Chuyện về Nhà báo bắt rận vài tháng trong nhà lao Đào Trinh Nhất

(PLO)- Làm báo, ấy là để kiếm cơm, ai chẳng vậy. Nhưng với Đào Trinh Nhất, viết báo, còn là để cải tạo xã hội, là trách nhiệm của một công dân với vận mệnh dân tộc nữa. Thế nên, ngòi bút của ông dù cho là văn hay biên khảo, đều mang hơi thở cuộc sống.  

Cũng bởi ngòi bút mạnh dạn, cũng bởi quan điểm thẳng thắn, và bởi dăm ba lý do khác nữa, mà cũng có lần, ông Nhất vào khám xơi cơm tù dăm tháng trước khi được làm tỏ nỗi oan.

Viết báo như… chơi

Nhận định về phong cách báo chí của họ Đào, Văn học miền Nam nơi miền đất mới gọi ông là “nhà báo bực thầy” và ngợi khen: “Về phương pháp, Đào Trinh Nhất có cách làm việc một cách nghiêm túc, thận trọng khiến khi đọc ông, dù không rõ tận nguồn xuất xứ độc giả vẫn có được một sự tin cậy”. Còn gì đáng quý cho một người làm ra sản phẩm tinh thần mà được bạn đọc đón nhận, tin tưởng, khi mà cái nghề mài chữ vẫn bị chỉ trích ở mặt trái của nó là “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”.

Những bài viết của họ Đào, dù là biên khảo mang tính nghiên cứu, tìm hiểu nhưng rất công phu, mà đặc biệt là không nặng nề, hàn lâm, rất dễ hiểu, hấp dẫn. Còn tiểu thuyết ông viết, thì như là thổi hồn vào cho nhân vật vậy. Bởi thế cũng sách trên nói về ngòi bút của ông, không khỏi khâm phục “đó là văn viết báo phải gọn gàng, trôi chảy, ngắn, súc tích; nhất là phải trung thực với mình và độc giả”.

Ký họa Đào Trinh Nhất của Tạ Tỵ

Nói về tài viết báo của Đào Trinh Nhất, kể cũng thật đáng nể phục. Đến bạn văn, bạn làng báo trong nghề còn lấy làm ngưỡng mộ ông, đủ biết tài múa bút của họ Đào đến đâu rồi. Không tin, bạn đọc cứ nghe lời kể của nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978) hẳn thấy chúng tôi không ngoa dụ chút nào: “Ông có lối viết linh động, lẹ làng mà tôi chưa từng thấy. Có một lần tôi ghé thăm ông ở tiệm bút và được thấy tài ông. Ông nằm chéo ngoảy, một tay cầm cây viết máy, viết lia viết lịa, hết chương này qua chương khác, họa hoằn mới bôi bỏ hay sửa chữa một vài chữ”… “ông ngồi viết, ông đứng viết, ông nằm viết, viết ở đâu cũng được, dài hay ngắn tùy theo khuôn khổ tờ báo hay tùy theo ý muốn của ông hay bà chủ nhiệm”.

Tài năng kể cả là thế, nhưng trong làng báo bấy giờ, họ Đào cũng lấy làm nể phục một người, đó chính là Phan Khôi (1887-1959). Dẫu bút chiến của họ Đào nhiều ký giả phải nể sợ, nhưng họ Đào lại lấy làm tôn trọng họ Phan ở chỗ dẫn chứng tài liệu và điển sớ, thì Phan Khôi đáng để người khác phải học tập.

Nếm mùi nhà lao

Hơn 30 năm làm báo, gây được uy tín lớn với bạn đồng nghiệp, vậy nhưng cũng có lúc, Đào Trinh Nhất lại bị vướng vào vấn nạn từ chính nghề ký giả của mình. Ấy là vào tháng 9/1932. Nguyên do cớ sự ra sao mà tháng ấy, họ Đào bị nhà cầm quyền bắt giam? Là bởi, ông chủ bút báo Phụ nữ tân văn, bị tình nghi về hai vụ, mà như trong Phụ nữ tân văn số 173, ra ngày 10/10/1932 có ghi, là “1. Hăm dọa tên khách trú ở chợ Thầy Phó; 2. Gởi thơ cho một cô thiếu nữ giàu có ở Trà Ôn (Cần Thơ)”.

Dạo ấy, tin ký giả họ Đào bị nhà cầm quyền bắt giam bất thình lình, lan nhanh còn hơn gió nồm Nam nữa. Khắp các mặt báo, bởi việc này mà “bốn phía thiên hạ đã đánh trống khua chuông, la ó om sòm, không khác nào “mất thằng Bố” (trích báo Phụ nữ tân văn số 173). Không chấn động sao được khi một ký giả uy tín là thế, đứng trong tứ đại mà lại… xộ khám. Còn Phụ nữ tân văn như mất đi linh hồn, nên thời gian ông Nhất ngồi xà lim, Phan Khôi tạm điều khiển ban biên tập của báo. Sau này, Phan Văn Hùm là người thay thế.

Báo Mai do Đào Trinh Nhất chủ trương

Rồi cũng chẳng phải đợi lâu, vụ án được quan Bồi thẩm Lavau đem ra xét xử. Sau khi điều tra ngọn ngành, thì tất cả được… lộ sáng. Và ông Nhất thì… bị oan. Phụ nữ tân văn số 189, ngày 2/3/1933 cho hay, người bào chữa cho Đào Trinh Nhất, có công lớn cho việc ông được tha bổng, sau có tiếng trong làng luật sư đất Việt lắm. Đó là Trịnh Đình Thảo. Trước Tết mấy ngày, Đào Trinh Nhất được tha bổng, bao nhiêu tiếng oan vu cáo được rửa sạch.

