Dù chỉ còn 19% sức khỏe nhưng ông vẫn cần mẫn kiếm tiền để xuất bản nhật ký chiến tranh, tìm đồng đội đã hy sinh và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Viết đơn bằng máu để xin ra trận
Trong căn nhà của cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc (SN 1948), tại phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) những quyển sách về lịch sử Việt Nam được ông cất giữ cẩn thận. Người cựu chiến binh ấy cũng là chủ nhân của cuốn nhật ký “Trời xanh không biên giới”.
Dù đã ngoài bảy mươi nhưng nét mặt ông vẫn còn đầy vẻ dạn dày của một người lính trở về sau chiến tranh. Duy chỉ có điều vì nặng tai do những lần phải hứng chịu bom của địch dội xuống nên cuộc trò chuyện giữa khách và gia chủ phải viết ra giấy.
Đặng Sỹ Ngọc nguyên quán ở xã Đức Ân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ nhỏ, cậu bé Ngọc rất mê thơ văn nhưng vì nhà nghèo lại mồ côi bố nên mãi năm 9 tuổi cậu mới được mẹ cho tới trường học. Bù lại cậu học rất giỏi cả văn và toán. Lớp 7, Ngọc đạt điểm số cao, là trường hợp duy nhất của xã được đặc cách vào thẳng cấp 3.
Dù đậu cấp 3 nhưng Ngọc lại khao khát được cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Ngọc viết đơn xin tòng quân. Nhưng vì là con trai độc nhất trong nhà, lại vừa đậu cấp 3, theo chính sách anh được hoãn nghĩa vụ quân sự. Không được chấp nhận đi lính, Ngọc tiếp tục viết đơn lần 2 rồi đến lần 3. Ở lần viết đơn thứ 3, Ngọc đã ký bằng máu rồi xin mẹ “bảo lãnh” mới được cấp trên chấp thuận.
Tháng 6/1967, Ngọc được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong 6 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Ngọc bị thương 7 lần. Trong đó, 3 lần bị thương khi là lính bộ binh, 4 lần bị thương khi làm lính cao xạ.
Lần thứ nhất là vào tháng 5/1967, trong quá trình làm nhiệm vụ tại đồi 56, huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì hầm của Ngọc bị sập vì trúng bom. Anh bị cây gỗ trên nóc hầm sập vào đầu, máu mồm, mũi, tai chảy ra... hai tai ù đặc. Lúc đó, đơn vị cho Ngọc ra bắc điều trị nhưng anh không chịu bởi một lý do “sợ nhất là không được ra chiến trường”. Khoảng 1 tuần sau, khi sức khỏe hồi phục thì Ngọc lại tham gia chiến đấu.
Trong 6 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, ông Ngọc bị thương 7 lần. |
Vết thương lành chưa được bao lâu thì Ngọc lại bị thương lần 2. Đó là vào tháng 7/1967, trong khi đang ngụy trang trèo lên một cây cao cách mặt đất 5m để quan sát một đơn vị lính Mỹ thì Ngọc bị máy bay phát hiện, bắn mấy phát đạn khói xung quanh mục tiêu. Dù Ngọc vội tụt nhanh xuống mặt đất để chạy ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng không kịp.
Khi đồng đội bới đất, moi được anh lên thì tưởng Ngọc đã hy sinh, bởi mặt mũi đầy máu, tim ngừng đập... Nhưng như có phép màu, chỉ mấy phút sau, Ngọc tỉnh lại. Đơn vị cho người khiêng Ngọc về tuyến sau nhưng anh kiên quyết từ chối. Hai tuần sau, anh lại tiếp tục công tác và chiến đấu bình thường.
Về lần bị thương thứ 7, ông kể: Ngày 20/7/2072 tại sân bay Ái Tử (Quảng Trị), một quả bom B52 rơi trúng vị trí đội hình của tôi. Hai đồng đội hi sinh tại chỗ, tôi bị thương nặng vào đầu, tay, chân, mảnh bom xuyên vào ruột, gan.... Với vết thương quá nặng, ông buộc phải rời chiến trận, trở về hậu phương chữa trị và an dưỡng với tỉ lệ thương tật 81% trong đó 2 tai điếc nặng.
