Cơ cực bản vùng cao trên đỉnh núi Lũng Mật

(PLO) - Tách biệt với dòng chảy hội nhập, bà con người Dao ở bản Lũng Mật, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) hiện vẫn sống trong cảnh cơ cực trên các sườn, đỉnh núi Lũng Mật, đường đi lại vô cùng khó khăn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. 
Những khó khăn ấy đang “níu giữ” cái đói nghèo, bởi vậy cuộc sống của người dân luôn bị cái nghèo bủa vây khiến họ không dám mơ ước đến những điều tưởng chừng như rất đỗi giản dị.
Hoàng Thị Nái và đứa con gái của mình
Hoàng Thị Nái và đứa con gái của mình 
Bản “hai không” mưu sinh trên đỉnh núi
Nhìn từ trung tâm xã, con đường đi lên Lũng Mật như một sợi chỉ uốn lượn quanh những ngọn núi. Do đường đi khó khăn nên chúng tôi phải mất 2 tiếng đồng hồ mới lên đến bản Lũng Mật. Thấp thoáng sau những vạt chuối là các nóc nhà 4 mái của đồng bào người Dao. 
Được biết, xóm Lũng Mật chỉ có 12 hộ nhưng lại nằm riêng biệt sau các đỉnh núi trong một diện tích và không gian khá rộng lớn. 
Ngôi nhà anh Phòn Văn Trình nằm tựa lưng vào đỉnh núi, trước mặt là ruộng ngô vừa mới thu hoạch, mặc dù những cây ngô đã được chất đống làm củi nhưng trên nền đất vẫn phủ kín một màu xanh ánh bạc của những khóm lạc nằm xen dưới luống ngô, giữa những đá tai mèo. 
Thấy có khách, vợ anh Phòn Văn Trình là Hoàng Thị Nái đang lấy cỏ cho bò ở đằng sau nhà vội về tiếp. Mặc dù mới bước sang tuổi 20 nhưng Nái đã về làm vợ anh Trình được 2 năm và sinh được một đứa con gái. 
Thiếu phụ trẻ chia sẻ: “Mùa này trồng lạc là chủ yếu thôi, nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên năng suất không cao đâu, được ít củ mà củ cũng ít hạt. Vụ ngô năm 2014 gia đình mình thu hoạch khá hơn các năm, nhưng cũng chỉ đủ ăn được mấy tháng thôi. Gia đình mình đông người  nên không đủ ăn đâu, phải làm nhiều việc, trồng nhiều cây, nuôi nhiều con vật nuôi mới đỡ được phần nào”.
Bà Phòn Thị Mấy (86 tuổi) đang trông cháu ở trước nhà cho biết: “Trước đây bà con xóm Lũng Mật ở sâu trong những dãy núi đá, từ chân núi đi bộ vào bản phải mất cả ngày đường. Do điều kiện quá khó khăn nên khoảng 5 năm lại đây, người dân đã chuyển xuống sườn núi để sinh sống, đi lại cũng đỡ hơn trước”.
Nói về cuộc sống khó khăn của bà con dân tộc ở Lũng Mật, anh Phòn Văn Sính, Trưởng bản Lũng Mật cho hay: “Cả bản có gần 70 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Dao. Bản có 14ha đất sản xuất cằn cỗi nằm xen kẽ bên những vách đá tai mèo, khí hậu lại khắc nghiệt nên chúng tôi chủ yếu chỉ trồng được ngô, lạc, bí, rau cải để tồn tại và nuôi lợn, gà “tự cấp tự túc”. 
Năm ngoái (năm 2014), bà con trong bản đều thiếu đói từ 3 đến 4 tháng. Trong khi đó, đường sá đi lại khó khăn, vừa leo dốc vừa gập ghềnh nên việc chăn nuôi bò, lợn, gà chỉ là lương thực tự cung tự cấp. Việc đi chợ phiên mua bán mất cả ngày trời. Bà con thường tranh thủ xuống chợ vào những ngày nắng. 
Vào mùa mưa, con đường lầy lội và trơn trượt khiến cả xóm gần như bị cô lập với bên ngoài. Trong bản có người ốm cũng chỉ tìm đến thầy mo chữa bệnh, khi ai bị bệnh nặng cả xóm mới thay nhau cõng bệnh nhân xuống trạm y tế xã”.
Không những gặp khó khăn, vất vả trong việc đi lại, vận chuyển lương thực, trao đổi hàng hóa, đồng bào Dao sinh sống trên lưng chừng núi cao còn khổ sở về nước sinh hoạt. Hàng năm vào mùa hanh khô, không có nguồn nước và việc dẫn nước từ nơi khác về là không thể bởi đồng bào thường có thói quen sống trên núi cao. Thiếu nước sinh hoạt, thiếu cả nước sản xuất nên đất đai luôn trong tình trạng khô cằn. 
Nguồn nước chỉ trông chờ vào những trận mưa lớn, nước chảy xuống hệ thống đá vôi ngầm rồi dẫn vào khe suối ở các xóm vùng thấp của xã. Vì vậy, giải pháp duy nhất là tích trữ nước trời vào một bể nước sinh hoạt chung với khối lượng 4m3 nên tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra. 
