Báo đáp ân tình
Hoàng Thanh, 22 tuổi, ngụ trấn Hợp Câu, TP.Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tháng 7/2006, Thanh tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa, do chưa tìm được công việc thích hợp nên ở nhà chuẩn bị thi lên thạc sĩ.
Khoảng 11h đêm 17/3/2007, Thanh và mẹ đang chuẩn bị đi ngủ thì nhận được điện thoại từ đồng nghiệp của cha ở nhà máy sản xuất tấm gỗ ép. Người này cho biết nhà máy vừa xảy ra hỏa hoạn, cha Thanh bị bỏng nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Nghe tin như sét đánh ngang tai, Thanh vội vã cùng mẹ tới bệnh viện. Nhìn người cha là Hoàng Hoa nằm bất tỉnh, toàn thân đen sạm, loang lổ vết cháy hết sức thảm thương khiến hai mẹ con Thanh không kìm được nước mắt.
Qua những người đồng nghiệp của cha, Thanh biết được có một người khác cũng bị bỏng cùng cha mình là Tề Hán Nguyên, nhân viên thống kê của công ty. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 21h20, nguyên nhân được cho là do chập điện khiến vật liệu dễ cháy bắt lửa và bùng lên nhanh chóng.
Sau khi được điều trị tích cực 2 ngày, cuối cùng Hoàng Hoa cũng có một chút ý thức nhưng khí quản bị bỏng khói nên không thể nói chuyện. Gần 1 tuần sau, Hoa cuối cùng cũng nói được những câu ngắt quãng.
Câu đầu tiên Hoa hỏi vợ con là tình hình của Nguyên ra sao, ông cho biết chính Nguyên là người đã cứu mình. Lúc đó Hoa đang đổ nguyên liệu vào máy thì bỗng nhiên ngọn lửa bùng lên dữ dội, khói đen mù mịt khiến ông không tìm được phương hướng. Lúc này Nguyên đứng ngoài cửa vội vàng hét lên bảo Hoa chạy ra ngoài.
Một lát sau, Hoa cảm giác tay mình có người khác nắm lấy. Khi Nguyên đưa được Hoa ra ngoài thì cả nhà xưởng đã trở thành biển lửa. Cả hai đều bị bỏng nặng. Hoa nói với con gái, lúc đó Nguyên đang đứng ngoài cửa, nếu anh ta không chạy vào cứu mình thì chắc chắn Hoa đã không sống được đến bây giờ và Nguyên cũng không bị thương.
Nghe xong câu chuyện, Thanh và mẹ vô cùng cảm động liền đến thăm Nguyên. Thanh khóc hỏi Nguyên đã cứu cha mình nhưng sao không thấy Nguyên kể chuyện này với ai? Nguyên nói đâu có gì, mình chỉ kéo tay chú Hoa chứ cũng không giúp được gì nhiều, đồng thời nói Thanh và mẹ không cần phải cảm ơn, áy náy chuyện này làm gì.
Qua nói chuyện, Thanh biết được mẹ Nguyên đã mất cách đây mấy năm, nhà chỉ còn lại cha và em trai đang học cấp 3. Tuy nhiên người cha lại thích uống rượu, tính tình tương đối cục cằn.
Sau buổi nói chuyện, Thanh hứa sẽ đến chăm sóc và cho Nguyên uống thuốc. Từ đó trở đi, Thanh bắt đầu cho Nguyên mỗi ngày 5 lần uống thuốc. Tuy không phải là sự báo đáp gì lớn lao, nhưng có thể làm chút gì đó giúp Nguyên, Thanh cũng cảm thấy được an ủi. Lúc rảnh rỗi Thanh lại đến nói chuyện hoặc tải nhạc vào máy MP3 của mình cho Nguyên nghe.
Lúc này, Nguyên tuy cảm thấy ngại ngùng sợ như vậy sẽ làm phiền Thanh, nhưng thực lòng lại rất muốn Thanh đến. Dần dần Nguyên coi Thanh như chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình.
