Chuyện tình cổ tích của “người đàn bà Napalm“

(PLVN) - Chị đã phải gửi lại tuổi xuân và nhan sắc trong chiến tranh vì bom Napalm, sau đó lại bị chồng phụ bạc bỏ theo người khác giữa lúc đứa con đầu lòng sắp chào đời... Và rồi thật kỳ diệu, trong những ngày tháng tuyệt vọng và đầy mặc cảm đó, một người chồng đàn ông đôn hậu kém chị 19 tuổi đã tình nguyện làm bến đỗ cho hạnh phúc đời chị...
Hai nhân vật chính trong "cổ tích tình yêu"
Hai nhân vật chính trong "cổ tích tình yêu"

Chiến tranh biến cô giao liên xinh đẹp thành tàn phế

Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trí Phải, Thới Bình, Cà Mau; năm 1959 cô thiếu nữ Phan Thị Huờn tham gia làm liên lạc cho cách mạng. Khi đưa thư, lúc dẫn đường, mọi việc được giao chị đều hoàn thành xuất sắc. Một thời gian sau đó chị được tổ chức phân công về đơn vị quân y V24, nơi tiếp nhận và điều trị các thương bệnh binh từ chiến trường đưa về.

Đến giờ kể lại, chị Hườn vẫn còn đau đớn, bàng hoàng: Đúng ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp năm Quý Mão (1963) trên đường cùng đồng đội đi mua thực phẩm về tổ chức Tết cho thương binh, chị rơi ngay vào tâm điểm trận bom napalm của địch. Đồng đội hy sinh hết, chị may mắn thoát chết và được gia đình một người dân mang về chăm sóc. 

 

Chị kể, chị may mắn sống sót nhưng da thịt bị cháy đùn lại từng mảng trên cơ thể, các mạch máu cháy vỡ loang ra nhăn nhúm, toàn thân như được phủ lên một lớp da mới bằng lửa. Sau 3 ngày ở nhà dân, chị Huờn được đưa về đơn vị điều trị trong suốt một năm trời. Dù đã xác định giữ được mạng sống là quý lắm rồi nhưng chị Hườn vẫn đau đớn muốn chết đi mỗi lần soi gương, thậm chí không dám nhìn vào gương mặt mình.

Nhưng rồi sự sẻ chia, tình đồng đội lần hồi cũng giúp chị gượng dậy lao vào công tác cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, chị Huờn được Nhà nước đưa ra Hà Nội điều trị một thời gian dài. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có thể giảm thiểu tối đa hậu quả của bom Napalm trên cơ thể, còn việc phục hồi khuôn mặt người con gái xinh đẹp năm xưa là hoàn toàn không thể. 

Năm 1986, chị về hưu khi mang quân hàm thượng úy với tỷ lệ thương tật trên 60%, được cấp 200m2 đất trên đường “Hồi Lực” tức đường Huỳnh Phan Hộ, thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ hiện nay. Cũng trong năm này chị Huờn được chính quyền địa phương “se duyên” và đứng ra tổ chức đám cưới với một anh bộ đội về hưu.

Tác giả (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng anh Vui, chị Huờn
 Tác giả (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng anh Vui, chị Huờn

Những tưởng chị sẽ được hưởng hạnh phúc sau bao nhiêu bất hạnh, đau đớn do chiến tranh mang lại. Những tưởng người từng đi qua cuộc chiến ắt dễ dàng thông cảm, chia sẻ cùng nhau quãng đời còn lại khi đã dứt bom đạn. Đâu ngờ đúng thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa chị sinh con trai đầu lòng, khi mẹ con chị cần một điểm tựa từ người cha, người chồng thì chồng chị lại dứt áo ra đi không một lời từ biệt...

Từ đó chị một mình nuôi con trong nỗi đau và sự mặc cảm. Sự quay lưng của người chồng như một cái tát, nhắc rằng chị là một người đàn bà “bỏ đi”, xấu xí sẽ không có một chút hạnh phúc nào dù nhỏ nhoi.

Chuyện tình cổ tích giữa đời thường

Thật bất ngờ, trong những ngày mặc cảm và tuyệt vọng, mất hết niềm tin về tình yêu và hạnh phúc thì số phận lại cho chị gặp anh Vui- người chồng của chị sau này rất đẹp trai, khỏe mạnh và kém chị tới 19 tuổi. 

Cảm động hơn, anh Vui là người chủ động ra UBND phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, Cần Thơ) xin Chủ tịch phường cho phép anh cưới chị - người nữ thương binh hơn anh 19 tuổi, bị chồng bỏ đang một mình nuôi con trai 2 tuổi. Việc họ lấy nhau là một sự kiện "chấn động" dư luận hồi bấy giờ.

