Chuyện xúc động về cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Giản dị trong nếp sống bao nhiêu thì trong công việc, ông lại là người vô cùng nguyên tắc và giữ đúng kỷ cương bấy nhiêu, nên vào thời điểm nhà nước tiến hành đổi tiền năm 1985, dù chính ông là người phải ký phê duyệt nhưng hoàn toàn bí mật với người nhà đến tận lúc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam công bố tin này... Ông nói với các con rằng đó là bí mật quốc gia, “nói là có tội với nhân dân”.

Hình ảnh người ông vừa tôn kính nhưng cũng rất mực gần gũi vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người thân trong gia đình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông (30/9/1988 – 30/9/2013), chúng tôi được nghe những câu chuyện đầy xúc động xen lẫn tự hào về ông tại ngôi nhà số 3, phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, nơi gắn bó với cố Tổng bí thư lúc sinh thời, in đậm những dấu ấn cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Người cộng sản chân chính

Căn nhà số 3 Nguyễn Cảnh Chân gần như không có sự thay đổi như cách đây nửa thế kỷ khi gia đình cố Tổng bí thư chuyển đến. Khoảng sân rộng với cây muỗm già tán rộng che kín sân, giữ được sự thâm nghiêm cho cả căn nhà.

Bước qua cánh cổng trang nghiêm là một sự giản dị đến không ngờ của một người chiến sĩ cộng sản: chiếc chuồng gà sắt bên trái bức tường gần cổng, giàn sắt để treo những giò phong lan ông chăm sóc mỗi chiều, sân gạch rêu mốc và chiếc ghế đá mỗi ngày ông ngồi đọc sách hoặc trò chuyện với con cháu.

Trong căn nhà, những tủ sách với hàng trăm cuốn sách của Mác – Lê nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách luật, sách văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Trên bàn làm việc, cuốn sách đang viết dở, chiếc bút thường dùng, triện thấm mực và tờ lịch đang mở những ngày cuối tháng 9… khiến chúng tôi cảm thấy dường như ông vẫn ở đây ngày hôm qua. Cũng chính tại căn phòng với những kỷ vật thân thiết này, nhiều nghị quyết, văn kiện Đảng và các quyết định trọng đại của lịch sử dân tộc đã ra đời.

Danh thiếp lúc sinh thời của cố TBT Trường Chinh. Ảnh do gia đình cung cấp.
Danh thiếp lúc sinh thời của cố TBT Trường Chinh. Ảnh do gia đình cung cấp.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Trường Chinh là người có vai trò lớn trong việc tham gia chủ trì, xây dựng các văn kiện lớn như Hiến pháp 1959, 1980, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986)... với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cả thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời bình.

Ông luôn bám sát hơi thở của thực tiễn đất nước để xây dựng những chính sách sát nhất với thời cuộc. Những năm 1975 – 1986, đất nước giải phóng và bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết. Ở vị trí thường trực công tác của Bộ Chính trị, chỉ đạo nhiều vấn đề liên quan đến đường lối phát triển, ông trăn trở làm thế nào để đất nước không bị lạc hậu?. Để xã hội có thể phát triển, người tri thức có thể phát huy sáng tạo mà không chệnh hướng?...

Có biệt danh là Thận (nghĩa là rất cẩn thận), ông cẩn thận từ nét chữ và rất sâu sát trong công việc nhưng ông cũng không phải là người cứng nhắc. “Điều đó xuất phát từ bản lĩnh của người cách mạng, giác ngộ lý tưởng, trưởng thành từ thực tiễn đúc kết từ lý luận, có niềm tin mãnh liệt vào Đảng Cộng sản” – TS. Đặng Xuân Phương, cháu nội của cố Tổng bí thư chia sẻ.