Sau một thời gian tiếp xúc, Thanh biết Nguyên trước đây cũng là người Từ Châu, năm 2004, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Nguyên làm việc ở Nam Kinh một năm. Sau đó, vì sợ cha thường xuyên uống rượu gây chuyện nên Nguyên quyết định về quê và xin vào làm việc cùng nhà máy với cha Thanh.
Sau một thời gian điều trị, một ngày đầu tháng 4, phần bông băng quấn ở mặt Nguyên tạm thời được y tá tháo ra. Đây cũng là lần đầu tiên Thanh nhìn thấy khuôn mặt của Nguyên.
Tuy thời gian này cô tiếp xúc với nhiều bệnh nhân bị bỏng với các cấp độ khác nhau nhưng khi nhìn thấy Nguyên cô cũng không khỏi giật mình kinh hãi. Phần cằm của Nguyên bị mất toàn bộ thịt, lộ rõ xương, một bên tai bị cháy hết, da hai bên mặt cũng không còn. Nguyên thấy vậy ái ngại vì đã làm Thanh sợ hãi.
Hoàng Hoa lúc này thấy con thường xuyên sang thăm Nguyên. Một hôm Hoa gọi Thanh đến bên cạnh: “Con gái, Nguyên là chàng trai tốt, lại có ơn cứu mạng cha, vì vậy cha muốn gửi gắm con cho Nguyên, không biết con có chấp nhận hay không?”.
Nghe xong, Thanh giật mình rồi ngẩn người không nói gì. Hoa nói tiếp: “Cha nghĩ vậy một phần vì muốn báo đáp ân tình, một phần vì muốn nghĩ cho tương lai của con. Một người thanh niên tốt như vậy chắc chắn sẽ cho con cuộc sống hạnh phúc cả đời”.
Thanh cảm thấy hết sức do dự, bởi tuy Nguyên là người tốt, nhưng dung mạo Nguyên đã bị hủy hoại kinh khủng như vậy thì thật khó chấp nhận. Tự ái vì cha nói vậy nên từ đó Thanh không đến phòng Nguyên đang điều trị nữa.
Ngày 23/4, sức khỏe của Hoàng Hoa đang trong quá trình hồi phục thì bị cảm sốt dẫn đến viêm phổi và cơ tim. Ngày 28/4, do chức năng tim, phổi bị suy kiệt nặng nên ông đã tử vong. Khi biết tin, Nguyên dùng ngón tay út còn cử động được chút ít để nhắn tin chia buồn và động viên Thanh và mẹ.
Sau khi lo xong tang lễ cho cha, Thanh trong tâm trạng vẫn còn đau buồn bỗng nghĩ đến Nguyên vẫn còn trong bệnh viện nên nhắn tin hỏi thăm đồng thời xin lỗi vì thời gian vừa rồi mình không tới thăm Nguyên. Khoảng nửa tiếng sau Thanh nhận được tin nhắn của Nguyên cho biết mình vẫn ổn và cảm ơn Thanh vì sự giúp đỡ trước đây. Sau này Thanh không cần đến thăm mình, khi nào Nguyên hồi phục sẽ đến thăm Thanh.
Lấy tiền bồi thường cứu ân nhân
Trong lòng Thanh lúc này hết sức mâu thuẫn, phần muốn đến thăm Nguyên nhưng vì lời nói của cha nên trong lòng cảm thấy khó xử. Thanh nghĩ, làm gì có cô gái trẻ đẹp nào lại chấp nhận lấy một người khuôn mặt bị hủy hoại cơ thể như vậy. Tuy nhiên Nguyên lại là ân nhân cứu mạng cha, làm sao có thể bỏ mặc không quan tâm?
Cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh, ngày 26/5, Thanh quyết định đến thăm Nguyên. Y tá liền kéo Thanh ra cửa cho cô biết, thời gian trước Thanh thường xuyên đến chăm sóc tinh thần của Nguyên rất tốt. Nhưng thời gian gần đây, không có sự xuất hiện của Thanh, Nguyên thường xuyên cãi cọ với cha, tâm lý không ổn định nên tốc độ hồi phục cũng chậm.
