Mang dị tật vì nhà nghèo
Dôm là con út trong một gia đình dân tộc Giẻ-triêng có 5 anh em. Bố Dôm mất sớm, bà Hồ Thị Kiên (SN 1968, mẹ Dôm) phải quần quật suốt ngày trên nương rẫy để nuôi đàn con thơ.
Thế nhưng, ở một xã thuộc vùng cao, xa nhất của huyện miền núi Phước Sơn, việc làm ra cái ăn không phải dễ dàng. Cả nhà Dôm sống chủ yếu dựa vào những rẫy lúa trên những sườn núi dựng đứng nên cái nghèo cứ bám riết quanh năm.
Cũng bởi lo làm lụng nuôi con nên ngay từ khi sinh Dôm ra được vài tháng, người mẹ đã đi rẫy. Trong một lần để Dôm ở nhà chơi với người anh, Dôm không may bị rơi vào bếp lửa đang cháy khiến chân phải bị bỏng. Do ở cách xa trung tâm huyện, nhà lại nghèo khó nên chỉ điều trị qua loa. Vì vậy, sau tai nạn đó, chân phải của Dôm bị co rút, phát triển không bình thường.
Các anh chị lớn lên, lần lượt theo mẹ đi rẫy hoặc làm phu vàng để kiếm cái ăn, Dôm phải ở nhà một mình, tự xoay xở với một chân trái còn lành lặn. Mẹ và các anh chị cũng dần quen với cảnh “lò cò” quanh nhà của Dôm, không ai nghĩ đến việc đưa Dôm đi bệnh viện bởi họ bận lo cuộc mưu sinh. Cũng không ai nghĩ Dôm “một chân” sẽ biết chữ.
Cho đến một ngày, thấy các bạn cùng lứa đi học, Dôm cũng đòi đến trường. Thương con, bà Kiên đưa Dôm đến trường Tiểu học và THCS Phước Thành xin cho Dôm vào học nhưng trong thâm tâm, bà nghĩ chắc Dôm không thể đi học với một chân.
“Mấy ngày đầu tôi có đưa đón Dôm đi học. Tuy nhiên, về sau do việc làm rẫy phải đi sớm về muộn, nhiều khi đi làm thuê cả nửa tháng mới về nhà nên tôi không đưa đón con nữa. Cả nhà không ai nghĩ rằng con bé tự đi đến trường nhưng nó đã làm được”, bà Kiên tâm sự.
|
Dôm “lò cò” đến lớp. |
Không đầu hàng số phận
Điểm trường nơi Dôm theo học chỉ cách nhà hơn 1 cây số nhưng phải băng qua những con dốc mòn chông chênh đầy sỏi đá. Khổ nhất là những lúc trời mưa, đường trơn trượt, đối với một học sinh tiểu học lành lặn, ngày 2 buổi đến trường trên những lối đi như vậy đã vô cùng khó. Vậy mà Dôm vẫn cần mẫn “lò cò” đi học gần 10 năm qua, chưa một ngày nào em vắng học.
Để đến được lớp học, nhiều khi em phải cắn răng rơi nước mắt vì bị té ngã giữa đường, chân va vào đá tóe máu, quần áo, cặp sách rách tả tơi. Khó khăn là vậy nhưng Dôm thường xuyên đến lớp sớm hơn những học sinh khác.
Dôm kể, để kịp giờ học, em phải đi sớm hơn các bạn. Em buộc cặp sách thật chặt vào vai để không làm rơi cặp khi “lò cò”. Mặc dù đến lớp đã rất mệt nhưng khi vào giờ học cùng các bạn, em rất vui. Hỏi Dôm động lực nào khiến em có thể đến trường chỉ với một chân ròng rã gần 10 năm qua, Dôm hồn nhiên trả lời: “Vì em muốn biết chữ, em muốn được học hành như các bạn khác”.
Cô giáo Trần Thị Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của Dôm cho hay: “Dù bị tật nguyền nhưng Dôm vẫn luôn lạc quan và chăm chỉ học tập. Dôm là học sinh ngoan ngoãn, cần cù, là một trong 3 em học giỏi nhất lớp”.
Còn thầy Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phước Thành thì cho biết, dù không có ai kèm cặp, đôn đốc việc học, nhưng Dôm rất có ý thức học tập và học đều các môn. Năm nào em cũng là một trong những học sinh khá, tiêu biểu của trường.
“Ở xã vùng cao Phước Thành, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Hầu hết cha mẹ học sinh chỉ muốn cho con mình lớn lên đi làm nương, rẫy hoặc đi làm thuê kiếm tiền. Trong khi đó, một cô bé không lành lặn, gia đình khó khăn vẫn kiên trì đi học và đạt kết quả tốt thực sự là đáng khâm phục.
