ, hai năm sau khi anh vào đại học, tai họa đã giáng xuống đầu anh khi đôi mắt anh cứ mờ dần, đến một ngày bầu trời tự dưng tối sầm xuống mặt anh. Kết luận y khoa lúc đó chẩn đoán anh bị teo dây thần kinh thị giác. Thế là bóng tối vĩnh viễn cướp mất một nhà giáo tương lai.

Kết thúc thời sinh viên ngắn ngủi nhiều mộng tưởng, Hòa rời Quy Nhơn về lại Tuy Hòa sống với người mẹ già góa bụa tội nghiệp đã bao năm nuôi anh ăn học chỉ để mong anh sẽ trở thành một thầy giáo. Cả gia đình như u ám, thất vọng vì ước mơ lớn nhất của dòng họ bất thành. Hòa kể lại, lúc bấy giờ anh dường như tuyệt vọng, ôm đầu nằm vùi trong nhà suốt thời gian dài, khái niệm thời gian không gian đối với anh chỉ là bóng tối.

Cô gái Thái Nguyên vì yêu thơ mà lặn lội vào Phú Yên xin làm vợ chàng thi sĩ mù.
Cô gái Thái Nguyên vì yêu thơ mà lặn lội vào Phú Yên xin làm vợ chàng thi sĩ mù.

Tuyệt vọng cùng đường, Hòa đã đến với thơ và nhờ câu thơ nương dậy. Nhớ thương giảng đường, bạn bè đến nao lòng, những câu thơ như moi từ trong đáy lòng mình ra. Hòa viết: “Rằng đời chắc thực là mơ/ Rằng hai con mắt đã mờ rồi sao/ Đôi khi trong giấc chiêm bao/ Ta nghe vỡ mộng hôm nào với trăng…”; hoặc “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau/ Làm xa lạ bỏ tình yêu giữa phố/ Chiều nghiêng môi uống cùng ta bão tố/ Trời rưng rưng trăng chín sắp rơi rồi…”; hay “Ta vấp ngã bên vỉa hè đại học/ Tiếng ve sầu não lòng ta muốn khóc/ Ta nằm nghe mưa lạnh thấm vào hồn”.

Thời gian cứ tiếp tục trôi, chàng trai Hòa vĩnh viễn sống trong bóng tối. 20 năm đằng đẵng trong bóng tối cũng là thời gian anh chắt chiu chiêm nghiệm cho mình nhiều ý nghĩ khác thường. Và những ý nghĩ đó cứ âm thầm nuôi dắt ngôn từ để anh viết những bài thơ giàu tâm trạng. Thơ anh viết ra, nhờ người thân chép đọc rồi cũng gấp vào trang vở cất chồng trong xó tủ. 20 năm, hàng trăm bài thơ hay ra đời, những bài thơ không đến được với độc giả.

Tình cờ một hôm có người trong xóm mách bảo bên Phú Lâm có anh thanh niên mù suốt ngày làm thơ, một số anh em văn nghệ Phú Yên đã sang thăm anh đồng thời đọc được những bài thơ của anh. Từ đó, thơ Hòa được anh em giúp đỡ gửi in rải rác trên các báo. Những bài thơ in báo như phép màu nhiệm đã vực Hòa dậy, thôi thúc anh sống có ý nghĩa hơn. Trong thơ anh, từ chiều sâu đáy lòng, Hòa luôn mơ có một tổ ấm gia đình để được sẻ chia đồng cảm.

Tuy nhiên điều bình thường đối với người thường nhưng với anh thì lại là ước mơ, có cô gái nào dám lấy một chàng mù làm chồng?. Buồn tủi cho thân phận, anh viết: “Người đang vui ta buồn một nửa/ Ta gặp mình trong đôi lứa yêu nhau”.

Cuộc đời không bất công

Đồng cảm với người sống cùng quê có hoàn cảnh khó khăn, năm 2004 một nhà báo từ Tp HCM về Phú Yên thăm Hòa. Sau khi về lại Sài Gòn, nhà báo này có viết một bài về Lê Đình Hòa với tiêu đề “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau” đăng trên một tờ tạp chí. Không ngờ bài báo này lại là “chìa khóa” mở ra cho Hòa cánh cửa cuộc đời mới.

Một người con gái tên Trần Thị Hạnh (SN 1964, quê ở Thái Nguyên, là giáo viên dạy trẻ tại trường mầm non thị trấn Chợ Giã, huyện Ba Bể, Bắc Cạn) sau khi đọc bài báo đã đồng cảm với hoàn cảnh của Hòa. Đồng cảm nhưng vì quá xa xôi, chị Hạnh hồi đáp cho nhân vật trong bài báo bằng một lá thư phân bua và bày tỏ tấm lòng của mình.

