Chuyện tình có hậu của đôi vợ chồng mù bán vé số

(PLVN) - Giữa nơi phố núi mộng mơ, có một đôi vợ chồng cùng nhau bước qua mọi gian khó ở đời, hết “nghiệp cầm ca” họ lại cùng dắt tay nhau đi bán vé số mưu sinh. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Nghề (SN 1938) và bà Phạm Thị Diệu (SN 1944) ngụ tại khối 7, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 
Vượt lên số phận trắc trở, vợ chồng ông Nghề vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc
Vượt lên số phận trắc trở, vợ chồng ông Nghề vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc

Khúc hát se duyên

Nữ nhân vật chính trong câu chuyện tình đầy lãng mạn có một số phận nhiều trắc trở, tai ương. Bà Diệu vốn là một đứa trẻ mồ côi, cả hai mắt đều nhìn kém, thị lực chỉ còn 3/10. Bà Diệu không thể nhớ rằng quê gốc của mình ở đâu, chỉ biết là bà mồ côi từ nhỏ, lang thang đi rửa bát thuê, đi ở đợ, khuôn vác hay làm rẫy cho các gia đình giàu có quanh vùng. Thế rồi, định mệnh đã cho bà gặp được ông Nghề, một người đàn ông có hoàn cảnh cũng không khá khẩm hơn là mấy. 

Ông Nghề sinh ra trong một gia đình nhà nông, quê gốc ở tỉnh Bình Định. Ông không nhớ vì cơn cớ gì mà ngay từ khi còn nhỏ đôi mắt của mình bỗng nhiên mờ đi, rồi mù hẳn không nhìn thấy gì nữa dù được cha mẹ hết lòng cứu chữa.

Bà Phạm Thị Diệu
Bà Phạm Thị Diệu 

Để rồi những tháng ngày chìm đắm trong tuyệt vọng khiến nhiều khi ông Nghề muốn từ bỏ cuộc sống để gia đình bớt gánh nặng. Nhưng nước mắt của người mẹ thân yêu đã níu ông lại, cố gắng sống tiếp. Một lần nghe được chương trình ca nhạc trên radio ở nhà bạn, ông Nghề bảo bố mẹ mua cho mình một chiếc giống như vậy để tập hát theo đài. Khi thấy con suốt ngày ngồi hát nghêu ngao, bố mẹ ông tưởng con mình phát bệnh điên nên mời thầy về nhà khám nhưng may thay đó chỉ là sự lầm tưởng.

Năm 1964, gia đình ông Nghề chuyển lên Tây Nguyên lập nghiệp. Chàng trai Nghề lúc này đã là một thanh niên, không đành lòng ngồi không nhìn cha mẹ lao động vất vả nên ông quyết định đi hát rong để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Năm 1980, trong một lần đi hát rong đến quán ăn, nơi bà Diệu làm thuê, hai người đã quen nhau. Lúc đó, tiếng hát của ông đã làm rung động trái tim cô gái mồ côi, còn về phía ông Nghề chỉ dám thầm thương, trộm nhớ người con gái có giọng nói nhẹ nhàng dám buông lời trêu ghẹo làm cho ông phải đỏ mặt. Từ đó, chiều nào ông Nghề cũng ghé qua quán ăn để được nghe giọng nói của người mình yêu và được hát những lời từ trái tim mình.   

Không ngờ, bố mẹ của ông Nghề biết chuyện con trai mình phải lòng một cô gái có đôi mắt thong manh, người mẹ thì ủng hộ nhưng người cha thì kịch liệt phản đối bởi, vợ thong manh mà lấy chồng mù thì sau này biết lấy ai mà cậy trông. Về phía bà Diệu cũng thật lòng yêu ông Nghề nhưng có quá nhiều những lời dèm pha, ngăn cản khiến cho bà tủi thân, khóc lóc. 