Y tá khuyên: Nếu hai người đã là bạn bè thì Thanh nên thường xuyên đến chăm sóc Nguyên hơn. Bởi những người bệnh này rất dễ bị cảm và nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Thì ra, khoảng cuối tháng 3, công ty bồi thường cho Nguyên số tiền 250 ngàn nhân dân tệ, đến nay số tiền đó chỉ còn lại vài chục ngàn, sắp tới vẫn còn vài lần phẫu thuật nữa, số tiền viện phí sẽ rất lớn. Cha Nguyên nảy sinh tâm lý tiêu cực, thất vọng và bực tức nên thường xuyên uống rượu rồi trách móc Nguyên khiến hai cha con thường xảy ra xung đột.
Thanh nghe xong hết sức thương cảm, kể lại tình hình của Nguyên, đồng thời tỏ ý muốn chăm sóc Nguyên một thời gian. Mẹ Thanh không biết việc chồng từng nói với con gái về Nguyên nên cực lực phản đối, nói Thanh tự rước cái khổ vào thân.
Thanh đau xót nói với mẹ rằng làm người phải có lương tâm, bởi trước khi cha mất cũng từng dặn con phải cảm ơn người ta. Nếu cha linh thiêng, nhìn con bỏ mặc như vậy chắc cũng không an lòng. Nghe xong mẹ Thanh trầm ngâm không nói gì.
Từ đó trở đi, Thanh lại thường xuyên xuất hiện ở phòng Nguyên như trước đâu. Bề ngoài, Nguyên nói Thanh không cần đến nhưng mỗi lần nhìn thấy cô lại vui vẻ hẳn lên. Nguyên dùng chiếc máy tính Thanh đem đến lập một trang mạng cá nhân rồi cho Thanh xem để góp ý kiến.
Nguyên viết: “Phòng bệnh có 19 người, tháng trước đã 4 người mất, tháng này 2 người. Bác sĩ nói, những người bị bỏng dù chỉ 5% nhưng bất kể lúc nào cũng có thể mất vì biến chứng. Vì vậy bạn đừng xem nhẹ nó, dù không quen biết những người đã mất nhưng mình cũng rất muốn sống thay họ. Hai hôm nữa bác sĩ làm vệ sinh toàn bộ vết thương, cảm giác đau đớn quả thực mình không dám nghĩ đến. Nhưng chỉ cần có thể hồi phục thì cho dù khó khăn đến mấy mình cũng chấp nhận. Sinh mệnh là điều đáng qúy nhất nên chỉ cần buông tay là sẽ không thể níu giữ được. Những ai từng đọc xong những điều mình viết xin hãy dành vài phút thời gian để cảm nhận cuộc sống. Cảm nhận người yêu bạn, người bạn yêu và thời gian mọi người sống bên nhau. Cho dù thế nào đi nữa cũng cần phải trân trọng nó…”.
Đọc xong, Thanh không cầm được nước mắt, lúc này cô mới cảm nhận được Nguyên là người kiên cường và tình cảm, biết sống vì người khác. Thanh tự hứa với bản thân sẽ giúp Nguyên chiến đấu với khó khăn. Tối hôm đó, Thanh bình luận trên trang cá nhân của Nguyên: “Anh nói thật hay, em nghĩ người thực sự kiên cường sẽ không đầu hàng số phận. Chúc anh chóng lành bệnh!”.
Ngày hôm sau, Thanh luôn ở bên cạnh động viên Nguyên. Chứng kiến cả quá trình vệ sinh vết thương khiến Thanh không kìm được nước mắt. Bác sĩ cắt thịt hoại tử, vảy mủ và những phần da chết khiến vết thương của Nguyên máu chảy ướt đẫm, nhưng Nguyên không hề kêu ca, chỉ cắn chặt răng chịu đựng.
