16 năm trước – năm 2002, sau một biến cố gia đình, chị Y Thị Loan (dân tộc Mường) đưa đứa con trai còn nhỏ dại từ Hòa Bình vào Tây Nguyên sinh sống. Trời run rủi, chị dừng lại ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và lập gia đình với anh K’Sar (dân tộc E đê) cũng là người từ nơi khác về sống ở đó.
Trên gương mặt người phụ nữ ngoài 40 đã sạm lại vì nắng gió Tây Nguyên nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp thanh tú của người phụ nữ Mường, chúng tôi thấy niềm hạnh phúc không che giấu khi kể về tình yêu mà chị gặp ở Đắk Som – mà như lời chị là nơi “đất lành chim đậu”: “Khi tôi gặp anh ấy, anh cũng nghèo lắm, tay trắng chẳng có gì. Nhưng vợ chồng như đũa có đôi, quan trọng nhất vẫn là có tình cảm, có chung chí hướng. Bù lại, anh ấy rất chăm chỉ, hiền lành. Vợ chồng tôi làm thuê làm mướn mãi, rồi sau mới cố gắng phát được ít vườn, làm cái chòi lên ở”.
Chị chỉ căn nhà tôn còn đạm bạc nhưng ấm cúng, nói rằng đây là ngôi nhà được “nâng cấp” từ cái chòi năm đó. Hai vợ chồng có quyết tâm, có sức lực, cũng đã có ít vườn, nên khi đó chỉ mong có ít tiền vốn. “20 triệu đồng vốn chính sách vay từ chương trình giải quyết việc làm năm 2006 như phép màu trong câu chuyện cổ tích, hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều. Chị hình dung xem, khi chị không có gì để thế chấp, chỉ có cách duy nhất là vay nóng lãi cao bên ngoài, thì mấy chục triệu tiền chính sách lãi suất thấp không phải thế chấp có ý nghĩa thế nào. Khoản tiền đó, đối với gia đình tôi lúc ấy không hề nhỏ. Nó giúp vợ chồng tôi tạo những cơ sở đầu tiên cho cà phê ngoài kia” – chị Loan nói.
Sau đó, khi trả xong vốn giải quyết việc làm, chị lại được vay tiếp 30 triệu đồng vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, sau khi trả xong lại được vay 30 triệu năm 2012, rồi lại đến khoản 30 triệu năm 2015, để cải tạo chăm sóc cà phê. Theo ngày tháng, kinh tế vững vàng hơn, nhưng với sự đồng hành của những khoản vay chính sách, chị Loan biết Nhà nước đang bên cạnh giúp chị vươn lên thoát hẳn khỏi cuộc sống khó khăn.
Bước chân vào gia đình chị Y Thị Loan – anh K’ Sar mới thấy vai trò của đồng vốn chính sách trong cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số Đắk Som. Ngoài đồng vốn để hỗ trợ vợ chồng chị sản xuất kinh doanh, gia đình chị còn được vay vốn để xây dựng và cải tạo lại công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, và đặc biệt là khoản vay hơn 33,7 triệu đồng từ chương trình học sinh, sinh viên cho con trai chị là Bùi Anh Văn đi học ngành Dược.
Giờ cuộc sống bứt lên ổn định được rồi, Bùi Anh Văn đã tốt nghiệp ra trường và mở cửa hàng dược ở địa phương. Anh chị cũng dư dả để tính toán làm ăn vững bền hơn. Chỉ cho chúng tôi cơ ngơi 1500 con gà, 5 con bò, 25 con dê và 3,5 ha cà phê, chị Loan kể: “Tôi nuôi bấy nhiêu bò, gà, dê vừa không tốn tiền mua phân vừa có phân bón cà phê mang lại năng suất cây trồng cao hơn, coi như mỗi năm tiết kiệm được 150 triệu tiền phân bón, trước toàn phải mua mà không hiệu quả lắm. Trong khi đó, dê gà bán đi lãi ít, lãi nhiều cũng đủ nuôi các con qua ngày, lấy ngắn nuôi dài. Trong khi đó, tôi tận dụng cỏ vườn nuôi dê, lại không phải phun thuốc diệt cỏ, cà phê không bị nhiễm hóa chất, tiện cả đôi đường”.
Giữa buổi trưa tháng 9 đầy nắng, nhìn về vườn cây xanh trước mắt, anh chị hồ hởi: “Đôi ba năm nữa các cô, chú quay lại Đắk Som chơi nhé, khi đấy chúng tôi mời các cô, chú tới thăm nhà mới”. Chia tay anh chị, chúng tôi mang theo câu chuyện tình đẹp ấy, cũng thầm cám ơn tình đất tình người Đắk Som và những người làm tín dụng chính sách trong câu chuyện đời hết sức nhân văn của gia đình chị Loan – anh K ‘ Sar.