Tự tay cha “tước đoạt” đời con
Một người cha đã gọi điện đến đường dây tư vấn của CSAGA tâm sự nỗi đau khổ, hối hận của bản thân. Ông tâm sự, sau khi phát hiện con gái mình – một giảng viên có bằng thạc sĩ nhưng lại đang yêu một cô gái khác, ông đã tìm mọi cách can ngăn, cấm đoán.
Đến khi “hết cách”, ông bố đã tự tay pha thuốc ngủ cho con gái uống để có cơ hội người con trai theo đuổi cô suốt mấy năm nay chiếm đoạt cô. Ông bố hi vọng sau khi sự đã rồi, con gái ông sẽ chịu an phận làm vợ, làm mẹ.
Sau khi biết chuyện, cô gái này đã như phát điên và chỉ muốn tự sát. Suốt thời gian sau cô chỉ sống trong câm lặng và như một cái bóng trong căn nhà của mình.
Vì sức ép từ gia đình, chị N.T.Y – một đồng tính nữ 24 tuổi ở Nghệ An phải chấp nhận lấy một người mình không hề yêu thương và sinh con cùng anh ta. Để làm tròn bổn phận, Y. đã phải nén lại tất cả tình cảm của bản thân, chấp nhận quan hệ tình dục với chồng trong sự ghê sợ.
Đến một ngày, Y. gặp được phụ nữ mình yêu thương. Nhưng khi Y. nói với chồng giới tính thật của mình và đề nghị ly hôn, chồng Y. và cả gia đình nhà chồng đã lao vào hành hạ, đánh đập Y. cho chừa thói “đua đòi”…
Tuyệt vọng ước mơ giải thoát
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, khi vai trò, vị trí của người phụ nữ nói chung vẫn chưa được ngang bằng với nam giới, tiếng nói và việc ra quyết định của họ cho chính cuộc đời mình còn yếu ớt và khó khăn. Khi họ lại là người đồng tính, thì tiếng nói ấy còn yếu ớt hơn nữa. Trong rất nhiều trường hợp, gia đình - nơi tưởng như là thân yêu, yên bình nhất với người đồng tính nữ - lại thực sự là “địa ngục”.
Nghiên cứu năm 2012 trên 2.000 đồng tính nữ của ISEE cho thấy, 54% đồng tính nữ bị gia đình phản đối yêu nữ; 46,6% bị ép lấy chồng; 22% bị mắng mỏ, xúc phạm; 19% bị theo dõi, quản lý; 11,5% bị nhờ thầy lang, bác sĩ “chữa bệnh”; 8,2% bị nhờ thầy cúng “đuổi con ma nam” đi; 10,3% bị đánh; 11% bị từ mặt, đuổi đi.
Nghiên cứu mới đây của CSAGA thực hiện trên 387 đồng tính nữ và gia đình, bạn bè họ cho thấy trong số gần 120 đồng tính được hỏi thì 15,7% cho biết gia đình họ đay nghiến, nhiếc móc, chửi bới; 14,3% cấm tiếp xúc; 4% đánh đập…
“Trước khi bắt đầu phỏng vấn, chúng tôi tưởng khi gia đình biết, những người nữ yêu nữ sẽ thôi bị giục lấy chồng. Nhưng hóa ra không phải. Có những người sau khi cha mẹ biết, vì cha mẹ không chấp nhận nên lại thúc ép lấy chồng dữ dội hơn” – nhóm cán bộ ISEE đã thực hiện phỏng vấn 40 đồng tính nữ cho biết.
Ở một khía cạnh khác, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những người đồng tính nữ không hề dễ thể hiện giới tính như những người đồng tính nam bởi nhiều rào cản từ cộng đồng và những định kiến dành cho phụ nữ. 31,8% nguời đồng tính nữ cho rằng họ bị người khác dùng lời nói, cử chỉ dè bỉu; 27,5% bị lôi ra làm trò đùa vui và 6,5% bị quấy rối, tấn công bạo lực.
Ông Lê Văn Sơn – Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam vừa thực hiện nghiên cứu mới đây của CSAGA trên 387 đồng tính nữ và gia đình, bạn bè cho biết khi bắt tay vào thực hiện khảo sát, nhóm nghiên cứu dự định gặp 100 cha mẹ có con là người đồng tính nữ.
Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 25 người đồng ý gặp mà 25 người này cũng chỉ đồng ý phỏng vấn qua điện thoại chứ không gặp trực tiếp. Bản thân 118 người đồng tính nữ được hỏi cũng không dám để nhóm nghiên cứu tiếp cận cha mẹ mình.
Vì sao lại như vậy? Biết bao giờ thì người đồng tính nữ mới có thể tự giải thoát khỏi “vỏ ốc” của chính mình?
“Mặc áo cưới, tim tôi chỉ chực vỡ ra trong nước mắt”
Có một thực tế phũ phàng đang tồn tại, đó là trong khi những người đồng tính nam rất mạnh dạn thể hiện giới tính và nhận được nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng thì người đồng tính nữ phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ các quan niệm về vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con.
Cách đây không lâu, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường (ISEE) đã tiến hành phỏng vấn 40 người đồng tính nữ (38 người ở tại Hà Nội, và 2 người ở một tỉnh lân cận, đa số còn khá trẻ ở độ tuổi từ 21 đến 30; có người học hết phổ thông nhưng cũng có người đã có trình độ cao học, phần đông trong số họ đang sống cùng cha mẹ). 40 con người là 40 câu chuyện và câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt đớn đau.
“Từ nhỏ, tôi chỉ thích đá bóng, chơi cầu, trèo cây, đổ dế với con trai. Quần áo tôi lúc nào cũng xộc xệch, lấm lem. Vào cấp 3, mẹ tôi bắt tôi để tóc dài, mặc áo hoa, mặc váy nên tôi cũng ra dáng một thiếu nữ. Một ngày, có một cô gái chuyển trường đến lớp tôi.
Vừa nhìn thấy cô, tim tôi như rơi xuống. Mặt tôi đỏ bừng, chân tay luống cuống khi cô ấy ngồi xuống cạnh tôi. Tôi phải chống chọi với nỗi ước ao được chạm vào cô ấy, dẫu chỉ là cầm lấy một ngón tay. Tôi lờ mờ hiểu rằng bà mụ đã lỡ đặt tâm hồn người con trai vào thân thể một cô gái như tôi.
Từ đó, tôi chạy trốn chính mình. Tôi không dám kết bạn với ai, chỉ ru rú ở nhà, co rúm mình trong giấc mơ làm đàn ông. Tôi không thể nói ra với ai, tự dằn vặt, ức chế trong những khát khao. Có những lúc, tôi giam mình trong nhà tắm, kỳ cọ đến nỗi da thịt đỏ ửng, chỉ mong tẩy rửa được thân thể tôi, số phận tôi. Thế rồi vì thương bố mẹ tôi đã chui ra khỏi vỏ ốc, ăn mặc dịu dàng, trang điểm xinh đẹp, cố yêu một người đàn ông để lấy chồng.
Người đàn ông tôi quen khi đi công tác ở tỉnh luôn vui vẻ xấu trai nhưng có học thức, gia đình khá giả, đúng mẫu “con rể mơ ước” của bố mẹ tôi. Đám cưới diễn ra rất nhanh sau 2 tháng quen biết. Và tôi chỉ muốn mọi thứ qua thật nhanh, để báo hiếu bố mẹ và sau đó may mắn sẽ có con luôn để có thể quên đi tất cả. Khi mặc áo cưới, tim tôi chỉ chực vỡ ra trong nước mắt.
Tôi cảm thấy mình bước vào một địa ngục, không lối thoát. Rồi người chồng cũng nhanh chóng nhận ra sự lạnh lẽo, khô cứng đến mức gỗ đá, ghẻ lạnh của tôi. Anh ấy dằn vặt, tra hỏi. Chửi chán, anh ta lại dằn tôi ra để hành hạ, tìm kiếm cảm xúc của tôi. Tôi chỉ biết âm thầm nuốt nước mắt vào trong, nằm trơ như gỗ đá cho chồng hành hạ. Như một sự tạ tội với anh ấy, cũng lại như sự trừng phạt với chính số phận éo le của mình...”.