Chuyện về hai cô gái Mông đặc biệt ở Sa Pa

(PLO) - Tôi gặp Tẩn Thị Su và Giàng Thị Lang ở hai sự kiện khác nhau. Một người được vinh danh trên Forbes Vietnam năm 2016 và một người có tên trong cuốn sách “Con gái bà Triệu”. Họ đều rất trẻ, tuổi từ 26-30, đều sống sau những mỏm núi ở Sa Pa,  họ đều có gần 20 năm làm hướng dẫn viên du lịch. Và giờ đây, họ đều là những giám đốc người Mông nổi tiếng ở Sa Pa …
Tẩn Thị Su (phải) và Giàng Thị Lang
Tẩn Thị Su (phải) và Giàng Thị Lang

Cô gái Forbes và Sa Pa O’Chau

“Năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Su khi đó 21 tuổi thành lập Sa Pa  O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sa Pa ) theo mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn tám năm hoạt động, Sa Pa  O’Chau đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa”.

Đó là lời giới thiệu về Tẩn Thị Su (SN 1986) được đăng tải trên trang web của Forbes Vietnam sau khi cô gái dân tộc Mông này lọt danh sách “30 Under 30” . Cô gây bất ngờ cho nhiều người khi Tẩn Thị Su được vinh dự trở thành cô gái dân tộc duy nhất lọt vào ba CEO nữ tuổi trẻ tài cao của Forbes Việt Nam năm 2016. Bởi như bao bạn bè khác ở Lao Chải, Su lớn lên trong sự nghèo khó và vất vả. Nhà đông anh em, cùng thêm con gái không được học nhiều, nên Su chỉ được học đến lớp 3 rồi phải theo mẹ xuống chợ bán hàng cho khách du lịch. Những ngày tháng non nớt ấy,  Su tự học chữ, tự học tiếng Anh và làm hướng dẫn viên.  

Trong ký ức của cô giám đốc người Mông, những ngày tháng ấu thơ thực sự là một quá khứ nhọc nhằn. Số tiền kiếm được từ việc bán hàng chả đáng là bao (chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng/ngày, thậm chí có ngày không bán được đồng nào) nên việc sinh hoạt rất kham khổ. Ban đêm Su chỉ dám thuê gầm cầu thang để ở. Thức ăn cũng chỉ dám gọi cơm với rau, thậm chí những lúc hết tiền, cô còn phải ăn lại thức ăn thừa do khách bỏ lại. Bán hàng được một thời gian, Su tham gia vào công việc hướng dẫn viên du lịch. 

Dẫu công việc hướng dẫn viên tuy nhẹ nhàng hơn nhưng do cô không được học hành nên chỉ được trả lương rất ít, chỉ bằng khoảng 1/5 so với những người được đào tạo. Hơn nữa, Su là người dân tộc thiểu số sống khá sâu trong rừng, nên thường xuyên bị đối xử tệ. Cô nhớ lại, có lần lên xe cùng đoàn khách du lịch, cô bị lái xe mắng rất thậm tệ: “Cái con dân tộc này, chúng mày hôi lắm. Ngồi xuống dưới cùng mau, ngồi cẩn thận không bẩn hết xe ông”. Những lời lẽ cay độc ấy hệt như vết dao sắc lẹm cứa vào lòng cô gái mới lớn. Chính trong những ngày gian khổ ấy đã thôi thúc cô làm một việc gì đó cho chính mình và cho cộng đồng của mình.

Năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Su quyết tâm thành lập cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải – Sa Pa    theo mô hình du lịch cộng đồng có tên Sa Pa  O’Chau (“O’Chau trong tiếng Mông là “cảm ơn”). Ban đầu, cô tập hợp người thân trong gia đình và bạn bè cùng đứng ra lập doanh nghiệp với số vốn có vài triệu đồng. Muôn vàn khó khăn, nhiều lúc Sapa  O’ Chau tưởng chừng rơi vào bế tắc, do Su thiếu kinh nghiệm lãnh đạo cũng như quản lý kinh doanh và hết tiền để duy trì hoạt động...

Năm 2011, công ty của Su may mắn được trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý. Sau khi được tham gia vài khóa đào tạo, cô đã có kiến thức để tiếp tục phát triển mô hình du lịch sáng tạo của mình. 