Trong căn nhà tình thương đã xuống cấp trầm trọng, anh Vui tâm sự: “Trước khi kết duyên với Tư Hườn, tôi cũng đã qua một "lần đò". Tui lấy người vợ trước năm 21 tuổi, chúng tôi có với nhau có 3 mặt con. Sống với nhau được 5 năm, cũng vì nghèo khổ quá mà cô ấy dứt tình. Điều làm tui day dứt mãi đến giờ là 2 trong 3 đứa con dứt ruột đẻ ra đã bị người vợ đó đang tâm đem cho người khác, mấy chục năm chẳng biết tung tích ra sao?”

Bức ảnh anh Vui, chị Hườn chụp trong ngày cưới con gái
Bức ảnh anh Vui, chị Hườn chụp trong ngày cưới con gái  

Hồi đó, sau khi chia tay người vợ đầu, anh Vui ôm đứa con gái 3 tuổi về quận Bình Thủy làm mướn nuôi con. Thời điểm ấy đất đai khu “Hồi Lực” nơi chị Hườn sinh sống chỉ toàn ruộng rẫy chưa thành thị hóa như bây giờ, là nơi mà anh Vui thường xuyên tới lui bán sức lao động kiếm cơm. Chính tại nơi này anh đã gặp chị và thương chị.

Anh Vui kể lại: “Nghe tin tui thương bả, nhiều người nói tui khùng, thậm chí kẻ ác miệng còn nói tui chỉ lợi dụng bả…”. Những lời nói ra, nói vào ấy như con dao nhọn thọc thẳng vào trái tim của cả hai con người bất hạnh. 

Về phía chị Hườn, khi nghe anh Vui nói thương mình và muốn chung sống, chị thật sự hoảng hốt. Chị nghĩ anh đang đùa giỡn mình, một sự chế nhạo độc địa! Anh trẻ hơn chị 19 tuổi, một người đàn ông bình thường, khỏe mạnh thiếu gì người thương? Chị thoái thác bằng lời thách thức: “Tui là người của tổ chức, anh muốn cưới thì lên xin phường, nếu chủ tịch phường đồng ý thì tui chịu!” Chị nghĩ là anh sẽ bỏ cuộc. 

“Với một người làm thuê, cuốc mướn như tôi rất ngại chuyện đến cửa quan… Đó là chưa nói lý do lại gặp chủ tịch để xin cưới bả, ai mới nghe cũng tưởng chuyện tiếu lâm, hoang đường. Vậy mà tôi đã đi, có lẽ tình cảm tôi dành cho bả lớn hơn mọi sự e ngại…”- anh Vui kể lại.

Hạnh phúc bình dị của anh Vui, chị Hườn
Hạnh phúc bình dị của anh Vui, chị Hườn 

Thế rồi chị đã đồng ý đặt bàn tay mình vào tay anh! Bán 200m2 đất là tài sản riêng của chị ở khu “Hồi Lực”, hai vợ chồng con cái đưa  nhau về phường Bình Thủy mua miếng đất nhỏ ở tạm. Hàng ngày anh đi làm hồ, chị ở nhà lo cho hai đứa trẻ. Khi đó đứa con trai của chị 2 tuổi, đứa con gái của anh 3 tuổi, trở thành chị em trong cùng một mái nhà. 

Đã 27 năm kể từ ngày anh chị về với nhau, giờ đây anh chị đã lên ông lên bà. Hai đứa con riêng của hai người thành chị em ruột, cùng cha cùng mẹ. Đến nay hai người con đã xây dựng gia đình riêng, cũng đàng hoàng như người ta, anh chị đã có cháu gọi ông ngoại và bà nội. Con dâu của anh chị là cô giáo mầm non dạy học ở huyện Phong Điền; khi chỉ chiếc giấy khen của con dâu treo trên vách, tôi thấy hai mắt chị long lanh, đầy hãnh diện. 

Người đàn bà Napalm giờ đây vẫn sống nghèo khó, thiếu thốn trong căn nhà tình thương xuống cấp ở đường Nguyễn Truyền Thanh, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Mái tóc lơ thơ của chị đã bạc trắng, anh Vui cũng không còn khỏe mạnh như ngày gặp chị với bao nhiêu căn bệnh do lao lực mà ra. Nhưng cả hai đều sống vui vẻ, mãn nguyện với hạnh phúc mình đang có. 

Đọc thêm