Chuyện về nhân vật nguyên mẫu ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ít ai biết, nhân vật ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng Biệt động Sài Gòn được xây dựng dựa trên cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của một nữ tu sĩ, chiến sĩ cách mạng - Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông.
Ảnh ni sư Diệu Thông (trái) và nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn.
Ảnh ni sư Diệu Thông (trái) và nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn.

Trong đội ngũ tình báo có một nữ chiến sĩ xuống tóc quy y, trang phục màu lam tham gia trong đội quân Biệt động Sài Gòn – Gia Định”. Vị tu sĩ, chiến sĩ đó đã anh dũng, kiên gan, không quản gian nan, nguy hiểm tận trung báo quốc, sống tròn đời, vẹn đạo. Đây là nguyên mẫu của nhân vật ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” một thời vang tiếng.

Oai hùng nữ biệt động áo lam

Sau 35 năm ra mắt, phim “Biệt động Sài Gòn” với những sự kiện và nhân vật anh hùng ghi dấu một thời “mưa bom lửa đạn” vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Đặc biệt, nhân vật ni cô Huyền Trang khiến người xem kính trọng và nể phục. Ít ai biết, ni cô Huyền Trang được xây dựng dựa trên cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của một nữ tu sĩ, chiến sĩ cách mạng - Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông.

“Biệt động Sài Gòn” là cái tên khiến quân địch hoang mang với những trận đánh cảm tử, cam go, làm nên chiến thắng oanh liệt. Nhiều trận nổ súng, gài mìn, bắt cóc, trao đổi tù binh, những cuộc tấn công theo kiểu du kích chớp nhoáng khiến kẻ thù khiếp sợ, luôn đề cao cảnh giác và lên kế hoạch phản công mạnh mẽ.

Bộ phim “Biệt động Sài Gòn” phát sóng năm 1986 đã “mượn” cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ni trưởng Diệu Thông vào phim ảnh qua nhân vật ni cô Huyền Trang.Bộ phim “Biệt động Sài Gòn” phát sóng năm 1986 đã “mượn” cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ni trưởng Diệu Thông vào phim ảnh qua nhân vật ni cô Huyền Trang.

Trong đội quân ấy có một chiến sĩ “đầu không có tóc, y phục màu lam”, góp phần làm nên tên tuổi của “Biệt động Sài Gòn”. Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông tên thật là Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, nhiều người lại quen thuộc với tên gọi sư cô Huyền Trang - nhân vật trong phim, đã đi vào ký ức của công chúng về một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, dù bị khảo tra khắc nghiệt nhưng vẫn bền lòng, chặt dạ với cách mạng, với non sông.

Bà xuất thân trong gia đình có truyền thống tu học và yêu nước. Song thân đều xuất gia đi tu. Thân phụ là ông Phạm Văn Vọng, xuất gia trở thành Hòa thượng Thích Giác Quang (1891-1969). Ông đã khai sơn chùa Thất Bửu (Châu Thành, An Giang), chùa Thất Bửu (chùa Phật Nhỏ) núi Cấm (An Giang), chùa Kim Bửu (Đồng Tháp) và các chùa Liên Trì, Chùa Tam Bảo, chùa Trúc Lâm ở TP.HCM. Những nơi này đều là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Thân mẫu của bà tục danh Tô Mỹ Ngọc, xuất gia trở thành Ni trưởng Diệu Tịnh.

Năm lên 9 tuổi, bà xuất gia tại chùa Phật Nhỏ (núi Cấm). Sau đó tham học tại Ni trường Diệu Đức (Huế). Tại đây, bà đã cùng tăng ni theo xe của chùa đi phát gạo, phát thuốc cho dân nghèo. Lợi dụng tình thế đó, xông thẳng lên chiến khu tiếp tế gạo cho bộ đội. Tuy nhiên, bất ngờ xe bị lật, bà kẹt lại ca-bin và bị thương ở đầu. Sau đó bà và một số ni sư khác bị đuổi học.

Hình ảnh nữ tình báo xuất gia - ni cô Huyền Trang xinh đẹp, quả cảm được xây dựng dựa trên nguyên mẫu đời thực của ni sư Diệu Thông.

Hình ảnh nữ tình báo xuất gia - ni cô Huyền Trang xinh đẹp, quả cảm được xây dựng dựa trên nguyên mẫu đời thực của ni sư Diệu Thông.

Từ Huế bà trở về miền Nam vào năm 1959. Lúc này bà thực sự bàng hoàng, thảng thốt khi chứng kiến sự tàn độc, dã man của giặc xâm lược. Máy chém lạnh lùng của chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện luật 10/59 đã lê khắp miền Nam làm nhiều người kinh hoảng. Lúc này, “người con của Phật” ngộ ra cái chân lý của đạo tu hành “cốt là cứu khổ cứu nạn, không thể ngồi tu mà ngoài kia dân tình ai oán, khóc than”.

Phật dạy “vô ngã” không phải là buông xuôi, buông bỏ hết, vô cảm trước chuyện bất bình mà sống sao đừng vẩn đục, không bị người đời chê trách. Cứ như thế, ni cô quyết chí lên Sài Gòn sống cuộc đời tu tập và thực hiện ý định táo bạo của mình.

Bà đã xây dựng nên chùa Bổn Nguyện và dần phát triển nơi đây thành một căn cứ cách mạng trong diện mạo nhà chùa. Nhờ cơ duyên, bà được dẫn dắt đến với cách mạng, trở thành chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định (F100) lừng lẫy sau này. Từ đó, cuộc đời tu tập của ni sư Diệu Thông sang trang mới, chiến sĩ cách mạng không trong màu xanh áo lính mà trong y phục lam thiền của nhà tu hành.