Sở dĩ có hai cái án tình nghi như Phụ nữ tân văn số 173 thuật kia, khi tòa nghị xử, thì mới hay rằng “tên khách trú kia chẳng qua cũng là một con múa rối để cho bọn khác lợi dụng làm cái bẫy mà sập ông Đào Trinh Nhất cho bõ ghét”… “Bởi vậy nên khi vào dinh Bồi thẩm, tên khách trú ấy đã cung khai tiền hậu bất nhất và bị quan Bồi thẩm thấy rõ được chỗ gian”.

Còn vụ với cô thiếu nữ Trà Ôn, thì “hôm nay lại càng rõ rệt hơn nữa, bởi vì khi quan Bồi thẩm kêu đến nhận diện, cô thiếu nữ ấy và cha mẹ cô đã nhìn quyết hai người đã đến nhà là Liêu Sanh Hổ và Vương Quang Phúc, còn ông Đào Trinh Nhất thì họ nói không hề quen biết”. Vậy là rõ ông Nhất trong hai cái án tình nghi đeo vào mình ông, đều bị oan tất thảy. Thế nên sau đó, ông được tha bổng là bởi vậy. Nhưng dù sao, thì họ Đào cũng ăn cơm lạt, bắt rận trong khám mấy tháng chứ chẳng chơi.

Báo Mai do Đào Trinh Nhất chủ trương.

Khảo cứu công phu

Trong những tác phẩm khảo cứu của Đào Trinh Nhất, Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ có một số phận rất ly kỳ hiếm có trong làng xuất bản Việt dạo ấy, và có thể là ngay cả cho đến bây giờ chưa có ngoại lệ cũng nên. Sách viết về người Hoa cùng thế lực của họ ở đất Nam Kỳ, nên khi biết tin sách sắp ra đời, thì giới Khách trú ở đây đã có hành động hiếm. Ấy là, sách vừa in ra phân phát đến các tiệm bán sách, thì nhóm Khách trú đã cử người chờ sẵn, mua cho kỳ hết.

Họ mua để làm gì? Tìm hiểu? Làm kỷ niệm? Đầu cơ? Sai tuốt! Mua để đem đốt. Bởi tác phẩm này của nhà báo họ Đào, với sự tìm hiểu, phân tích, đánh giá rất công phu, làm rõ bản chất, thế lực của Hoa kiều ở đất Nam, làm cho các chú Khách sợ nó đến tay đông đảo độc giả. Vậy là họ mua tất chỉ để tiêu hủy mà thôi. Cái việc này, được xem là “best-seller lộn kèo” trong lịch sử xuất bản nước Việt đầu thế kỷ XX vậy.

Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ được in năm 1924 khi họ Đào mới 24 tuổi, đã chứng tỏ tài năng của ông, và cũng mới chỉ là mở đầu cho hàng loạt những tác phẩm khảo cứu có chất lượng của họ Đào về sau chứ không phải là duy nhất ở đây. Tác phẩm của ông, sẵn sàng đương đầu với dư luận, với sự công kích của đối tượng bị nói tới, miễn sao khơi đúng sự thực, tìm ra ngóc ngách vấn đề. Thế nên, không ngạc nhiên khi cuốn Cái án Cao Đài được in năm 1929, ngay sau đó không lâu, năm 1932, Băng Thanh cho ra đời cuốn Cải án Cao Đài để phản biện lại góc nhìn của họ Đào. Điều đó càng cho thấy sự quan tâm của dư luận tới những khảo cứu của Quán Chi.

Nói đến những tác phẩm của Đào Trinh Nhất, gây ấn tượng ngoài hai cuốn trên, không thể không nói tới những sách lịch sử ký sự, lịch sử tiểu thuyết được viết rất công phụ của ông. Tỉ như Việt Nam Tây thuộc sử, in 1937; Việt sử giai thoại, in 1943; Đời cách mạng của Phan Bội Châu, in 1938 khi cụ Phan còn sống; Đông Kinh nghĩa thục, in 1937; Nước Nhật Bản 30 năm duy tân, in 1936; Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời, in 1937… Nhận định của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại về những tác phẩm biên khảo của ông, quả không phải là phóng tay nói quá “đọc những sách ký sự của Đào Trinh Nhất trên này, người ta thấy ông là một nhà văn rất thận trọng; những việc trước thuật lại đều là những việc căn cứ, không vu vơ và không do ở tưởng tượng”.

Một vài cuốn sách biên khảo của Đào Trinh Nhất.


Ngày nay, hầu hết những tác phẩm của họ Đào được tái bản nhiều lần, khi độc giả lật giở từng trang sách thưởng lãm, vẫn thấy bao nhiêu cái mới, cái hay từ kiến thức, tư liệu ông dành nhiều tâm huyết vào đó, cũng như hấp dẫn bởi cái văn phong gần gũi, bình dân mà cũng rất riêng của ông, như trong Văn học Việt Nam nơi miền đất mới có ghi: “hầu hết tác phẩm của ông được xây dựng và vun đắp cho “tòa nhà Quốc học Việt Nam”. Bằng ngòi bút biên khảo pha chất ký sự lịch sử, ông khôi phục lại truyền thống vẻ vang, quật cường của tiền nhân ta nói riêng và tinh thần thâm thúy phương Đông nói chung”.

Đọc thêm