Khi kết thúc, vết thương được băng bó lại, Nguyên hỏi đùa Thanh thấy biểu hiện của mình thế nào và nói: “Thực ra Nguyên làm được như vậy là do có Thanh ở bên cạnh tiếp thêm động lực”.
Đầu tháng 7, theo lời cha Nguyên, Thanh được biết, theo kế hoạch, giữa tháng 7 là thời điểm lẽ ra Nguyên phải làm phẫu thuật lần thứ 3. Đây là lần phẫu thuật rất quan trọng nhưng viện phí mất 50 ngàn tệ, lúc này cả nhà chỉ còn 20 ngàn tệ nên đành phải tạm dừng phẫu thuật, đợi khi nào qua thời kỳ nguy hiểm sẽ về nhà. Thanh lo lắng nói phải nghĩ cách chứ không thể để như vậy được. Cha Nguyên ngồi xuống ôm đầu nói những chỗ mình có thể vay mượn đều đã vay hết rồi, không còn cách nào khác nữa.
Trong ruột Thanh như có lửa đốt, bởi nếu bỏ qua cơ hội, để đến sau này mới phẫu thuật thì không còn hiệu quả nữa. Thanh nghĩ đến số tiền trước đây cha mình được đền bù 140 ngàn, vẫn còn 110 ngàn nên tỏ ý muốn lấy tiền để Nguyên làm phẫu thuật.
Tuy nhiên khi Thanh vừa nói ý định với mẹ thì bà lập tức lắc đầu. Thanh thuyết phục, vì cha nên Nguyên mới bị thương tích như vậy nên mình không thể làm ngơ. Đồng thời, Thanh đảm bảo sau này Nguyên bình phục có thể đi làm thì nhất định sẽ trả lại số tiền đó. Cuối cùng mẹ Thanh cũng đồng ý cho Nguyên mượn 50 ngàn tệ.
Cắt da hiến tặng tình yêu
Ngày 18/7, Nguyên được tiến hành phẫu thuận lần 3 theo kế hoạch. Lần phẫu thuật này hết sức thành công nên vết thương lành rất nhanh, sức khỏe Nguyên cũng ngày càng tốt hơn.
Khoảng giữa tháng 8, qua kiểm tra tổng thể, bác sĩ tuyên bố Nguyên đã qua giai đoạn nhiễm trùng, hai tay đã có thể hoạt động được. Gân và vết thương ở chân cũng đã dần liền lại, có nhiều hi vọng có thể hồi phục khả năng di chuyển sau này. Nghe vậy, cha Nguyên và Thanh vui mừng rớt nước mắt.
Nguyên cho Thanh biết, trước khi bị bỏng, mình đã từng có ý định mở một gian hàng trên mạng, nhưng vì nhiều việc nên phải gác lại. Bây giờ Nguyên muốn thử kinh doanh, nhưng cần phải có sự giúp đỡ của Thanh việc thu mua, chụp ảnh và quản lý, giải đáp thông tin. Thái độ lạc quan của Nguyên khiến Thanh cảm động, lập tức đồng ý.
Sau đó, Thanh và Nguyên lập một gian hàng chuyên kinh doanh sản phẩm đặc sắc của địa phương là ngọc điêu khắc. Mở hàng được khoảng hai tuần họ mới nhận được đơn hàng đầu tiên, tiền lãi là 3,6 ngàn nhân dân tệ. Tối hôm đó, cả hai dùng trà thay rượu để chúc mừng sự thành công bước đầu.
Sau đó, với đầu óc nhanh nhẹn, Nguyên còn kinh doanh nhiều sản phẩm khác, hàng tuần đều có khá nhiều đơn hàng, công việc càng lúc càng phát triển. Vì vậy, càng ngày Thanh càng cảm thấy khâm phục Nguyên, bất giác nghĩ đến lời cha nói trước đây, Thanh vô cùng cảm động. Từ lúc đó, trong lòng Thanh có một cảm giác khác lạ mỗi khi bên cạnh Nguyên, nhưng Thanh vẫn chưa thực sự dám xác nhận.