Nghị lực của Dôm là tấm gương sáng cho các học sinh trong trường noi theo. Chặng đường phía trước của Dôm còn nhiều gian nan, nhưng tập thể giáo viên của trường tin rằng Dôm sẽ vươn lên tự khẳng định được mình, trở thành người có ích cho xã hội”, Thầy Mẫu chia sẻ.
Không chỉ có ước mơ “biết chữ”, Dôm còn có một ước muốn cao hơn nhưng cũng thật giản dị là trở thành người có ích. Ở nhà, Dôm tranh thủ lúc rảnh rỗi “lò cò” lên núi hái rau, nhặt củi giúp mẹ. Đến lớp, Dôm “mặc kệ” những lời trêu chọc của bạn bè, quên hết những cơn đau chân mà ra sức phấn đấu học tập.
“Từ nhỏ em mơ ước sẽ trở thành cô giáo. Em tin tưởng một ngày nào đó sẽ hiện thực hóa giấc mơ đỗ vào trường sư phạm. Sau khi ra trường, em sẽ đem kiến thức về giảng dạy cho những học trò nghèo ở quê mình”, Dôm tâm sự.
|
Dôm “lò cò” đến lớp. |
Chấp cánh ước mơ
Dù khâm phục nghị lực và ước mơ giản dị của Dôm nhưng ít ai nghĩ rằng, cô bé “một chân” ở vùng cao này có thể trở thành cô giáo. Tuy nhiên, những thông tin về sự cố gắng nỗ lực của Dôm đã làm lay động trái tim nhóm thiện nguyện của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau khi về Phước Thành thăm bé Dôm, nhóm thiện nguyện đã đề nghị được giúp đỡ để cô bé trở thành người lành lặn. Nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ:
“Biết được tấm gương vượt khó của Dôm, nhóm chúng tôi rất khâm phục và thương cảm. Chúng tôi đã lên kế hoạch chờ đến ngày bế giảng năm học và tìm về địa phương nơi Dôm sinh sống để ngỏ ý giúp em phẫu thuật phục hồi chân phải bị dị dạng bao nhiêu năm nay”.
Đầu tháng 6/2016, Dôm được đưa đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng thăm khám sàng lọc ban đầu. Hạnh phúc như vỡ òa khi bác sĩ thông báo chân phải của Dôm hoàn toàn có khả năng hồi phục. Cả Dôm lẫn gia đình và nhóm thiện nguyện vô cùng vui sướng khi biết Dôm sẽ có thể đi lại bằng hai chân của mình.
Sau ca phẫu thuật đầu tiên vào ngày 20/6, Dôm còn trải qua 3 cuộc phẫu thuật khác và một quá trình vật lý trị liệu gian nan.
Trao đổi với phóng viên Câu chuyện Pháp luật chiều ngày 30/10, bác sĩ Văn Ngọc Kỳ, người trực tiếp điều trị cho Dôm chia sẻ, Bệnh viện đã thực hiện 4 ca phẫu thuật để chỉnh hình chân phải cho Dôm, gồm cắt, ghép da, phẫu thuật kéo khớp gối. Mỗi ca phẫu thuật kéo dài hàng giờ đồng hồ và chân của cô bé có dấu hiệu phục hồi rất tốt.
Sang đầu tháng 11, bệnh viện sẽ tiến hành làm nẹp chân và Dôm có thể sớm xuất viện. Còn bé Dôm thì vui mừng kể, trải qua 4 lần phẫu thuật rất đau đớn nhưng nghĩ đến tương lai mình sẽ được đi bằng hai chân như mọi người, Dôm quên hết cảm giác đau.
Dù hiện tại chân phải đã được nắn thẳng vẫn còn ngắn hơn chân trái khoảng 10cm nhưng em tin rằng với tài năng và sự tận tụy, các bác sĩ ở đây sẽ giúp em đi lại một cách vững chãi.
Dôm cũng cho biết, tháng 9 vừa qua, em đã nhận giấy báo trúng tuyển vào trường THPT của huyện. Tuy nhiên, do yêu cầu của liệu trình phẫu thuật chỉnh hình chân, em đã làm thủ tục xin bảo lưu kết quả đến khi điều trị xong. Khi đi học trở lại, em sẽ tiếp tục cố gắng để thi đỗ đại học sư phạm, để trở thành một cô giáo truyền đạt kiến thức cho thế hệ đàn em ở mảnh đất quê hương.
Chia tay cô bé Giẻ-triêng đầy nghị lực, chúng tôi mong mỏi một ngày không xa, Dôm sẽ bước đi vững chãi bằng cả hai chân của mình. Và chúng tôi tin, với nghị lực phi thường ấy, Dôm “một chân” sẽ tiếp tục vượt khó trên chặng đường phía trước, thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình.