Có cấm được việc quảng cáo sữa?

Theo Luật Quảng cáo mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XIII ngày 21/6/2012, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm cấm quảng cáo. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Theo Luật Quảng cáo mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XIII ngày 21/6/2012, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi là sản phẩm cấm quảng cáo. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (minh họa).
Cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (minh họa).
Luật “chồng” luật
Phát biểu tại hội nghị “Phổ biến Luật Quảng cáo, lấy ý kiến vào dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật quảng cáo” vừa diễn ra tại Hải Phòng, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Việt Nam cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Trong khi, số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia những năm gần đây cho thấy, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 20% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Tức là 80% số trẻ còn lại phải sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
“Trên thế giới hiện có 198 nước quản lý việc kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Trong đó, 42 nước nghèo, chậm phát triển (chủ yếu ở châu Phi, châu Á) cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, 156 nước phát triển cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình, vì vậy chúng ta nên đưa ra khoảng thời gian hợp lý hơn”- ông Phong quả quyết. 
Ông Phạm Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội - chia sẻ: “Theo quy định của Bộ luật Lao động được sửa đổi bổ sung, chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng. Như vậy, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ khi trẻ sinh ra đến dưới 24 tháng tuổi khó mà đi vào cuộc sống. Hơn nữa, Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ (từ 6-24 tháng tuổi) đã cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Đến nay, Luật Quảng cáo lại quy định cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, vậy có hợp lý hay không?” 
1 quảng cáo sữa, 4 yêu cầu chi tiết
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật quảng cáo thì quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ trên 24 tháng tuổi phải đảm bảo 4 nội dung. Cụ thể, phần đầu của quảng cáo phải có lời khuyến cáo: “Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”; tên sản phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; tên cơ quan chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước (đối với sản phẩm sản xuất trong nước) hoặc của nước ngoài (đối với sản phẩm nhập khẩu); không được lồng ghép hình ảnh quảng cáo của sản phẩm dùng cho trẻ nhỏ bị cấm quảng cáo. 
Về vấn đề này, ông Trần Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho hay, một quảng cáo về sữa thường không quá dài. Đưa 4 nội dung trên vào quảng cáo một cách uyển chuyển, hài hòa là tốt, nhưng lại khó tránh khỏi sự nhàm chán, không bật được nét riêng của mỗi hãng sữa. Ông Phạm Thanh Minhcũng cho rằng, mỗi quảng cáo kèm lời khuyến cáo trên chỉ mang tính chất đối phó vì thực tế, thời lượng dành cho lời khuyến cáo chưa đầy một vài giây.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tại hội nghị đồng tình rằng, lạm dụng sữa cho trẻ có thể dẫn đến béo phì hoặc sỏi thận. Vì vậy, điều quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ, cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ chỉ là phần phụ.../.
Phương Thanh

Đọc thêm