Nhưng lúc này một rắc rối lại xảy ra khi kỹ thuật giám định pháp y của nước bạn chưa thể xác định nhân thân thi thể. Trong khi gia đình nạn nhân mất tích thì khắc khoải từng ngày ngóng “ngày trở về” của người thân.
Tin dữ báo về, tàu chìm, người mất tích
Giữa tháng 10/2012, tàu Saigon Queen mang cờ Việt Nam số hiệu 3WLR, số IMO 9364083 của Công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn, có đơn hàng đường dài chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ. Trên hải trình, vào lúc12h15 ngày 30/10/2012, con tàu trọng tải 6.500 tấn đã gặp cơn bão Nilam ở vùng biển Sri Lanka và chìm xuống biển. Trước khi mất liên lạc tàu đã thông báo bị nghiêng 18 độ, chạy theo hướng 240 độ.
Thuyền trưởng tàu Saigon Queen là ông Nguyễn Minh Luận – một người kỳ cựu trong nghề với mấy chục năm kinh nghiệm. Trong cuộc đời làm thủy thủ của mình, ông Luận đã từng được khen thưởng vì cứu một chiếc tàu hơn 30.000 tấn chở thép cuộn thoát khỏi sự cố trên biển.
Nhưng dường như lần này có điềm báo trước, khi ông khởi hành tàu Saigon Queen cùng với 21 thuyền viên chở hàng đến Ấn Độ, khi mới đến vùng biển Vũng Tàu, máy của Saigon Queen bị trục trặc, tàu phải dừng lại sửa chữa xong mới tiếp tục hành trình. Chiều 29/10/2012, sau 3 ngày rời khỏi Yangon - Myanmar, tàu tới vùng biển Sri Lanka thì bất ngờ gặp bão.
Sáng 30/10/2012, cơn bão đã mạnh thêm, Saigon Queen gửi điện về chủ tàu thông báo: "Do gặp thời tiết xấu nên hàng bị xô, tàu phải quay đầu xuôi dòng để chằng buộc lại". Đến hơn 12h trưa, tình hình diễn biến xấu, tàu bắt đầu bị nghiêng và thuyền trưởng đã phát tín hiệu báo động cấp cứu qua vệ tinh, đồng thời chuẩn bị phương án thoát hiểm cho đoàn thủy thủ.
Thế rồi, hai con sóng to đã dìm sâu mũi tàu xuống, nước tràn ào ào vào khiến tàu nghiêng sang mạn phải. Tất cả thuyền viên lên boong, mặc áo phao và nhận lệnh rời tàu. Tuy nhiên, trong lúc leo thang dây từ tàu xuống xuồng cứu sinh, máy trưởng Hoàng Văn Bân (58 tuổi) không may bị trượt chân ngã xuống biển. Thợ máy Phạm Phú Hữu (28 tuổi) không hiểu vì sao lại quay lại tàu rồi cũng bị mất tích. Thủy thủ trưởng Trần Văn Đề (54 tuổi) đã ngồi trong xuồng cứu sinh nhưng bị một cơn sóng mạnh đánh bật ra khỏi xuồng, cuốn chìm vào chân vịt tàu mất tích.
Còn thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (51 tuổi), sau khi được tàu bạn đang đi trong vùng biển đó ứng cứu, trong gió bão ông đã giữ thang cho từng thuyền viên lần lượt rời xuồng cứu sinh lên tàu. Khi tất cả 15 thuyền viên đã lên hết tàu, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân là người cuối cùng bước lên thang dây. Tuy nhiên, khi mới leo được vài bậc thang, ông đã tuột tay, rơi xuống biển.
(ảnh minh họa). |
"Thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân cũng mặc áo phao, nhưng vật lộn với sóng giữ cùng anh em suốt từ sáng đến chiều, quá đuối sức, không bám dây nổi nên bị rơi xuống biển" – một thủy thủ sống sót đau đớn kể lại.
18 thuyền viên của tàu Saigon Queen đã được cứu nạn, còn 4 người nói trên đã bị mất tích giữa biển khơi. Khi con tàu mới gặp nạn được vài ngày, tại lễ cầu an, cầu siêu cho các thủy thủ ở Hải Phòng, gia đình các thủy thủ vẫn hy vọng rằng người thân của họ không tử nạn mà chỉ đang dạt vào đâu đó trên hòn đảo hoang gần khu vực tàu bị chìm và điều thần kỳ rồi sẽ đến.
Pháp y xuyên biên giới
Nhưng rồi, mặc dù các bên liên quan đã tập trung mọi phương tiện và lực lượng để tìm 4 người mất tích, Ủy ban Quốc gia về Tìm kiếm Cứu nạn phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka, Ấn Độ, lực lượng tuần duyên Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm đề nghị phía Sri Lanka huy động mọi phương tiện sẵn có để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, nhưng thời gian cứ trôi đi trong sự vô vọng và trong nỗi đau khôn nguôi của 4 gia đình.
Sau đó gần 3 tháng, một thông tin trên mạng đã thắp lại niềm hy vọng cho thân nhân những người mất tích. Đó là tại một hòn đảo thuộc nước Cộng hòa Maldives đã phát hiện thi thể trôi dạt vào bờ biển nghi là của thủy thủ tàu Saigon Queen. Nơi phát hiện ra thi thể cách nơi xảy ra tai nạn hơn một nghìn hải lý.