Đầu những năm 1980, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của đất nước có nhu cầu phát triển rất nhanh, nhiều nơi đã “phá rào” trong nhận thức và hoạt động sản xuất. Đứng trước đòi hỏi đó, cần có một đường lối, chính sách và nhận thức mới. “Ông tôi khi đó đã gần 80 tuổi, đã nhận thức rõ rằng đổi mới là vấn đề sống còn, cấp bách. Ông đã dám vượt qua chính mình để đổi mới. Được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đóng góp cho dự thảo văn kiện Đại hội VI của Đảng, ông đã có những đóng góp quý báu cho sự kiện quan trọng này.

Ông tôi cũng là một nhà báo đấy. Trong thời kỳ 1936 – 1939, trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng như về sau này, Ông vẫn có đều đặn các bài viết trên các báo. Ông cũng rất quan tâm đến lĩnh vực báo chí tuyên truyền. Các đơn vị như báo Nhân dân, Nhà xuất bản Sự thật, nhà in Tiến bộ, đều có công của ông trong việc xây dựng, lựa chọn tên”, anh Phương cho biết.

Giáo dục truyền thống cách mạng

Truyền thống cách mạng – luôn được cố Tổng bí thư Trường Chinh coi là kim chỉ nam để giáo dục về lý tưởng, nhân cách cho con cháu mình. Ông luôn chú ý giáo dục con và các cháu về truyền thống cách mạng, về giá trị lịch sử và tình yêu quê hương đất nước. Chính vì vậy, ngay khi còn rất nhỏ, TS. Đặng Xuân Phương cùng với anh, em mình đã được ông cho đi thực tế ở nhiều vùng quê để biết về cuộc sống người dân ở mọi miền đất nước vất vả như thế nào.

Những kỷ niệm giản dị đầy xúc động về cố Tổng Bí thư Trường Chinh 2

Cố TBT Trường Chinh đi thăm tình hình sản xuất của bà con ở An Giang, mùa xuân 1985. Ảnh do gia đình cung cấp.

Có những lúc được đi theo các chuyến đi thực tế với ông ở Hải Phòng, An Giang thăm cánh đồng lúa, nghe người dân nói về tinh hình đời sống, về việc tổ chức lao động, tăng gia sản xuất…, đó chính là những cơ hội mà ông muốn giúp cho những người con, cháu của mình sớm có tư duy thực tiễn và hình thành tình yêu quê hương đât nước.

Người cháu nội của ông tâm sự: “Một lần ông hỏi tôi có biết tại sao Việt Nam có thể đánh thắng được đế quốc lớn như vậy khi đất nước vẫn còn rất khó khăn. Tôi đã trả lời rằng: Bởi vì người Việt Nam yêu nước và mưu trí. Ông rất thích câu trả lời của tôi. Ông bảo, người Việt Nam rất linh hoạt, luôn tìm tòi sáng tạo và luôn có một khát vọng phấn đấu vì mục tiêu thống nhất đất nước, dân giàu nước mạnh.

Ông tôi rất ngưỡng mộ và yêu mến các bậc tiền nhân như cụ Nguyễn Trãi, cụ Cao Bá Quát, vua Quang Trung và gần gũi với chúng ta nhất là lãnh tụ Hồ Chí Minh với niềm tin tưởng tuyệt đối. Ông tôi nói về Bác Hồ Chí Minh với niềm say sưa và từng viết một trường ca bằng thơ về Người. Hàng năm, cứ trước Tết ông lại dân gia đình vào thăm nhà sàn, thắp hương cho Bác.

Ông dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây, ao cá của Bác và kể cho con cháu nghe về cuộc đời của vị lãnh tụ kính yêu. Ngày thường, ông cũng hay kể cho chúng tôi nghe về các anh hùng dân tộc với những chiến công lẫy lừng và dẫn chúng tôi thăm các di tích lịch sử để chúng tôi càng thêm thấu hiểu.

Cách sống và làm việc của ông đã dạy chúng tôi sống có nguyên tắc và ý thức cao. Công việc hiện nay của tôi là làm công tác tổ chức (TS. Phương hiện là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường – PV), đây là công việc gắn với nhiều khía cạnh của con người. Con người tốt sẽ có cán bộ tốt, cán bộ tốt sẽ có tổ chức tốt. Làm công việc không dễ này mới thấm thía lời dạy của các bậc tiền nhân”.

