Trong căn phòng rộng hơn mười mét vuông ở 19 Ngõ Gạch - Hà Nội có bốn người chung sống. Họ là những con người có tấm lòng cao cả và một nghị lực thép. Hai vận động viên paragame có thành tích cao. Một người khiếm thị, một người cụt chân và hai đứa trẻ thiên thần. Chúng đã rất hạnh phúc khi có được người cha người mẹ như vậy.
Vợ chồng Hán - Thanh |
Mẫu khiếm thị có gương mặt đẹp như vị thần Hy Lạp
Những năm 90 của thế kỷ trước Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp có một thanh niên trẻ làm người mẫu cho các sinh viên. Người thanh niên có gương mặt đẹp như một vị thần Hy Lạp.
Anh hiền lành chăm chỉ. Anh luôn thể hiện đúng tư thể giáo viên sắp đặt để cho sinh viên vẽ. Mỗi tiết học 45 phút, anh đứng với một vẻ mặt bất động thánh thiện. Sinh viên đưa dây rọi và thước ngắm vào sát mặt anh vừa để đo cho chính xác, vừa có ý trêu đùa nhưng người mẫu không có phản ứng. Chỉ đến khi sinh viên yêu cầu anh đánh con ngươi để định vị ánh mắt nhìn theo hướng của bài vẽ thì anh không làm được.
Khi ấy họ mới biết rằng người mẫu của mình bị khiếm thị.
Tạ Đình Hán, người chủ của gia đình và của bốn cơ sơ Tẩm quất Thật của người khiếm thị vẫn không khác cái thời làm mẫu cho sinh viên mỹ thuật là mấy. Thời gian như không thể làm anh già đi. Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện của mình.
Khi sinh ra Hán vẫn nhìn thấy ánh sáng như mọi người. Đến năm học lớp ba thì mắt Hán cứ mờ dần. Có thể do những năm ở chiến trường bom đạn chất độc hóa học đã nhiễm vào cơ thể bố Hán.
Mười năm làm nghề người mẫu có bao nhiêu buồn vui. Hán cười, ánh sáng láng trên gương mặt đẹp trai
"Nghề người mẫu cũng cực lắm. Mỗi tiết học là 45 phút, bọn em phải đứng một tư thế, không phải đứng bằng hai chân đâu, chân trụ, chân co, người lại vặn vẹo, lại chẳng có quần áo che thân, chỉ độc có chiếc quần sịp. Vì vậy mà có mỏi quá cũng không thể thay đổi tư thế. Nếu bọn em không giữ được đúng tư thế ban đầu thì sinh viên sẽ không vẽ được. Mùa hè còn đỡ vì chỉ ra mồ hôi, nhưng mùa đông thì rét lắm. Các thầy đã huy động mấy lò than tổ ong, sau này là đèn halogen nhưng vẫn rét”, Hán tâm sự.
-Tại sao em bỏ nghề người mẫu?
-Em lấy vợ chị ạ. Năm 2006 em cưới vợ, phải dành thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn.
Năm 2000 Hán tham gia hoạt động cùng Hội người mù, được đi học lớp trị liệu bằng xoa bóp và bấm huyệt. Kết thúc khóa học Hán cùng hai bạn nữa được giữ lại làm việc tại trung tâm gần trường THSC Nguyễn Đình Chiểu.
Cũng năm 2000, Hán tham gia thể thao dành cho người khuyết tật. Bắt đầu một trang mới của cuộc đời.
Cô bé lọ lem một chân
Năm 1996, vào cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái thì Thanh mất đi một chân. Sáu giờ sáng cô bé tần tảo giúp mẹ đạp xe đi đưa trứng thì bị xe tải cán nát chân trái.
Người cha, một thương binh, dày dạn chiến trường mà khi nghe tin con gái bị cưa cụt chân trái đã bưng mặt khóc ngất. Thanh nén đau để an ủi cha mẹ, rằng con không sao đâu. Khi vết thương đã lành miệng Thanh tiếp tục đến trường.