Thi thể này mặc bộ đồ bảo hộ lao động và áo phao có in dòng chữ Saigon Queen nên thân nhân của 4 gia đình đều rất mừng và thầm mong sẽ sớm tìm được người thân của mình. Ngay sau đó, cũng có một phần thi thể khác trôi dạt vào và cũng được cơ quan chức năng nước Cộng hòa Maldives giữ lại để xác định danh tính.
Nhưng lúc này một rắc rối lại xảy ra khi kỹ thuật giám định pháp y, AND của Maldives chưa thể thực hiện được nên không thể có câu trả lời về nhân thân của thi thể. Theo lời đề nghị của Công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn, mẫu giám định đã được gửi thẳng từ nước Cộng hòa Maldives tới Khoa Y sinh học Viện Pháp y quốc gia.
Ngày 27/3/2013, Khoa Y sinh học nhận được hai mẫu giám định là hai đoạn đầu chỏm xương đùi đánh số ký hiệu 1301418 và 1301420 cùng với mẫu tóc của anh Hoàng Văn Tiến là thân nhân của máy trưởng Hoàng Văn Bân. Các giám định viên và kỹ thuật viên đã tách chiết AND ty thể từ hai mẫu xương và mẫu tóc của anh Hoàng Văn Tiến, sau đó tiến hành giám định.
Kết quả cho thấy mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 trùng với trình độ nucleotide thu được từ mẫu chân tóc của anh Hoàng Văn Tiến, còn mẫu còn lại thì không. Kết luận người có mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với anh Hoàng Văn Tiến. Chủ nhân của mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 chính là máy trưởng Hoàng Văn Bân.
Em trai tôi đã “trở về”
Ngay sau khi Viện Pháp y trả kết quả, ai cũng hiểu gia đình máy trưởng Hoàng Văn Bân đã được an ủi thế nào khi thi thể người thân đã được tìm thấy. 22h ngày 22/5/2015 hài cốt của máy trưởng Hoàng Văn Bân về tới quê nhà và được an táng tại nghĩa trang Đa Phúc, xã Đa Phúc huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Sự việc trôi qua đã mấy năm, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Cơ vẫn rưng rưng xúc động. Bởi đằng sau sự trở về của em trai ông - Hoàng Văn Bân – máy trưởng tàu Saigon Queen đã có rất nhiều nỗ lực của những giám định viên.
Trò chuyện với phóng viên, ông Hoàng Văn Cơ, anh trai của máy trưởng Hoàng Văn Bân cho biết để em trai ông có ngày “trở về” rất nhiều người đã phải lao tâm khổ tứ giúp đỡ.
“Tôi đặc biệt xúc động trước sự nhiệt tình của các giám định viên và kỹ thuật viên Khoa Y sinh học Viện Pháp y quốc gia vì sau khi mọi việc giám định liên quan đến em tôi đã hoàn thành thì Viện có mua về một chiếc máy giám định AND mới, tối tân hơn. Các giám định viên và kỹ thuật viên Khoa Y sinh học đã không quản ngại giám định lại một lần nữa giúp gia đình trên máy mới để có kết quả chắc chắn nhất” – ông Cơ kể lại.
Được biết, trước khi nhận hài cốt máy trưởng Hoàng Văn Bân được chuyển từ Maldives về, ông Hoàng Văn Cơ có bày tỏ lo lắng với các giám định viên rằng ông không biết làm thế nào để biết chính xác đó là hài cốt của người thân mình. Các giám định viên đã đưa cho ông Cơ mẫu đầu chỏm xương đùi đánh số ký hiệu 1301420 của người em trai và chỉ cách so sánh vết cắt trên hài cốt, cách đặt mẫu vào chỗ cắt xem có trùng khít hay không. Ông Hoàng Văn Cơ đã làm theo hướng dẫn và đó đúng là em ông – máy trưởng Hoàng Văn Bân của tàu Saigon Queen - đã “trở về” quê hương.
Thầm mong có thể mang sự an ủi cho một gia đình nữa
Trong số bốn người mất tích của tàu Saigon Queen, chỉ một người được tìm thấy và xác định danh tính. Được biết, cũng cùng đợt đó, Công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn đã tiếp tục đề nghị Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm mẫu xương đánh số ký hiệu 1301418 còn lại với mẫu tóc của người nhà 3 người mất tích là thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, thủy thủ trưởng Trần Văn Đề và thợ máy Phạm Phú Hữu. Tuy nhiên, kết quả giám định đều không trùng khớp.
“Làm giám định ai cũng mong muốn kết quả của mình mang lại niềm an ủi cho mọi người, nhất là lần này khi còn tới ba gia đình vẫn đau đớn chưa biết người thân của mình trôi dạt phương nào. Trong lúc tiến hành giám định, không ai bảo ai nhưng anh chị em trong khoa chỉ thầm mong sao có thể mang sự an ủi cho một gia đình nữa. Nhưng tiếc rằng kết quả không trùng khớp, chủ nhân của mẫu xương ghi ký hiệu 1301418 tuy cũng là một người cũng bị nạn trên biển vì một lý do nào đó, nhưng không phải là thủy thủ tàu Saigon Queen” – ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết.