Xã Phú Cường (Ba Vì, Hà Nội): Chia đôi trách nhiệm bồi thường… do “quên” luật?

(PLO) - Tháng 9/2014, Báo PLVN đã có bài phản ánh thực trạng quản lý đất đai yếu kém tại xã Phú Cường dẫn đến vụ dân kiện “quan” xôn xao dư luận. Sau 2 lần hoãn, ngày 24/10/2014 phiên tòa sơ thẩm vụ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng kiện Hợp tác xã Thanh Chiểu và chính quyền xã Phú Cường tự ý chấm dứt hợp đồng kinh tế trước thời hạn mới diễn ra.

Như đã đề cập, nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ năng lực yếu kém của những người đứng đầu Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Chiểu và UBND xã Phú Cường trong quản lý đất đai, “gián tiếp” gây ra hệ lụy cho người dân.  
Sau phần xét hỏi, tranh tụng và phân tích những quan điểm của hai bên, Thẩm phán Đinh Công Vinh – Chủ tọa phiên tòa kết luận về trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Phú Cường khi đó: “Hai lần ký xác nhận vào hai bản hợp đồng giữa HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu với hộ ông Dũng, bà Loan nhưng Chủ tịch UBND xã Phú Cường đã thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương mình quản lý; đồng thời không báo cáo cấp trên về tình hình sử dụng đất ruộng quỹ I khu 400 Đồng Mơ Thanh Chiểu sau khi hợp đồng này ký kết theo quy định của Luật Đất đai. Trách nhiệm này thuộc về UBND xã Phú Cường”.  
Thẩm phán Vinh cũng nêu rõ về trách nhiệm của HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu: “Đối với HTX Thanh Chiểu chỉ là đơn vị kinh tế không có thẩm quyền như UBND mà tự ý ký 02 hợp đồng cho thuê thầu khoán đất nông nghiệp quỹ đất I khu 400 Đồng Mơ với hộ ông bà Dũng - Loan là trái thẩm quyền, trái pháp luật; vi phạm “Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Do vậy, hai bản hợp đồng không có giá trị pháp luật, có lỗi về thẩm quyền ký kết hợp đồng. Khoản 2 Điều 137  Bộ luật Dân sự quy định: “Khi các giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Thẩm phán Vinh kết luận: Các bên tham gia ký hợp đồng là HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu và người nhận thuê thầu khoán đất là hộ gia đình ông Dũng, bà Loan đều có lỗi, xác định là lỗi hỗn hợp; do vậy, cùng phải chịu chia đôi trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Sau bản án, người dân Ba Vì cho rằng, nếu HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu không ký hợp đồng cho thuê thầu khoán đất nông nghiệp mà tham mưu đầy đủ tới chính quyền cấp trên, phân tích, hướng dẫn người nông dân cách làm thấu tình, đạt lý thì có lẽ không để lại tổn thất về kinh tế. 
Ông Dũng chia sẻ:“Hồi đó, các anh ấy (HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu) bảo sao thì tôi làm vậy, ký xong nộp tiền đầy đủ. Bên cạnh đó, cả chính quyền xã cũng xác nhận thì tôi tin quá đi chứ. Giờ mất tiền, biết đổ cho ai?”. Không chỉ vậy, chính từ mảnh đất mà 59 hộ xã viên làm đơn xin trả lại đất ruộng cho HTX, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng đã bất chấp khó khăn, cày xới để trở thành hộ nông dân giỏi cấp thành phố nhiều năm liền và mong chờ tới ngày thu hoạch. Thế nhưng, gia đình ông chỉ nhận được… 1/2 số tiền, phải đền bù trách nhiệm hỗn hợp và di chuyển toàn bộ đồ đạc, cây cối, nông sản sau 40 ngày kể từ ngày tuyên án do những nguyên nhân và trách nhiệm của những người có thẩm quyền… “quên” luật.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, gia đình ông Dũng làm đơn kháng cáo lên cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại quyền lợi và làm rõ những thiệt hại cũng như trách nhiệm của mỗi bên… 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm