Bước vào đời trên chiếc xe lăn
Có thể nói, ngay từ khi mới chào đời, chị Đỗ Thị Khuyên (sinh năm 1983, tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã gắn với số phận nghiệt ngã, không được may mắn như những đứa trẻ khác. Khuyên là nạn nhân của chất độc da cam do chiến tranh để lại. Cô không thể tự đi, cả tuổi học trò đều nhờ ông bà nội, cô, chú và mọi người trong gia đình cõng đi học.
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chỉ trông vào trồng cấy, 14 tuổi, Đỗ Thị Khuyên đành rời ghế nhà trường để mong tìm kiếm một công việc, chia sẻ gánh nặng gia đình cùng cha mẹ. Việc di chuyển của Khuyên phụ thuộc hết vào chiếc xe lăn, nhưng đổi lại, cô có đôi tay khéo léo, khỏe mạnh, dẻo dai. Cô đã thử sức với nghề may giỏ gia công, mỗi ngày cô may được vài chục chiếc, tiền công nhận được khoảng hơn 20.000 đồng nhưng làm không được bao lâu phải nghỉ.
Cơ duyên trở thành vận động viện bơi lội đến với Đỗ Thị Khuyên khi cô nghe qua báo đài và được bạn bè giới thiệu về Trường dạy bơi cho người khuyết tật tại TP HCM. Với đam mê và ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn, cô đã xin bố mẹ lên thành phố theo học. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng cha mẹ Khuyên cũng đồng ý.
|
Đỗ Thị Khuyên tại nhà. |
Con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp
Năm 2009 trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Đỗ Thị Khuyên. Cô cùng chiếc xe lăn đến trung tâm học bơi lội dành cho người khuyết tật do Sở Thể dục – thể thao TP HCM tổ chức. Tại đây, cô đã được thầy Nguyễn Hoàng Anh hướng dẫn trực tiếp, tận tình giúp đỡ về mọi mặt. để cô ăn ở, sinh hoạt ngay taị nhà mình.
Nhớ lại những ngày đầu theo học, Đỗ Thị Khuyên bộc bạch: “Em còn nhớ rõ lần đầu xuống hồ tập bơi, khi chạm chân xuống nước em thấy sợ quá nên co rút người lại, hai tay ôm chặt thành hồ không dám buông ra. Cảm giác lo sợ vì bỡ ngỡ, thấy quá khó và nghĩ trong đầu chắc mình không học bơi được đâu! Như đọc được nỗi lo lắng của em, thầy Hoàng Anh đến an ủi động viên, chỉ dạy tận tình hướng dẫn từng thao tác.
Để không làm nản lòng và kỳ vọng của cha, mẹ cùng những người thân trong gia đình ở quê nhà nên em đã quyết tâm học, cố gắng tập rồi dần dần cũng thích nghi được với bộ môn này. Chỉ sau 2 tuần là em bơi tương đối thành thạo các kiểu bơi như: Bơi bướm, bơi ếch, bơi ngửa và bơi sải. Thế rồi sau thời gian 2 tháng em đã hoàn thành nội dung chương trình đúng theo yêu cầu của khóa học, sẵn sàng tham gia thi đấu các giải dành cho người khuyết tật…”.
Cũng trong năm 2009, Hiệp hội Paralympic Việt Nam (Viet Nam Paralympic Association) tổ chức Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng trị, Đỗ Thị Khuyên lần đầu tiên tham gia bộ môn bơi của đơn vị TP HCM và đạt được 3 Huy chương vàng.
Thắng lợi đầu tiên thật lớn lao, ngoài sự mong đợi của cô gái tật nguyền đầy khát vọng cho cuộc sống mới. Mang về được những tấm Huy chương vàng đầu tiên trong đời mình như tạo thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực cho Khuyên, khắc phục khó khăn để vượt qua số phận và vươn lên trong chặng đường phía trước.
Những năm sau đó, Khuyên tiếp tục luyện tập môn bơi lội ở thành phố và quen biết một thanh niên cùng hoàn cảnh là anh Huỳnh Anh Tú, quê ở Sóc Trăng. Tình cảm lớn dần, cả hai tiến tới hôn nhân.
Năm 2012, đám cưới của anh chị được tổ chức tại quê nhà của chị Khuyên và được cha mẹ chị cất cho một chòi lá đơn sơ làm tổ ấm. Một năm sau, đôi vợ chồng trẻ sinh được một bé gái. Điều may mắn là đứa bé ra đời hoàn toàn bình thường.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một lần anh Tú trở về quê để thăm gia đình tại Sóc Trăng nhưng không trở lại. Hai người chia tay không hiểu lý do, mọi thông tin liên lạc đều bị cắt đứt, chị Khuyên đành một mình với thân thể tật nguyền nuôi con còn quá nhỏ.
Để trang trải cuộc sống, chị Khuyên điều khiển chiếc xe gắn máy tự chế bán vé số, mỗi ngày thu nhập được khoảng 100 nghìn đồng nuôi con gái ăn học. Năm nay bé đã học lớp hai, con đường phía trước của chị Khuyên và con gái còn rất dài...
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, chị vẫn tập luyện bơi lội thường xuyên. Hàng năm chị đều đăng ký tham gia thi đấu Giải toàn quốc do Tổng Cục Thể dục - Thể thao và Hiệp hội Paralypic Việt Nam tổ chức ở nhiều tỉnh, thành và đều đạt nhiều Huy chương vàng, bạc, đồng với các cự ly và kiểu bơi khác nhau.
Tham gia thi đấu liên tục từ năm 2009 đến nay, Đỗ Thị Khuyên đã mang về 11 tấm Huy chương vàng, 11 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng. Đây thực sự là điều kỳ diệu, là kết quả của sự rèn luyện bền bỉ, ý chí phấn đấu vượt khó, kiên trì theo đuổi mục đích và lý tưởng của mình. Chất độc da cam có thể hoành hành, tàn phá, làm đau đớn thể xác con người, nhưng không thể làm mất đi nghị lực của người phụ nữ biết thích nghi với hoàn cảnh của cuộc sống và nỗ lực vươn lên.