Nhớ lại những ngày tháng ở chiến trận ông kể: “Tổng cộng tôi bị thương 7 lần nhưng 4 lần tôi giấu giấy chứng thương để được tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đang ngày càng ác liệt, nếu mình phải về tuyến sau thì buồn lắm”.
Tấm lòng người lính
Ông Ngọc được an dưỡng tại trung tâm ngoài Bắc một thời gian. Sau đó, ông được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh Quân khu 4, đóng tại Nghệ An. Cũng tại đây, ông đã gặp và nên duyên vợ chồng với cô gái cùng quê Nguyễn Thị Vân. Hai người lính, hai đồng hương tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và quyết định tiến tới hôn nhân. Một đám cưới giản dị được tổ chức, hòa chung với niềm vui thống nhất đất nước, niềm vui mà họ đã góp bằng xương máu và một phần tuổi trẻ.
Cuộc sống sau chiến tranh đầy những khó khăn, càng vất vả hơn với người lính chỉ còn 19% sức khỏe. Ông bảo, vượt qua những ngày tháng ấy, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, trách nhiệm của người sống thay phần đồng đội đã khuất, có cả sự hi sinh thầm lặng của người vợ.
Với quyết tâm “tàn nhưng không phế” người thương binh ấy quyết định làm nhiều nghề để phụ giúp vợ nuôi 3 đứa con. Thời gian đầu, ông theo một số thương binh đi buôn lạc trên chuyến tàu từ Vinh ra Hà Nội. Sau đó, ông được chính quyền phường Hưng Dũng tín nhiệm giao cho việc điều hành tổ thương binh làm quản lý thu lệ phí chợ. Một thời gian sau, ông quyết định chuyển nghề làm xe lai.
Với một người thương binh nặng cùng cái chân phải mổ 11 lần, đó là điều không hề đơn giản. Thời điểm đó, nghề xe ôm nở rộ, ông còn phải cạnh tranh không ít với các bạn đồng nghiệp. “Chạy xe, tôi có 3 nguyên tắc, thứ nhất là phải đảm bảo an toàn, thứ 2 là thái độ phục vụ, thứ 3 là giá cả phải chăng nên không lo bị ế khách”, ông kể.
Người cựu chiến binh bên người vợ tần tảo nhiều năm qua chăm sóc chồng, con. |
Các con khôn lớn, học hành đỗ đạt, đi làm, áp lực kinh tế không còn đè nặng lên đôi vai người thương binh nặng này nữa nhưng ông vẫn gắn bó với nghề chạy xe ôm. Số tiền kiếm được sau mỗi cuốc xe, ông bỏ vào ống tre, cuối năm chẻ ra, trích thêm tiền lương để hỗ trợ đồng đội khó khăn, tìm hài cốt đồng đội hay giúp đỡ người dân quê hương mình. Sau hai lần tai nạn xe khiến chân lại phải mổ và đóng đinh tiếp nên ông quyết định “giải nghệ”.
Tuổi già, bị vết thương cũ hành hạ, đôi tai đã ù đi, điếc đặc, ông tìm lại niềm vui trong việc viết lách. Những cuốn nhật ký viết ở chiến trường được ông tập hợp lại, nhờ sự giúp đỡ của một nhà báo ở Hà Nội và anh em đã xuất bản thành sách. Cuốn nhật ký “Trời xanh không biên giới” là những trang viết sinh động và chân thực về cuộc chiến đấu khốc liệt nhưng vẻ vang không chỉ của riêng ông, mà cả một thế hệ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Từ khi trở về quê hương cho đến nay, chưa bao giờ ông Ngọc ngơi nghĩ về đồng đội, đặc biệt là những người đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, hay những đồng đội sẵn sàng che chở, chăm sóc ông khi bị thương. Mỗi lần nghĩ về những kỷ niệm sâu sắc ấy, ông lại bật khóc. Trong sâu thẳm trái tim người lính ấy là tình yêu thương, trân trọng, biết ơn những người đồng đội cùng vào sinh ra tử. Những tình cảm đó được người thương binh 54 tuổi Đảng hiện thực hóa bằng việc giúp đỡ đồng đội khó khăn hay đi tìm mộ đồng đội....