Giữa xã miền núi Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An), chuyện tình giữa cô giáo về hưu và người chồng kém 20 tuổi được nhiều người quan tâm.
Vượt hơn 200km từ TP Vinh đến Châu Kim, hơn 8h sáng nhưng sương mù vẫn giăng kín lối đi. Ngôi nhà nhỏ nằm bên con suối Nậm Giải, thuộc bản Cọ, xã Châu Kim.
Sinh ra tại xã Châu Kim, bà Lô Thị Tâm (SN 1951) về quê dạy học sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Tân Kỳ (Nghệ An). Lúc đó, cô là người học cao nhất xã. Năm 1973, cô giáo Tâm được phân công về làm giáo viên cắm bản tại nơi mình sinh ra. Cả tuổi xuân miệt mài với nghiệp dạy chữ, cô Tâm vẫn lẻ bóng dù nhiều người muốn gắn bó.
Bà Tâm cười nhớ lại: “Lúc đó tui chỉ biết làm sao để dạy cho tốt, dạy cho học trò hiểu cái chữ sau này còn giúp gì cho cuộc đời và hoàn thành tốt công việc được giao. Chỉ nghĩ chuyện vợ chồng cũng có duyên, đợi vài năm nữa rồi tính.
Vài lần tặc lưỡi bảo đợi thêm vài năm nữa mà quá 30 tuổi khi nào không hay… Thời đó, người miền xuôi 30 tuổi cũng thuộc loại ế rồi, còn với con gái miền núi thì quá ế, không ai lấy chồng muộn nếu không học hành hay đi làm ăn xa…”.
Hơn 20 năm dạy chữ, năm 1994, cô giáo Tâm xin nghỉ hưu sớm và mở một quán nhỏ sáng tối bán hàng cho khách bên đường. Quán nhỏ nhưng cũng có “duyên” buôn bán nên khách cũng đông đúc.
Trong số khách quen, chàng trai Vi Văn Thoại (SN 1971) người địa phương thường xuyên ghé quán cô Tâm, khi thì mua hành, có khi chỉ để gặp cô nói chuyện phiếm. Chẳng biết tự bao giờ, chàng trai đem lòng ưng người phụ nữ “quá lứa” hơn mình gần 20 tuổi.
Ông Thoại kể: “Ngày đó, tui hay đến quán nói chuyện với cô giáo thấy cô hòa đồng, lại vui tính nên tui ưng lắm, ngày mô cũng cố gắng ghé qua để nói chuyện. Sau thời gian dài, tui quyết định làm liều đến hỏi cưới”.
“Ngày đó, Thoại đến quán không mua gì, rồi nghiêm nghị nói: “Có ưng lấy ta không ?”. Thực tế thì tui cũng thấy quý Thoại và cảm nhận được tình cảm của Thoại nên tui nói “Ưng ta thì lấy thôi”, cô Tâm cười tủm tỉm kể lại.
Cả hai thông báo chuyện trăm năm cho họ hàng hai bên. Họ hàng đều tưởng đùa, khi biết thật lại càng ngỡ ngàng.
“Ai cũng nói “mi lấy vợ già mần chi?” nhưng tui ưng rồi thì cưới thôi. Cũng có người nói lấy người hơn tận 20 tuổi về có sống được với nhau lâu dài không… Rồi dân bản bàn tán xôn xao nhiều điều lắm…”, anh Thoại kể.
Đám cưới cũng được hai gia đình đồng ý và tổ chức sau đó không lâu. Vợ chồng về sống hạnh phúc bên ngôi nhà nhỏ cũng là quán tạp hóa. Hơn một tháng sau đám cưới, bà Tâm mang thai. Người chồng trẻ chạy khắp làng khoe tin vui. Cả bản cũng vui lây. Ông Thoại chăm chỉ làm ăn hơn để dành dụm tiền chờ ngày vợ sinh.
Cái tuổi mà bạn bè đã có cháu bồng ẵm rồi, bà Tâm mới lần đầu làm mẹ, cũng lóng ngóng như những người mẹ trẻ. Bé gái chào đời trong niềm vui rộn ràng của hai họ. Đứa con ra đời, mọi lo toan đổ lên vai người chồng trẻ, bà Tâm ở nhà chăm con làm vườn tược. Số tiền dành dụm được bà Tâm mua cho chồng chiếc xe máy để làm nghề xe ôm. Đường xá thời đó còn khó khăn, chiếc xe ôm là “hàng hiếm” nên cũng có đồng ra đồng vào.
Quế Phong vốn được xem là thủ phủ của ma túy ngày trước, làm nghề xe ôm cũng nhiều cám dỗ khi người miền xuôi lên buôn bán ma túy. Nhiều người gạ gẫm ông Thoại chở ma túy hoặc lấy ma túy bán cho họ kiếm được nhiều tiền nhưng ông nhất quyết khước từ. Cũng vì thế mà cái nghề xe lai chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Gần chục năm sau, đường giao thông được làm thuận lợi, ông Thoại đành giã từ nghề xe ôm vì không khách đi nữa. Ông Thoại trở về cùng vợ làm ruộng, bắt cá dưới suối nuôi con ăn học.
Con gái của ông bà đã 18 tuổi là sinh viên ngành giáo dục tiểu học của trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Đã gần tuổi 70 nhưng cuộc sống hai ông bà vẫn còn mặn nồng. Khoảng cách tuổi tác không còn giới hạn trong mối tình của hai ông bà.
Ngày ngày, bà trồng rau nuôi gà, nuôi lợn, ông kiếm con cá dưới sông, búp măng trên rừng nuôi nhau. Thi thoảng con gái được nghỉ học về cả nhà đoàn tụ sum vầy trong căn nhà nhỏ…