Nhận được thư lạ, Hòa nhớ lại khi đó mình rất hồi hộp và nhờ người đọc giúp. Lời lẽ trong lá thư làm cho Hòa hạnh phúc hơn khi biết trong cuộc đời đã tìm thấy người đồng cảm với mình. Sau đó Hòa nhờ người viết thư hồi âm. Hai người trao đổi qua thư một thời gian, song vì nhận thấy Hòa không đọc được thư mà phải nhờ người khác đọc hộ thư mình nên cô gái mới nảy ra sáng kiến thu âm thư, thơ của mình vào băng cat-xet rồi gửi cho Hòa nghe.

Trong những cuốn băng cô giáo miền Bắc gửi cho Hòa có những vần thơ ấm tình: “Nỗi nhớ ơi sao cứ da diết mãi/ Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn/ Làm sao chạm được tới anh/ Hay em hóa vào cỏ mượt dưới trăng/ Trải đệm anh nằm, làm mây anh đắp/ Chỉ xin trời đừng đổ mưa, mây đừng tan thành nước/ Ướt anh thấy lạnh, em đau”; hoặc “Con sóng nhớ vùi đầu vào bờ cát/ Buồn thương ai mà thông hát vu vơ/ Biển trông ai mà quay quắt xô bờ”.

Hòa cũng hồi âm bằng băng cat-xet với những câu thơ chân tình: “Đêm thật buồn, đêm như vực sâu/ Anh đăm đắm nhìn về phương Bắc/ Anh sống nhờ thơ và nhờ cảm giác/ Và nhiều khi anh sống nhờ nước mắt/ Sao em nỡ “nói đùa”…”. Rồi cứ thế, tình cảm của đôi tình nhân qua thơ này ngày một mặn nồng hơn.

Tin "sét đánh" đến với Hòa khi một ngày, có một bàn tay mềm khẽ chạm vào vai mình. “Hồn thơ” cách xa hơn 1.000 km tưởng chỉ trong mộng, nay đã hóa thành xương thành thịt anh có thể cảm nhận. Cô gái yêu thơ và yêu luôn tác giả đã quyết định bỏ nghề, rời quê khăn gói vào Phú Yên làm… vợ chàng thi sĩ mù.

Nói về tâm trạng của mình trong những ngày ấy, chị Hạnh nhớ lại: “Mình và anh Hòa đã tìm được sự đồng điệu qua thơ. Trước khi quyết định vào đây, người trong nhà cũng cản ngăn, phân giải đủ điều, mình cũng suy nghĩ đến đủ chuyện nhưng tin vào tình yêu và ý chí”. Phút gặp nhau, khi nghe lời nói của cô gái yêu thơ, chạm được bàn tay của người con gái xa xôi vừa đến, Hòa mới thấy tim mình nghẹn ngào và mới tin cuộc đời đã không cay đắng với mình mà bù đắp thiệt thòi cho mình bằng cách này hay cách khác.

Mối tình giữa chàng thi sĩ mù và cô gái quê xa ngày ấy đã làm xôn xao dư luận TP Tuy Hòa. Họ làm đám cưới vào một ngày giữa tháng 8/2004 với sự chứng kiến của đông đủ người thân bạn bè văn nghệ. Hạnh phúc như trào dâng, niềm mơ ước đã thành sự thật. Những ngày sau đám cưới, Hòa viết liền một mạch bài thơ “Cảm giác tặng vợ”, bài thơ có những câu như sau: “Em chúm môi măng, ta dập đầu vạn tuế/ Trước mắt mình ẩn hiện một nhi đồng/ Ta chỉ muốn được em bồng bế/ Qua mùa thu, qua hết mùa đông…” Một năm sau ngày cưới, vợ chồng Hạnh Hòa đã sinh được một bé gái dễ thương.

8 năm sau ngày cưới, trong căn nhà nhỏ bên hẻm chợ Phú Lâm, cuộc sống còn vất vả khi người vợ còn thêm việc chạy chợ kiếm tiền nuôi con và phụ giúp anh chồng tật nguyền, vậy nhưng tiếng cười vẫn chưa khi nào ngưng. Họ luôn nhớ đến duyên kỳ ngộ là nàng thơ đã gắn bó hai tâm hồn, hai con người với nhau nên giữa cuộc sống còn nhiều bon chen, chàng thi sĩ mù vẫn còn giữ thói quen thỉnh thoảng làm những bài thơ vừa để tặng vợ, vừa để cảm ơn cuộc đời.

Theo Pháp luật & Thời đại
 

Đọc thêm