Không chỉ được biết đến là một cô gái thành công trong lĩnh vực du lịch mà Su còn có một tấm lòng cao cả. Thấu hiểu được cuộc sống khó khăn, chật vật của chính bản thân mình nên Su thấu hiểu được những người cùng cảnh ngộ. Vậy nên trong suốt khoảng thời gian lập nghiệp Su vẫn luôn giúp đỡ trẻ em địa phương để các em có cơ hội đến trường cũng như có một cuộc sống, tương lai ổn định hơn.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Sa Pa  O’Chau của Giám đốc Tẩn Thị Su đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện, Sapa  O’Chau đã thành lập được một trung tâm cung cấp lớp học cho khoảng 40 em học sinh và hỗ trợ sinh hoạt cho gần 80 em. Không dừng lại ở đó, năm 2012 Sapa  O’Chau  tiếp tục mở thêm dịch vụ lữ hành, kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm như một cách tạo nguồn thu bền vững doanh thu lên đến hàng tỉ đồng.

Cô gái Mông 26 tuổi, đi làm… 20 năm

Cũng như Tẩn Thị Su, Giàng Thị Lang ở thôn Bản Xài, xã Nặm Xài, Sa Pa , Lào Cai, cô gái dân tộc Mông sinh năm 1990 cũng phải dừng việc học khi mới 11 tuổi. Kịp học hết lớp 5, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần do quan niệm con gái không cần biết chữ, Giàng Thị Lang đã phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy cùng gia đình. Và theo mẹ đi bán hàng rong tại thị trấn Sa Pa , cách nhà Lang đến 33km. 

Dù không có cơ hội được đến trường nhưng Lang vẫn quyết tâm học chữ. Theo mẹ lên thị trấn bán hàng, được tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, Lang tự mày mò học tiếng Anh, cô nói tiếng Anh chuẩn. Bởi vậy mà Lang nhanh chóng trở thành một hướng dẫn viên du lịch bản địa thực thụ khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Cô chia sẻ: “Chúng tôi sống cuộc đời rất khác so với cuộc sống của người Kinh. Khi còn nhỏ, con trai và con gái không được đối xử công bằng. Chúng tôi làm việc vất vả hơn con trai. Chính vì vậy chúng tôi phải tìm cách riêng để trưởng thành”.

Cô nhớ những ngày bé 5-6 tuổi Sa Pa mùa lạnh, cái giá lạnh cắt da, cắt thịt của vùng núi cao, cô cùng mẹ và các chị em trong nhà vượt qua bao triền núi cao uốn lượn vào trung tâm thị trấn để bán hàng. Họ phải lặn lội từ 3-4h sáng. Trời mù mịt sương giăng cách 5-10m không thấy được chiếc xe máy chạy phía trước.

Ngày nắng cũng như ngày mưa hay sương mù lạnh giá, những phụ nữ Mông đều có mặt ở thị trấn từ rất sớm. Thế nên tính đến thời điểm hiện tại, Lang đã đi làm được gần 20 năm.  Và có lẽ bởi quá vất vả nên những người phụ nữ trong gia đình cô đều mạnh mẽ và có máu làm kinh doanh. Chị gái Lang cũng khởi nghiệp với cửa hàng đầu tiên của người Mông, bán những sản phẩm thủ công truyền thống.  Còn Giàng Thị Lang khao khát muốn thay đổi cuộc sống, tìm kiếm thêm những cơ hội cho bản thân  khi bươn chải sớm, vốn sống dày dặn và khả năng ngoại ngữ tốt, Giàng Thị Lang tự mở một công ty mang tên Real Sa Pa  do 100% người dân tộc vận hành.

Hoạt động chính của công ty gồm cung cấp dịch vụ du lịch trọn gói và sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường Sa Pa, Lào Cai. Cô kết hợp cả việc sản xuất nông sản sạch với làm du lịch, khách đến với homestay của Lang sẽ được trải nghiệm công việc làm vườn cùng với bà con. Với Real Sa Pa , Lang đã kết hợp kinh nghiệm của mình trong vai trò một hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm với tầm nhìn hướng tới sự phát triển của cộng đồng dân cư Sa Pa  thông qua hoạt động du lịch và sản xuất hoa quả sạch, nói không với các chất hóa học.

