Có được thừa kế tài sản ở Việt Nam khi mang quốc tịch nước ngoài?

(PLO) - l Ông Jenny Phan (LB.Nga) hỏi: Gia đình tôi sang sinh sống tại Nga từ khá lâu. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Đến năm 2006 tôi chuyển sang quốc tịch Nga và xin thôi quốc tịch Việt Nam. Bố tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam do muốn giữ quốc tịch quê hương khi già. Tháng 9/2010 bố tôi chết, để lại một ngôi nhà ở TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người nói rằng tôi không được thừa kế do có quốc tịch Nga và nhà lại ở Việt Nam, xin hỏi Quý Báo có đúng không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Cty Luật Newvision) giải đáp như sau: Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự được ký kết giữa Việt Nam và Nga (25/8/1998) có quy định nguyên tắc: “Việc phân biệt động sản và bất động sản được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản”.
Theo Điều 17 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 của Việt Nam.“1.Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các tài sản khác do pháp luật quy định. 2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
Theo quy định thì ngôi nhà của bố ông để lại ở TP.Hồ Chí Minh là bất động sản. Mặt khác, theo Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Nga, Điều 35 quy định: “Quyền thừa kế bất động sản được xác định theo pháp luật của nước kí kết nơi có bất động sản”. Do đó, việc xác định ai có quyền thừa kế ngôi nhà của bố ông được xác định theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, trường hợp thứ nhất, nếu bố ông có di chúc thì những người có quyền thừa kế được hưởng thừa kế theo di chúc. Trường hợp thứ 2, nếu không có di chúc, thì những người có quyền thừa kế được quy định theo Điều 676 BLDS 2005. “Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật: 1. 
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Vậy, trong trường hợp của ông, ông và anh chị em, ông bà, mẹ ông có quyền thừa kế ngôi nhà (không kể là mang quốc tịch Nga hay còn quốc tịch Việt Nam).
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm