Chuyện về “lâm tặc” quay đầu để trả nợ rừng

(PLVN) - “Mình mắc tội với rừng, giờ phải trả. Phải trả lại màu xanh, trả lại “tiếng rừng” cho chính khu rừng bị mình và nhiều người khác chặt phá. Dù bị đe dọa nhưng tôi sẽ thuyết phục bà con cùng bảo vệ rừng”, đó là những chia sẻ của anh Lương Văn Kính – “lâm tặc” một thời giờ là thành viên tích cực của Đội bảo vệ rừng cộng đồng ở rừng quốc gia Pù Mát.
Anh Kính chia sẻ về quyết định làm người bảo vệ rừng.
Anh Kính chia sẻ về quyết định làm người bảo vệ rừng.

Từ bỏ quá khứ phá rừng 

Dáng người nhỏ nhưng anh Lương Văn Kính (SN 1977, ngụbản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) lại toát lên sự rắn rỏi. Cuộc đời anh Kính vô cùng đặc biệt khi từng là “lâm tặc”, một tay săn bắn thú rừng đến việc trở thành người tích cực bảo vệ rừng.

Nhớ lại những ngày tháng lạc lối, anh chia sẻ vìgia đình sinh sống ở vùng núi nên 4 tuổi đã theo bố mẹ vào rẫy ở sâu trong rừng. Do đó, việc săn bắn thú rừng đối với anh không còn lạ lẫm. Những lần theo người thân vào rừng, Kính tập tành đặt bẫy săn bắt thú. Tập tục ăn uống từ săn bắn trở thành thói quen và dần ngấm sâu vào máu Kính. Lớn lên, Kính thạo việc đặt bẫy, săn thú rừng cùng bạn bè. 

Kính còn vào rừng sâu chọn những cây gỗ to nhất để hạ, đem ra ngoài bán. Đó là khoảng những năm 1996, Kính trở thành một lâm tặc “cứng cựa” từng đứng bè đưa gỗ vượt trạm không biết bao lần. Buổi tối vượt trạm, Kính còn không cần đèn. Và trong những lần vào rừng khai thác gỗ, Kính không quên kẹp theo ma túy để sử dụng đến mức nghiện nặng. 

 

Việc săn bắn thú rừng của Kính lúc đầu chỉ phụ vụ ăn uống. Đến lúc các thương lái đặt mua nên nhóm của Kính càng đặt bẫy nhiều hơn. Là người thông thạo địa hình, lớn lên từ rừng nên Kính nắm rõ tập tính của từng loài động vật. Vì thế, có ngày hàng trăm con thú đủ chủng loại bị mắc bẫy, giết hại.

Từ năm 2005, thời điểm các lực lượng chức năng đẩy mạnh truy quét lâm tặc, anh Kính bị cơ quan chức năng bắt nhiều lần, thu giữ hết các vật dụng khai thác gỗ và bẫy thú. Nhớ lại chuyện này, anh Kính thật thà chia sẻ: lúc mới bị bắt, bị thu “cần câu cơm” cũng ấm ức lắm. Bởi, thời điểm đó ngoài vào rừng chặt phá, đặt bẫy săn thú thì chẳng biết làm gì để sinh sống cả. Nhưng cũng trong lúc đó, anh Kính chợt dằn vặt: “Nếu cứ tiếp tục chặt phá thì kiểu gì cũng phải đi tù”. Nỗi sợ đi tù khiến anh chùn chân.

Nhưng không vào rừng chặt gỗ, không săn bắn động vật nữa thì làm nghề gì để tồn tại. Những câu hỏi ấy cứ luôn thường trực trong suy nghĩ người đàn ông lớn lên từ rừng này. Dằn vặt, dày vò rồi đột nhiên anh thức tỉnh: “Phải bỏ nghề lâm tặc để thoát cảnh sống chui lủi, trốn tránh…”.

Phải giữ lấy rừng

Suy nghĩ là vậy, nhưng để thực hiện điều đó, anh lại không có đủ dũng khí và cơ hội. Và rồi, cơ duyên đã đến với anh một cách rất tình cờ. Năm 2016, anh Kính nhận được lời đề nghị từ anh Lưu Trung Kiên (hiện là Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát) về việc mời dẫn đường cho một đoàn nghiên cứu vào rừng Pù Mát. Cùng với việc dẫn đường, anh Kính kiêm luôn việc gùi hàng cho khách. Tính ra, mỗi ngày anh cũng kiếm được 200 nghìn đồng. Lúc đầu nghe đề nghị đó, anh Kính đắn đo lắm, bởi anh là kẻ phá rừng, bây giờ lại dẫn người đi nghiên cứu rừng. Nhưng không làm thì lấy gì để sống, để nuôi vợ con nên anh nhận lời.

Nhắc lại chuyện này, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát giải thích, không phải ngẫu nhiên mà anh chọn Kính. Bởi anh em không còn xa lạ gì với Kính, một lâm tặc, người săn thú rừng có tiếng tại địa phương. Hơn nữa, Kính từng nghiện ma túy khiến chúng tôi phân vân. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi đã chọn anh ấy làm “hoa tiêu” cho các đoàn cán bộ khoa học vào rừng nghiên cứu. 