Một hôm, Nguyên đưa cho Thanh một ít tiền bên ngoài nói Thanh đi mua một ít quần áo đẹp và đồ trang điểm về dùng. Đợi khi nào Nguyên bình phục hẳn sẽ tự tay đi mua những thứ đắt nhất cho Thanh. Nguyên nước mắt lưng tròng nói thêm: “Nếu thực sự cuộc sống tốt lên, anh nhất định sẽ cố gắng gấp bội, sau này sẽ tặng em một chiếc ô tô”. Nguyên thổ lộ, kỳ thực, lần này mình có thể vượt qua khó khăn một cách thuận lợi như vậy đều là nhờ Thanh.
Cuối tháng 9, chị họ Thanh kết hôn, trong hai ngày không vào thăm, Thanh có cảm giác nhớ nhung đặc biệt với Nguyên. Lúc anh chị làm lễ bái đường, Thanh lại tưởng tượng thành hai người khác, đó là Nguyên và Thanh. Sau khi kết thúc hôn lễ, Thanh lập tức bắt xe quay về bệnh viện.
Đến nơi, Nguyên cười nhưng đôi mắt ngấn lệ nói, lúc Thanh không ở đây, Nguyên giống như một đứa trẻ, chỉ muốn khóc. Thanh thấy vậy cũng khóc theo nắm lấy tay Nguyên.
Tối hôm đó, thanh nhắn tin biểu lộ tình cảm của mình với Nguyên: “Trước đây, đã nhiều lần suy nghĩ về tình yêu của mình, nhưng khi nó thực sự đến em mới hiểu rằng, tình yêu không có một mô thức nào, cũng không thể nói được lý do vì sao. Em yêu anh!”.
Phải một lúc lâu sau Nguyên mới nhắn lại: “Thật vậy sao? Anh không dám tin đây là sự thực. Giả sử nếu đây không phải là mơ, có lẽ anh phải cảm ơn ông trời đã đem đến tai nạn này, bởi vì nó đã đưa em đến bên anh”.
Tình yêu của hai người cũng bắt đầu từ đây, nhưng đối với Nguyên, đó cũng là tình yêu có nhiều trách trở, tự trách và tự ty. Nguyên nghĩ, thậm chí cho dù sau này cuộc sống của mình trở lại bình thường thì dung mạo cũng không thể như xưa. Mình không xứng đáng với Thanh. Khi Nguyên tâm sự điều này, Thanh cười nói mình nhìn quen rồi nên không thấy xấu. Hơn nữa, sau ngày Nguyên còn có thể phẫu thuật chỉnh hình.
Ngày 29/10, được bác sĩ cho phép, lần đầu tiên Nguyên thử xuống giường. Nhưng do nhiều tháng không hoạt động, các cơ teo lại, Thanh và cha Nguyên đỡ Nguyên nhưng anh cũng chỉ đứng được mấy giây mồ hôi đã rịn ra thành hạt, lập tức phải nằm xuống giường.
Một cảm giác mặc cảm trào lên khi thấy Thanh tỏ vẻ lo lắng, Nguyên tự hứa với bản thân, nếu yêu Thanh thì mình nhất định phải cố gắng. Từ đó trở đi, Nguyên đều tự mình luyện tập mà không cho Thanh biết. Nhiều lần ngã quỵ phải chịu đau đớn nhưng Nguyên vẫn cắn răng chịu đựng.
Trong đầu Nguyên chỉ có một ý niệm duy nhất là mình phải đứng lên, phải bước đi. Dần dần, Nguyên đã có thể tự mình đi ra cửa sổ nhìn Thanh đi khỏi. Nguyên cảm thấy rất vui mừng nhưng giấu nhẹm không cho Thanh biết.