Cách mạng cũng chính là “vô ngã”

Để có thể nuôi được các “bổn đạo”, ngày ngày ni cô cùng nhiều người tất bật làm nhang, làm tương. Giữa những nia đậu tương ấy, là máy ngắm của súng cối, kíp nổ. Ở dưới nền đất, là lu kiệu chứa súng đạn, thuốc nổ. Bà trở thành mắt xích không thể thiếu trong những hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Đằng sau tiếng tụng kinh, niệm Phật là hoạt động đánh máy, in truyền đơn và đem rải ngoài phố.

Được một thời gian, khi chùa Bổn Nguyện đi quá sâu vào con đường ngoại đạo nên cảnh sát bắt đầu theo dõi. Tìm cách quấy phá không được, chúng đốt chùa và toàn bộ những ngôi nhà mái lá lân cận. Ni cô Diệu Thông bị địch bắt nhưng được trả tự do vì không đủ chứng cớ buộc tội. Sau đó bà chuyển về Lữ đoàn 316 tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương, danh hiệu cao quý.

Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương, danh hiệu cao quý.

Cuộc đời của ni cô Huyền Trang cùng với những trận đánh đã đi vào lịch sử. Với bà, cách mạng được hiểu theo một cách nghĩ vô cùng đơn giản: “Cách mạng là cách xa cái mạng của mình, cũng có nghĩa là vô ngã”. Từ đó mà những hiểm nguy, khó khăn, không gì có thể làm bà khiếp sợ.

Triết lý nhà Phật và triết lý cách mạng đã hòa quyện vào nhau hướng đến cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho bá tánh, nhân loại đại đồng. Từ một tu sĩ nhưng phải tạm thời gác bỏ những ràng buộc của đạo, phá giới tu hành – sát sanh là một điều không phải đơn giản nhưng với ni cô Diệu Thông bà không bao giờ xem đó là điều ân hận vì theo bà: “Tôi đến với cách mạng từ con đường đạo hạnh, giác ngộ ra chân lý chính nghĩa của cách mạng và đã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hiểm nguy, thử thách đầy cam go.

Toàn bộ tài sản là ngôi chùa Bổn Nguyện và Tam Bảo, tôi đóng góp vào cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Trong chiếc áo nhà tu, chúng tôi là những chiến sĩ cách mạng”, ni trưởng Thích Nữ Diệu Thông tự hào chia sẻ.

Nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” của Biệt động Sài Gòn luôn có bóng dáng lam y của ni cô Diệu Thông liên tục làm cho địch hoang mang, cảnh giác. Đó là trận đánh Trạm biến điện cao thế góc trường đua Phú Thọ tháng 5-1969, trận đánh cư xá hạ sĩ quan độc thân (thành Poloma) tháng 7-1969… Hòa bình, ni cô Diệu Thông tiếp tục ở lại công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Ban liên lạc Phật giáo yêu nước cho đến ngày nghỉ hưu.

Trong bộ phim Biệt động Sài Gòn, ni cô Huyền Trang đã hy sinh nhưng ngoài đời thực ni trưởng Thích nữ Diệu Thông vẫn sống. Hiện bà đã 90 tuổi và đang cư ngụ tại chùa Thất Bửu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang). Nghe gợi lại chuyện xưa, ni sư Diệu Thông chắp tay: “Mô phật, Huyền Trang trong phim về cõi Phật, nhưng Huyền Trang ngoài đời còn nặng nợ cửa thiền. Đội Biệt động năm xưa cũng chỉ còn lại một mình bần ni, đồng đội đã đi vào cõi hư vô hết thảy. Nhiều năm nay bần ni chỉ lo kinh kệ để tâm thanh tịnh và nguyện cầu cho quốc thái dân an”.

Nói về cuộc đời của mình, bà khái quát bằng mấy vần thơ sau: “Tuổi thơ chú tiểu quét lá đa/ Nửa xuân trước đánh đuổi giặc ma/ Danh lưu sử nữ Biệt động thành/ Nửa xuân giữa lăn lộn trầm kha/ Lưng còm tỉnh mộng tâm linh hiện/ Chọn ngày giỗ mẹ quyết xuất gia/ Bảo trì ngôi Tam bảo chơn Tam Bảo/ Xuân rốt sau là một sư bà”.

Năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn vinh dự được Đảng và nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất”. Năm 1969, Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam trao tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3 cho sư cô Diệu Thông.

Năm 1985, bà được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 19/08/2011, bà được Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng tặng “Kỷ niệm chương Tình báo quốc phòng Việt Nam”. Năm 2021, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tặng danh hiệu “Hiền tài nước Việt” cho bà về thành tích cống hiến lớn lao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Người thực nói về nhân vật trong phim

Ni trưởng Thích nữ Diệu Thông cho biết, rất hoan nghênh những nỗ lực của đội ngũ làm phim. Diễn viên đóng rất tuyệt vời, bộ phim diễn tả cơ bản hoạt động của đơn vị chúng tôi thời ấy. Nhất là cảnh tôi bị đòn roi tra tấn, bị địch dùng điện giật khét cả tay nhưng cương quyết không khai báo, giống hệt với những gì tôi đã trải qua. Tuy nhiên, bộ phim “Biệt động Sài Gòn” có vài chi tiết hư cấu so với đời thực nhưng vẫn chấp nhận được, ngoại trừ chi tiết yêu Tư Chung.

“Vì bần ni đã hướng đến cửa thiền từ ngày nhỏ xíu nên không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương. Mà bần ni nhớ ngoài đời đánh nhau ác liệt lắm, đau thương hơn nhiều so với cảnh trong phim”. Phim không có những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” như thực tế” – Ni trưởng Diệu Thông nhận xét.

Đọc thêm