Chuyện tình của ông bà chủ spa khiếm thị

0:00 / 0:00
0:00
Khi dắt tay vợ bước ra lễ đường ở nhà thờ Lâm Hà, nghe tiếng trầm trồ của khách, chú rể Minh Hải cười mãn nguyện.

"Có người nói, cả hai đứa đều mù thì tổ chức đơn giản thôi. Nhưng tôi biết vợ mình muốn rạng rỡ như những cô dâu khác trong ngày quan trọng nhất đời", Minh Hải, 25 tuổi, giải thích trước quan khách trong video về hôn lễ của họ, hôm 22/11.

Trước khi đi đến đám cưới, hai người đã có năm năm đồng hành vượt qua nhiều gian khó, thử thách. Họ cùng nhau gầy dựng một cơ sở spa trị liệu ở TP HCM hai năm trước, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 70 triệu đồng. COVID-19 ập đến, hai vợ chồng đóng cửa spa, về quê làm đám cưới và coi thời gian nghỉ dịch là tuần trăng mật "trời cho".

Dung quen Hải năm 2016, khi cô đăng tuyển tình nguyện viên viết bài cho công ty, nơi mình làm việc. Trong phần phỏng vấn, chàng trai đồng hương gây ấn tượng với Dung khi tiết lộ mục tiêu sự nghiệp là tạo cơ hội cho người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, được đối xử bình đẳng. "Tôi tiếp xúc nhiều người mù, nhưng không ai có chung lý tưởng với mình đến vậy", Dung, 27 tuổi, kể.

Dung và Hải đi chơi tại khu du lịch Bửu Long Đồng Nai, dịp Tết Nguyên Đán năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Hải sinh ra với căn bệnh thoái hóa võng mạc. Năm 14 tuổi, ánh sáng quanh anh tắt lịm. Lúc đó, cậu bé chỉ biết khóc vì sợ hãi và thất vọng. Ba đưa Hải từ bệnh viện đến Nhà thờ lớn Hà Nội cầu nguyện.

Đứng bên ngoài nhà thờ, ba kể với Hải: "Trước mặt con là một cô gái trọc đầu, ngồi xe lăn. Cô bị ung thư giai đoạn cuối nhưng đang cười vui bên gia đình. Người ta sắp mất cả cuộc đời mà vẫn có thể lạc quan. Tại sao con chỉ mất một đôi mắt mà phải rầu rĩ thế này".

Hải nghe tiếng cười đùa của gia đình đứng trước mặt mình. Lúc đó, cậu nhận ra, không có đôi mắt mình vẫn có thể cảm nhận thế giới bằng các giác quan khác. "Từ hôm đó, tôi biết mù chỉ gây nên bất tiện chứ không phải bất hạnh", Hải nhớ lại. Sau gần một năm nghỉ học, anh đến mái ấm dành cho người khiếm thị ở TP HCM, học văn hóa và kỹ năng sống.

Khi mới quen Dung, Hải vừa học hết cấp 3, đang muốn theo chuyên ngành quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, thầy cô và bạn bè đều nói ngành này không dành cho người mù.

"Tôi luôn nghĩ mình có 14 năm sáng mắt nên tin mình có thể tự lập", Hải kể với Dung về những ngày mới ra thuê nhà ở riêng. Những ngày đó, anh thường xuyên bị bỏng, đứt tay lúc nấu ăn. Bữa cơm món sống, món cháy khét. Vài cái bếp điện hỏng vì anh không biết cách sử dụng.

Nghe chàng trai kể khổ, thi thoảng Dung bắt xe ôm đến phòng trọ hướng dẫn cách nấu ăn. Nhờ cô, anh thuần thục cách sử dụng bếp điện, tự tay làm những bữa cơm đơn giản. "Tôi thấy cô ấy như siêu nhân. Cũng khiếm thị từ năm tám tuổi, nhưng việc gì Dung cũng biết", Hải nhớ lại. Có động lực, từ một người vụng về khi vào bếp, chàng trai bỗng thích nấu ăn. Anh lập một kênh YouTube về ẩm thực hướng dẫn mọi người nhiều món ngon.

Ảnh cắt từ clip Hải thể hiện món súp, dự thi trong một nhóm dành cho người yêu bếp núc trên mạng xã hội, tháng 5/2020. Ảnh nhân vật cung cấp

Bên nhau vài tháng, tình yêu nảy nở giữa hai người. "Anh ấy cùng cảnh, lại trưởng thành hơn so với tuổi, hiểu biết và lãng mạn đúng gu của tôi", Dung nói lý do nhận lời chàng trai kém mình hai tuổi.

Nhưng đã có lúc tình yêu của Dung chênh vênh. Hải bị các trường đại học từ chối vì khiếm thị, tuột mất suất học bổng kỳ vọng. Giữa lúc đó, anh lại bất đồng với một số người bạn thân thiết. Hải sa vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Có những hôm Dung gọi đến, thấy bạn trai bắt máy nhưng không nói gì, cô biết anh đã say.

Dung bắt xe ôm đến chăm sóc người yêu. "Đã có lúc tôi rất nản nhưng nghĩ giữa lúc anh cần một chỗ dựa mà mình bỏ đi, anh càng trượt dài", cô nói.

Dung gọi cho người thân và bạn bè của Hải nhờ khuyên nhủ và dặn bạn trai "cánh cửa này đóng lại thì có cánh cửa khác mở ra".

Năm 2017, Hải giành được học bổng toàn phần của đại học RMIT. Trong thời gian đi học, đôi trẻ thực hiện một số dự án dành cho cộng đồng người khiếm thị. Năm 2019, Dung và Hải cùng mở spa trị liệu, tuyển dụng 6 người khiếm thị và hai nhân viên sáng mắt.

Ba mẹ không thể hỗ trợ nên hai người tự tính toán, lập kế hoạch kinh doanh. "Tôi muốn khách hàng đến đây để chữa bệnh như bao chỗ khác, không phải đến vì thương hại", Dung nói.

Mẹ Hải, bà Tằng Thị Lương, 46 tuổi, bất ngờ vì những gì các con làm được. "Khi xuống Sài Gòn, tôi thấy hai đứa đã xây dựng được cơ sở spa rất chuyên nghiệp", bà nói.

Vợ chồng Hải chụp ảnh kỷ niệm trướcnhà thờ giáo xứ Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng sau đám cưới, hôm 22/11. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau đám cưới, hai vợ chồng ở lại quê tránh dịch. Ngày đầu tiên của cuộc sống vợ chồng, Hải dậy sớm làm bữa sáng cho vợ. Bê bát phở nóng ra bàn, chàng trai tự tin khoe với vợ: "Không cần đợi em thử, anh biết mình nấu ngon".

Xung quanh chỉ là bóng tối, nhưng đôi vợ chồng biết hôm đó trời đẹp khi thấy gió lùa qua vạt áo, nắng ấm lướt qua mặt.

Đọc thêm