Ngày 17/11, Nguyên nhận được một đơn hàng lớn hơn 20 ngàn tệ. Sau khi tiền vào tài khoản, Nguyên muốn Thanh mua một chai rượu nhẹ để hai người chúc mừng. Khi Thanh đến nơi, cô không khỏi kinh ngạc khi Nguyên từ từ xuống giường đến đứng bên cạnh Thanh: “Thanh, em xem này, anh có thể đứng dậy cầm ly rượu này chúc mừng em rồi”. Thanh thấy vậy bật khóc nức nở ôm chầm lấy Nguyên.
Tuy nhiên, khi mẹ Thanh biết chuyện, bà phản đối kịch liệt, cho rằng nếu con gái cảm thấy vẫn còn nợ Nguyên thì số tiền 50 ngàn tệ không cần lấy về cũng được. Nhưng muốn gả cho Nguyên thì tuyệt đối không thể. Vì trên đời thiếu gì đàn ông tốt hơn, tại sao Thanh lại lấy một người như vậy? Nhưng Thanh vẫn kiên quyết: “Mẹ, bất kể người ta nói thế nào thì kệ người ta, với con nhân phẩm còn quan trọng hơn vẻ bề ngoài. Con đã quyết định rồi, cuộc đời con sẽ mãi mãi gắn bó với anh ấy”.
Trước sự kiên quyết của con gái, người mẹ đành phải ủng hộ. Đồng thời, Thanh cũng kể lại chuyện cha đã gửi gắm mình cho Nguyên trước khi lâm chung. Nghe xong, mẹ Thanh không biết nói gì, ôm con khóc.
Tháng 12, Nguyên dùng số tiền kiếm được để làm phẫu thuật phần cằm. Nhưng do sau nhiều lần ghép da, cơ thể Nguyên không còn da để lấy nữa, nếu cố tình lấy sẽ rất dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Thanh biết vậy không suy nghĩ liền tỏ ý muốn lấy da mình ghép cho Nguyên.
Nguyên không đồng ý, bởi mình từng bị thương, biết được cảm giác đau đớn khổ sở thế nào nên không muốn Thanh phải chịu. Thanh khổ sở thuyết phục, hờn dỗi, cuối cùng Nguyên mới nuốt nước mắt chấp nhận.
9h sáng 26/12, Thanh được đưa vào phòng thủ thuật, cắt một miếng da 4cm x 4cm. Do việc tiêm thuốc tê sẽ làm giảm tỷ lệ sống của da nên Thanh không chấp nhận tiêm thuốc. Lúc nhát dao cắt vào phần thịt ở lưng, hai tay Thanh bấu chặt vào thành giường phẫu thuật, nước mắt cứ trào ra nhưng hàm răng nghiến chặt không hề kêu ca. Bởi lúc đó Thanh biết, bạn trai đang chờ tấm da của mình. Về đến phòng bệnh, Nguyên hỏi Thanh có đau không, Thanh cười mếu máo rồi bật khóc nức nở khiến Nguyên cũng không kìm được vì thương cảm.
Vết thương của Thanh phải mất một tháng rưỡi mới liền hẳn, trong thời gian đó, Thanh cũng phải chịu đau đớn vô cùng. Chỉ có thể nằm sấp hoặc nghiêng trên giường. Nguyên thấy vậy vô cùng đau khổ nhưng Thanh nói: “Đây chỉ là vết thương nhỏ mà em còn cảm thấy đau quá sức, vậy mới biết anh đã phải chịu sự hành hạ thế nào. Anh quả thực rất kiên cường!”.
Sau khi phẫu thuật, tháng 4/2008, Nguyên chính thức được xuất viện, nhờ sự chăm sóc ân cần của Thanh, Nguyên hồi phục rất nhanh. Một thời gian sau đã có thể đi lại, tự chăm lo được cho bản thân. Hai người vẫn tiếp tục bán hàng trên mạng và có nhiều dự định cho tương lai. Tháng 8/2008, Thanh và Nguyên chính thức làm lễ thành hôn.