Tấm gương lớn cho con cháu

Anh Phương cho biết, cả cuộc đời cố Tổng bí thư noi gương Bác, sống giản dị, thanh bạch. Đều đặn hàng ngày, ông dậy lúc 6 giờ sáng, trong lúc làm vệ sinh cá nhân ông hay ngâm nga một hai câu đồng dao về con trẻ, rồi tranh thủ vừa tập thể dục vừa nghe bản tin nhanh thế giới, tin tham khảo đặc biệt, tin bình luận, tin trong nước và quốc tế đọc qua băng catsette do Thông tấn xã Việt Nam chuyển đến.

Sau mỗi ngày làm việc, mỗi buổi tối ông cũng dành một phần thời gian sau bữa ăn để lắng nghe và trò chuyện với các con và các cháu nội. Điều đặc biệt là trong phòng ngủ của ông luôn có một chiếc giường nhỏ đặt cạnh giường hai ông bà dành cho một người cháu nằm cùng, bi bô mỗi tối và sáng khi ông thức dậy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắp hương tưởng nhớ cố TBT Trường Chinh. Ảnh do gia đình cung cấp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắp hương tưởng nhớ cố TBT Trường Chinh. Ảnh do gia đình cung cấp.

Sống giản dị, cố Tổng bí thư Trường Chinh luôn là tấm gương cho con cháu. Ông rất tâm lý, tình cảm với người vợ, bà Nguyễn Thị Minh, người đã gắn bó cả cuộc đời để chăm lo cho ông và gia đình, giúp ông hoàn thành trọng trách với đất nước. Với các con dâu, rể, ông luôn quan tâm, không bao giờ xét nét và luôn dặn dò các con công tác tốt và giữ gìn sức khỏe. Ông cũng thường nói với con cháu phải biết quan tâm tới những người giúp việc xung quanh. Nhìn vào tấm gương của ông, những người thân trong gia đình ông luôn tự răn mình “Sống ở đây, mọi người con, người cháu đều phải thực hiện nhiệm vụ chính trị”.

Giản dị trong nếp sống bao nhiêu thì trong công việc, ông lại là người vô cùng nguyên tắc và giữ đúng kỷ cương bấy nhiêu, nên vào thời điểm nhà nước tiến hành đổi tiền năm 1985, dù chính ông là người phải ký phê duyệt nhưng hoàn toàn bí mật với người nhà đến tận lúc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam công bố tin này. Sau sự việc, được hỏi vì sao người trong nhà không được hay biết gì thì ông nói với các con rằng đó là bí mật quốc gia, “nói là có tội với nhân dân”.

TS Đặng Xuân Phương đang tu tác phòng làm việc của người ông kính yêu của mình. Ảnh: Chí Cường
TS Đặng Xuân Phương đang tu tác phòng làm việc của người ông kính yêu của mình. Ảnh: Chí Cường

“Đã 25 năm trôi qua, ông không còn nữa nhưng hình ảnh của ông trong ký ức của tôi vẫn như ngày hôm qua. Đối với chúng tôi, những người cháu nội được sống gần ông, đó là những thời khắc quý báu vô cùng. Hình ảnh mỗi ngày ông đi làm việc về, chúng tôi chạy ùa ra đón, có khi được nhận từ tay ông cái kẹo, tấm bánh. Hình ảnh ông xoa đầu chúng tôi ân cần hỏi chuyện học hành và hình ảnh tận mắt chứng kiến lúc ông ra đi ngay chính tại căn nhà này khiến tôi không bao giờ quên” - Bao năm qua, TS. Đặng Xuân Phương luôn ấp ủ tâm nguyện căn nhà số 3 ở phố Nguyễn Cảnh Chân có thể trở thành nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, để lưu giữ những hiện vật lịch sử về một lãnh tụ cách mạng, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Theo Gia đình

Đọc thêm