Nghề “kéo lưới cạn”
Nghề săn “tôm bay” hay còn gọi là châu chấu ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) có từ chục năm nay. Xã Quỳnh Thanh được xem là địa phương đầu tiên khai sinh ra nghề này. Ban đầu, người dân làm những chiếc vợt có đường kính rộng khoảng 60cm dùng tay chao châu chấu. Có khi họ lại buộc vượt vào xe máy rồi dọc các cánh đồng để chao “tôm bay”. Nhưng theo cánh thợ săn bắt châu chấu thì cách làm này khá tốn công sức mà hiệu quả không cao. Sau đó, họ nghĩ đến cách bắt châu chấu bằng lưới. Cách này phù hợp với thời điểm các ruộng lúa đã gặt và cho năng suất cao nhất.
Nói thì đơn giản nhưng để bắt được châu chấu đem đi bán đòi hỏi cánh thợ săn phải chịu khó, có tính đoàn kết bởi mỗi lần giăng lưới phải có khoảng 3,4 người trở lên. Lúc này, một nhóm người bắt đầu trải đoạn lưới dài theo hướng chiều gió rồi dùng cuộn dây căng thành hàng vừa đi, vừa xua châu chấu về khu vực lưới đã giăng. Bị xua đuổi cả đàn châu chấu sợ hãi bay theo “sự chỉ đạo” của những người săn bắt.
Chỉ một lát sau, châu chấu bám đầy lưới và nhóm “thợ săn” chỉ việc gom lưới lại rồi trút sản phẩm vào bao tải. Mỗi lượt “kéo lưới” trên cạn này cho sản lượng từ 5 đến 7 kg. Hàng ngày cứ hết cánh đồng này, họ lại sang cánh đồng của làng khác tìm kế sinh nhai. Có khi họ di chuyển vào các cánh đồng ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa để mót “lộc trời”.
Để kiếm sống bằng nghề này, họ phải xuất phát từ sáng sớm tinh mơ đến khi xế bóng mới trở về nhà. Có hôm gặp cánh đồng nhiều châu chấu, một đội 4,5 người có thể thu được nhiều yến châu chấu. Tất cả sản phẩm họ về bán cho người thu mua để đưa ra Hà Nội tiêu thụ. Với nhiều gia đình, tuy đây là công việc vất vả nhưng dễ kiếm tiền hơn so với nghề khác.
|
Châu chấu sau khi được thu mua sẽ nhập cho các nhà hàng hoặc bán cho người nuôi chim. |
Trên cánh đồng gần làng, ông Nguyễn Văn Tài cho biết: một năm 2 vụ thu hoạch lúa nên người dân trong làng đều tận dụng thời cơ này để săn bắt châu chấu, kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, bình quân một gia đình 3 lao động trong nhà đi khắp các xã trong và huyện để giăng bẫy, bắt châu chấu. Từ đầu mùa đến nay thương lái thu mua với giá rất cao nên mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Nếu chịu khó đi xa, khoản thu nhập này kéo dài hết cả tháng. Ông tâm đắc, không nghề gì có thể thu nhập cao mà trong khi đó vừa bảo vệ được mùa màng như nghề đặc biệt này.
Theo một số hộ dân chuyên đi săn châu chấu, công việc này đòi hỏi sức khỏe và sự nhanh nhạy chứ không cần bỏ nhiều vốn. Mỗi bộ lưới dùng để chăng châu chấu giá hơn 1 triệu đồng nhưng có thể dùng cho nhiều năm. Mỗi năm như vậy, có những hộ dân thu nhập cả vài chục triệu đồng. Đối với vùng quê còn nghèo khi đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp là chính thì đó là khoản tiền lớn để họ nuôi con cái ăn học, chi tiêu trong gia đình.
Năm nay, theo chia sẻ của người dân, châu chấu ít hơn nên sản lượng đánh bắt cũng giảm. Nhưng bù lại, thương lái lại thu mua với giá cao. Như năm ngoái, vào thời điểm này, giá nhập “tôm bay” từ 70.000 - 80.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên 140.000 đồng/kg. Riêng đối với loại nhỏ để nhập cho cơ sở chế biến thức ăn cho chim, giá có thể lên tới 200.000 đồng/kg.
Tận dụng thời điểm bà con đang thu hoạch lúa, người dân ở làng Quỳnh Thanh vượt hàng chục cây số đi các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu.. để săn bắt châu chấu. Vào khoảng cuối chiều hàng ngày, hàng tạ “tôm bay” được bà con mang về nhập cho 2 cơ sở thu mua ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) và phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) là có ngay “thóc thật”.
Gian truân chuyện nghề
Mặc dù có thể kiếm được từ 500 nghìn đến bạc triệu mỗi ngày nhưng nghề săn châu chấu cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. “Săn châu chấu thường vào những lúc rạng sáng, trời còn tối, rơm rạ phủ trên đồng nên mỗi khi chạy xe máy rất dễ xảy ra tai nạn nếu không may gặp đá hay ổ voi, ổ gà”, chị Nguyễn Thị Bình, một người từng không may bị tai nạn khi đi săn châu chấu, chấn thương vùng vai cách đây mấy năm nhớ lại.
Và để tìm được những cánh đồng đẹp, có nhiều châu chấu thì những ngày rãnh rỗi, họ thường lặn lội để khảo sát. Khi đã nhắm được nơi cần đến, họ xuất phát từ sáng sớm, trở về nhà lúc xế chiều, đưa hàng bán cho thương lái nhập cho nhà hàng, quán nhậu và các chủ kinh doanh chim cảnh. Hoặc có thể bán lẻ cho các chủ nuôi chim ở các thành phố lớn như Hà Nội.
Công việc vất vả, cực nhọc nhưng chị Bình vẫn nhớ như in kỷ niệm đáng nhớ. Lần đó, chị cùng mọi người vào cánh đồng ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bắt châu chấu. Lúc đầu, một số người dân bản địa tò mò về việc một số người lạ đang hì hục xua đuổi cái gì đó trên cánh đồng của họ. Nhưng sau khi biết nhóm của chị đi bắt châu chấu, họ tỏ ra vui mừng vì đã giúp họ bắt loại côn trùng chuyên phá hoại hoa màu, lúa, ngô, khoai. Có người còn dẫn chị đến gặp trưởng xóm để nhận phần thưởng nhỏ gọi là động viên.
Theo những người lâu năm trong nghề ở Quỳnh Thanh, hàng năm việc săn chấu chấu bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào khoảng đầu tháng 10, phụ thuộc vào việc thu hoạch lúa của từng địa phương. Công việc tuy vất vả, phải dầm sương, dãi nắng, bỏ nhiều công sức nhưng đối với làng quê còn khó khăn, nghề “kéo lưới cạn” thực sự là cách giúp họ vươn lên thoát nghèo. Với nhiều hộ gia đình, đây là nghề mang lại cho họ sự no ấm. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp cánh ước mơ cho những đứa con đến trường và giảng đường đại học.
Ông Hồ Xuân Xuyên, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, nghề bắt châu chấu của bà con trong xã có từ nhiều năm nay. Đây là công việc mang tính thời vụ, tuy vất vả nhưng lại cho thu nhập cao. Hiện, trong xã có khoảng 80 người chuyên làm nghề này. Năm nay, châu chấu ít hơn các năm, nhưng bù lại giá thành lại cao nên mỗi ngày bà con làm nghề bắt châu chấu cũng kiếm được kha khá tiền để trang trải cuộc sống, có tiền nộp học cho con cái đầu năm học.