Thiếu nước, bà con chỉ biết cầu trời cho mưa, hoặc cầm can, dắt ngựa vượt núi để thồ nước lên bản. “Cái khó ló cái khôn”, người dân trên Lũng Mật sử dụng nước một cách rất tiết kiệm và thông minh. Khi sử dụng nước phải tuân thủ theo quy trình: Nước rửa mặt dùng để rửa chân rồi mới đổ vào bể để lắng, sau đó phục vụ chăn nuôi… 
Nếu như ở nơi khác việc rửa rau qua 3, 4 lượt nước thì người Dao ở Lũng Mật lại chỉ lột vỏ hoặc đập nhẹ rau vào những mỏm núi đá, cột nhà rồi đem xào nấu thành thức ăn. Mỗi khi nhà có khách thì chủ nhà ưu ái rửa qua một lượt nước, bởi đối với bà con nơi đây nước quý hiếm hơn vàng nên phải thật tiết kiệm mới có thể đủ dùng.
Đường điện trên đỉnh Lũng Mật, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng)
Đường điện trên đỉnh Lũng Mật, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng)
Gian nan hành trình 
thoát nghèo
Không giống người Kinh, Tày, Nùng… đồng bào dân tộc Dao có tập quán sinh sống tách rời nhau dù là anh em, họ hàng thân thiết. Mỗi hộ dân thường dựng nhà cách nhau khá xa, đồng bào Dao ở Lũng Mật mỗi nhà sống trên một hẻm núi. 
Việc các gia đình nằm khá xa nhau cũng có cái lợi là mỗi hộ gia đình đều được sở hữu diện tích đất rộng lớn để sản xuất, sinh hoạt, nhưng không bù được những khó khăn do việc đi lại từ nhà nọ đến nhà kia mất cả giờ đồng hồ, chuyện họp xóm hay thông báo những việc hệ trọng, trồng, thu hoạch và vận chuyển lương thực, tổ chức đám cưới, đám ma… càng vất vả do mất nhiều thời gian, công sức trong việc đi lại, vận chuyển đồ đạc. Việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, loại bỏ các hủ tục lạc hậu… cũng gặp rất nhiều rào cản.
Điều khiến khách xa đến Lũng Mật cảm thấy ngạc nhiên và xúc động nhất là khi bắt gặp Trường Tiểu học Lũng Mật nằm chênh vênh trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Trường có 1 dãy nhà tạm gồm 3 phòng học. Diện tích các phòng học chỉ rộng khoảng 10m2, vách thưng ván gỗ, mái lợp proximăng, nhiều chỗ tường vách đã quá cũ nên các thầy cô giáo  phải che bạt lên mái và xung quanh để tránh nắng mưa, chắn gió cho học sinh học tập. Vì đơn giản, thô sơ nên có thể nghe rõ tiếng dạy học của lớp bên cạnh khi đang ngồi học.
Anh Phòn Văn Sính cho hay, hiện nay cả phân trường có 3 giáo viên dạy lớp ghép. Trường có 15 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng khuyết lớp 4 do không có học sinh. Trường học chưa có điện nên các lớp học đều phải tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các lớp học ở đây thiếu thốn đủ bề về cơ sở vật chất, đồ chơi, thiết bị dạy học… 
Để đến trường, nhiều học sinh phải dậy từ sớm, vượt qua những con đường dốc đá gập ghềnh. Còn các giáo viên ở tại dãy nhà tạm bên cạnh trường học, được quây bằng ván gỗ, không có điện và nước để sinh hoạt. Ở nơi chồng chất khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng các thầy, cô giáo vẫn vượt núi, băng rừng với sứ mệnh “gieo chữ” cho học sinh, đồng bào nơi đây để họ sớm thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ.
Chị Nông Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Sóc Hà cho biết: “Những năm gần đây, việc thực hiện Chương trình 134, 135 đã phát huy hiệu quả tích cực đối với đồng bào dân tộc Dao trong xã. Hiện nhiều hộ dân không còn phải sống trong những ngôi nhà tre nứa lá lụp xụp mà thay vào đó là những ngôi nhà gỗ chắc chắn hơn rất nhiều. 
Việc có một Phân trường Tiểu học Lũng Mật cũng là nhờ việc tuyên truyền vận động bà con đóng góp ván gỗ để xây dựng nhằm giúp cho con em được học cái chữ, nâng cao dân trí và thoát nghèo bền vững”.
Rời Lũng Mật khi bóng chiều buông xuống, nhìn từ trên cao xuống dưới những nương lúa xanh ngát của người Tày, người Nùng sinh sống phía dưới đẹp như một bức tranh thủy mặc. Tuy nhiên, quãng đường xuống đó vẫn còn rất xa xôi đối với chúng tôi, và sâu thẳm trong đôi mắt của đồng bào Dao nơi đây, quãng đường đó dường như còn mịt mờ, xa xăm hơn rất nhiều lần. 
Chiều buông xuống, những đàn chim lại bay về tổ như mọi ngày, những con người nơi đây cũng vượt nương rẫy về căn nhà quen thuộc, lầm lũi với cuộc sống vất vả, nghèo khó của mình. Cuộc sống của họ thường ngày vẫn cứ diễn ra như thường lệ, một chu kỳ lặp đi lặp lại dường như không thay đổi. 
Và, những cảnh tượng và con người ấy luôn ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về.

Đọc thêm