Không ngại khó, cô gái trẻ đi khắp nơi mua các loại giống cây phù hợp, học kỹ thuật trồng cây về trồng thử nghiệm. Sau 1 thời gian, Lang mạnh dạn vay thêm vốn và mở rộng thêm quy mô vườn cây xung quanh homestay. Đến nay Real Sa Pa  mang lại cho Giàng Thị Lang nguồn thu nhập không hề nhỏ. Chỉ tính riêng nhu nhập từ vườn cây mỗi năm cũng lên đến 400-500 triệu đồng, tổng thu từ hoạt động dẫn tour mạo hiểm, dịch vụ homestay mỗi năm cô gái trẻ “ẵm trọn” cả gần tỷ đồng trong tay. Không chỉ có vậy, hiện công ty của Lang cũng đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục phụ nữ khác trong bản.

Lang cho biết, từ ngày có thêm vườn cây, khách đến được trực tiếp tham gia làm vườn, lượng khách đến cũng nhiều hơn. Cô tự hào chia sẻ: “Tại thời điểm này, chúng tôi là những người đầu tiên và duy nhất trồng cây ăn quả hữu cơ tại Sa Pa. Trước đó người dân chủ yếu chỉ trồng ngô và lúa nương. Người dân vẫn phải tiêu thụ hoa quả từ miền Nam hoặc Trung Quốc nhập về. Trong khi đó, thời tiết ở Sa Pa  rất tốt và có nhiều loại cây ăn quả như thanh long, dưa hấu, cam có thể phát triển rất tốt ở đây. Chúng tôi nhặt phân trâu trên đường để làm phân bón và hoàn toàn không sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu”.

Giàng Thị Lang kể, có không ít khó khăn từ thủ tục hành chính trong những ngày đầu, chi phí thuê đất đai đắt đỏ, Lang phải chạy vạy khắp nơi. Đến khi vườn cây cho thu hoạch, sản phẩm tung ra thị trường lại đối mặt với sự ngờ vực “hàng Tàu mác Việt” do trước nay đồng bào dân tộc Mông chưa có ai trồng cây ăn trái. Từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình, đến nay sản phẩm nông nghiệp của Real Sa Pa  trở thành mặt hàng được ưa thích tại Sa Pa . Song do điều kiện địa lý trắc trở, nên quá trình phân phối sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Dù vậy Giàng Thị Lang vẫn tràn đầy quyết tâm: “Dù khó đến mấy, chỉ cần mình tin là mình làm được”. Người phụ nữ trẻ còn tiếp tục phát triển với tham vọng cung cấp hoa quả sạch không chỉ cho Sa Pa , Lào Cai mà sẽ trở thành nguồn cung cấp hoa quả sạch cho toàn miền Bắc song song với phát triển dịch vụ du lịch mạo hiểm.

Điều đặc biệt ở Giàng Thị Lang không chỉ là kết hợp nông nghiệp và du lịch, mà ở ý tưởng trở thành doanh nhân xã hội. Lợi nhuận thu về từ hoạt động của Real Sa Pa  được Lang tái đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn trái và giúp đỡ các hộ nghèo trong bản cùng phát triển mô hình này. Nhờ có mô hình của Lang, hiện nay một số gia đình trong bản cũng bắt đầu học theo và thu được nguồn lợi lớn, sử dụng hiệu quả nhân lực lúc nhàn rỗi.

Nói về mơ ước của mình, Giàng Thị Lang cho biết, cô không chỉ hy vọng có thể chu cấp kinh tế cho gia đình mà còn muốn cải thiện cuộc sống của những người dân nghèo trong bản và cả cộng đồng, bởi theo cô: “Chúng tôi đi làm và biết được những gì đang diễn ra trên thế giới, nhưng ông bà, bố mẹ chúng tôi, họ không hiểu được và họ cũng không muốn thay đổi văn hóa của họ. Bởi rất nhiều người dân ở đây đều không nghĩ gì xa xôi, chỉ sống cho hiện tại, sống hôm nay không biết tới ngày mai. Tôi không muốn họ đánh mất đi văn hóa truyền thống mà chỉ muốn họ hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới mà thôi”… 

Chia tay những cô gái Mông nhỏ bé với những khát vọng lớn lao, lên chuyến tàu đêm cô nhắn lại: “Lên Sa Pa  chị nhớ gọi em nhé”, đầy thân thương, dung dị, hồn hậu như bao bà con sống cheo leo phía tận cuối trời Tây Bắc…

Đọc thêm