Tốt nghiệp PTTH Thanh trúng tuyển vào cao đẳng Quản trị kinh doanh khoa kế toán. Ra trường Thanh xin vào làm ở công ty Hanel, đứng ở dây chuyền sản xuất.
Thanh tâm sự: “Công ty đã nhận một người khuyết tật như em vào làm việc, em biết đó là sự cảm thông sâu sắc với em rồi. Em không có quyền đòi hỏi nhiều hơn nữa. Em phải thật cố gắng. Em đã đứng dây chuyền sản xuất như các bạn cùng trang lứa. Có những lúc về nhà tháo chân giả ra thì mới biết là do đứng lâu quá lớp da bị chầy tóe máu. Nhưng em vẫn hoàn thành tốt công việc. Sau đó công ty chuyến em sang việc chỉ phải ngồi”.
Cũng năm 2000 Thanh tham gia môn cầu lông dành cho người khuyết tật. Ở sân chơi này Thanh đã gặp Hán, chàng trai mù nghị lực ở môn điền kinh. Tinh yêu của họ đã nẩy mầm. Chuyện tình của hai người gặp nhiều sóng gió. Tám lần họ nói lời chia tay mà không rời bỏ nhau.
Cuộc đời luôn cho tất cả chúng ta một cơ hội
Không biết trong “cái nhìn” của Hán gương mặt của vợ mình như thế nào. Hán bảo, vợ em “nam tính” nên chúng em hòa hợp được với nhau. Trong cái nhìn của tôi, Thanh là một người đàn bà với những tất cả những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tảo tần, chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con, không kêu ca không đòi hỏi.
Thanh bảo, thời gian biểu của Hán và Thanh là: Sáng: từ 6 đến 8 giờ Hán đi tập điền kinh ở sân Hàng Đẫy (đi xe bus), Thanh cho con ăn sáng rồi đưa con đi học. Sau đó Thanh đến chỗ tập bộ môn cầu lông. Từ 9 đến 10 giờ Hán tập thể lực ở Khúc Hạo. Thanh tập xong đi đón chồng. Trưa, hai vợ chồng nấu ăn nghỉ ngơi đến khoảng ba giờ chiều. Sau đó đến các cơ sở tẩm quất Thật với 29 nhân viên đều là người khiếm thị.
Vì ít vốn nên phải tự tay vợ chồng Hán - Thanh làm hết mọi việc. Họ đi mua gỗ, mua da về đóng giường. Ga, gối thì sang Ninh Hiệp mua vải cho rẻ, nhờ cơ sở của người khiếm thính may.
Thanh tâm sự: “Chị có tin không, có lúc em nghĩ, em bị tai nạn cụt một chân lại là sự may mắn của cuộc đời em. Nếu em là người bình thường, em cũng chỉ học hết đại học rồi đi làm, rồi lấy chồng sinh con và có một tổ ấm gia đình. Sẽ không có cơ hội được nhiều người quan tâm, không đi tập thể thao để đạt những thành tích, sẽ không được đi nước ngoài... sẽ không được một người chồng mù tuyệt vời thế này chị ạ.”
Hiện tại vợ chồng Thanh - Hán đang rất hạnh phúc. Họ chưa thật là dư dả nhưng cũng đã có bát ăn bát để. Họ còn tạo công ăn việc làm cho những người thiếu may mắn. Đó là hạnh phúc được cộng thêm.
Họ có hai con học hành ngoan ngoãn, xinh xắn. Họ luôn cầu nguyện để các con em khỏe mạnh. Nghị lực sống và thái độ ứng xử với cuộc sống của đôi vợ chồng Thanh - Hán đã cho tôi thêm một cái nhìn đẹp đẽ về cuộc sống đang rất thiếu những gam mầu hồng hiện giờ.
Y Ban