Mắt sáng hơn nên bà Diệu làm nhiệm vụ dắt chồng đi bán vé số
Mắt sáng hơn nên bà Diệu làm nhiệm vụ dắt chồng đi bán vé số

Bà Diệu còn nhớ: “Lúc đó, ông chủ nơi tôi làm việc cũng ra sức ngăn cản, bởi ông ta định mai mối tôi một người bạn của mình. Một lần phát hiện ra tôi cùng ông ấy (ý nói ông Nghề - PV) hẹn hò ở ngoài cửa quán, ông chủ quán đã vác hẳn gậy vụt tới tấp vào người ông ấy, khiến đồ nghề văng xuống đường. Lúc đó, tôi đã chạy đến đẩy ông chủ ra, đỡ ông Nghề lên mà không kìm nén được những giọt nước mắt lăn dài trên má”.

Đến năm 1985, sau đúng 5 năm yêu thầm trộm nhớ, ông Nghề đã dũng cảm ngỏ lời cầu hôn bà Diệu. Bố ông Nghề cũng phải chấp nhận cho con mình cưới về một người con dâu không như ý muốn. Ngày cưới, hai bên họ hàng chẳng có ai, nhưng hôn lễ vẫn diễn ra suôn sẻ và đầy ý nghĩa.

Hạnh phúc mỉm cười

Thời gian đầu hai vợ chồng sống bên nhau cũng chính là quãng thời gian vất vả, gian truân nhất. Lúc đó, bố mẹ ông Nghê lần lượt qua đời vì ốm đau, bệnh tật. Còn mấy người em của ông Nghê cũng đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm ăn. Ở Đắk Lắk chỉ còn hai vợ chồng sống dựa vào nhau trong căn nhà dột nát.

Giữa lúc cuộc sống đang bộn bề gian khó thì bà Diệu sinh đứa con gái đầu lòng cho ông. Hạnh phúc đã nảy sinh nhưng kèm theo đó là những nỗi lo toan về cơm, áo, gạo, tiền. Ngoài thời gian chăm con, bà Diệu vẫn tranh thủ đi nhặt ve chai, còn ông Nghề vẫn đi hát rong. 


Sau lần bà Diệu bị hai tên cướp chấn lột hết tiền bán ve chai, ông Nghề quyết định đưa vợ đi hát rong cùng. Từ đó, ngày nào người dân thành phố Buôn Ma Thuột cũng nhìn thấy cô vợ thong manh, dắt chồng mù hát rong khắp các con đường, ngõ hẻm. 

Năm 1990 và năm 1992, bà Diệu còn sinh thêm cho ông Nghề hai người con gái nữa. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên con cái của ông Diệu, bà Nghề đều bị đứt gánh giữa đường. Dù cuộc sống có nhiều vất vả, cực nhọc nhưng đôi vợ chồng già chưa bao giờ to tiếng, hay nặng lời với nhau. 

Ông Nghề tâm sự: “Đời tôi không may nên mới bị mù lòa như thế! Dù biết tôi bất hạnh hơn người khác, nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ cuộc sống của mình. Sống phải có ý nghĩa, dù quãng đời sau này còn gian truân hơn nữa. Giây phút bà Diệu nhận lời làm vợ của tôi đã giúp tôi nhận ra hạnh phúc là như thế! Tôi cần phải gắng sống tốt hơn, vì quanh tôi còn rất nhiều người đáng trân quý”. 

Nghĩ lại lúc đến bên nhau mà bà Diệu muốn chảy nước mắt: “Đời mồ côi cứ như cánh chim lạc giữa trùng khơi vậy. Nếu không có ông ấy không biết đời tôi còn có ý nghĩa gì không. Rất may vì cả ba đứa con của tôi sinh ra đều phát triển bình thường. Hiện tại, ba đứa con đã lập gia đình và con cái đuề huề. Tính đến giờ, vợ chồng tôi không còn phải lo thiếu ăn, thiếu mặc cho con nữa”. 

Cuối năm 2009, hai vợ chồng bà Diệu quyết định không đi hát nữa vì sức khỏe của ông Nghề không đủ điều kiện cho nghề cầm ca. Vì thế, hai vợ chồng già lại cùng nhau đi bán vé số với tâm niệm: “Làm được bao nhiêu thì làm, dù đói rách nhưng ngày nào hai vợ chồng cũng được nắm tay nhau, cười nói bên nhau là mãn nguyện lắm rồi!”./.

Đọc thêm