“Lâm tặc” một thời nay đã quay đầu cùng đồng dội bảo vệ rừng.
“Lâm tặc” một thời nay đã quay đầu cùng đồng dội bảo vệ rừng.  

Trước khi đưa ra quyết định này, anh Kiên đã hỏi nhiều người rồi đích thân đến nhà để xem kinh tế gia đình thế nào. Khi nhìn thấy ngôi nhà nhỏ khang trang, trâu nhiều nhất bản thì anh tin Kính không còn nghiện nữa. Hơn thế, câu chuyện Kính cai nghiện bằng cách tự dựng lán trong rừng già Pù Mát khiến nhiều người cảm phục. Lần đó để thực hiện quyết tâm cai nghiện, Kính lựng lán trong rừng, cách thôn bản hơn 1 buổi đi rừng. Kính tự cai, mỗi lần “lên cơn” là tự trói mình lại. Khi không “lên cơn” thì đào ao, rồi đưa thêm đàn em vào bắt cai nghiện cùng. Vài người dứt cơn nghiện xong ra ngoài tái nghiện và sốc chết. Những bài học nhãn tiền ấy khiến Kính càng quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”.

Quay lại với câu chuyện Kính, cuối năm 2016, anh được nhận làm “hoa tiêu” để dẫn đoàn nghiên cứu vào lắp bẫy ảnh. Do anh thông thạo thời tiết mưa nắng trong rừng, động dốc, khe suối và nơi các loại thú thường qua lại nên chuyến đi “mở hàng” suôn sẻ, làm hài lòng các nhà khoa học sau những chặng đường rừng mệt nhọc nhưng đầy thú vị.

Sau một thời gian dẫn đoàn, anh Kiên khuyên anh Kính nên vào Đội bảo vệ rừng cộng đồng để phát huy hết khả năng của mình cho công việc phục vụ lợi ích chung. Nhận được lời đề nghị này, Kính lại trằn trọc nhiều đêm với những câu hỏi không dễ trả lời. Chọn đi làm cho một tổ chức bảo tồn rừng là “ngược đường” với nhiều người ở thôn bản. Mình gỡ hết bẫy của bà con coi như chặn đường sống của họ thì mình có yên thân ở mảnh đất này không? Gia đình có bị đe dọa không?… 

Nhưng khi thấy đoàn nghiên cứu tận tâm với cây rừng, chăm sóc cẩn thận các con thú sa bẫy bị thương, anh Kính dần thay đổi suy nghĩ và quyết tâm gia nhập đội. Với suy nghĩ “đây là cơ hội tốt nhất phải giành lấy để thay đổi cuộc đời”, anh quyết tâm bảo vệ rừng và luôn tâm huyết với công việc đã lựa chọn.

Nói về người đồng nghiệp tận tâm, anh Đào Công Anh - thành viên của Đội bảo vệ rừng cộng đồng chia sẻ, không phải bỗng nhiên anh Kính trở thành đội trưởng Đội bảo vệ rừng của chúng tôi. Anh là người rất gương mẫu, chỉ dạy cho chúng tôi từ điều nhỏ nhất. Từ khi làm ở đây, anh đã trở thành một con người khác, chững chạc hơn. Anh em trong đội luôn coi anh Kính như người thầy. Bởi anh luôn tận tình dạy chúng tôi cách phát hiện bẫy thú dù được nguỵ trang tinh vi nhất. Rồi cách tìm các lán trại của thợ săn, lâm tặc…”.

Nghe chuyện, anh Kính cười hiền và nói, việc này đối với mình đã quá quen thuộc. Nếu đi dọc suối chỉ cần để ý xem có rác thải theo đầu khe chảy xuống hoặc có nước đục thì phía đầu nguồn chắc chắn có người lạ thâm nhập vào rừng. Tinh ý hơn, ta có thể nhìn các cây nhỏ bị gãy rạp thì biết rừng bị phá. Ngửi mùi khói thì biết thợ săn đang nướng mồi thú rừng…. Những kinh nghiệm đó đều được anh tích lũy trong nhiều năm làm “lâm tặc” và người bảo vệ rừng.

Sau thời gian làm việc tại Đội bảo vệ rừng cộng đồng Pù Mát điều anh Kính thấy hạnh phúc nhất là góp phần nhỏ cùng các nhà nghiên cứu chăm sóc, cứu chữa những con thú bị thương để thả về rừng. Điều anh luyến tiếc là những cây gỗ lớn thì phải nhiều năm nữa mới có lại. Bản thân anh luôn hy vọng con mình sẽ tiếp công việc bảo vệ khu rừng này. Hiện anh cũng đang nghiên cứu các mô hình sinh kế nhỏ giúp đồng bào vùng đệm có thêm thu nhập ổn định để thoát khỏi cảnh sống bám rừng mà còn bị xã hội lên án và nguy cơ tù tội.

Đọc thêm